menu search
Đóng menu
Đóng

Sự kỳ lạ của thị trường chứng khoán Trung Quốc

14:26 19/08/2015

Có nên hay không khi chỉ chăm chăm tập trung vào những con số được mất thông qua biến động chứng khoán Trung Quốc gần đây? Forbes đã đăng một bài viết phân tích thị trường "kỳ lạ" này từ một góc nhìn khác. 
Đà sụt giảm dữ dội gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thổi bùng lên lo ngại về sự chấm hết vội vã của "phép màu kinh tế" tại quốc gia này.

Cộng hưởng với tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm sút trong quý II, nhiều nhà quan sát cho rằng 4 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán từ tháng Sáu có thể làm chệch choạng nỗ lực tự do hóa nền kinh tế, cải cách tài chính của Bắc Kinh.

Quyết định phá giá đột ngột đồng nhân dân tệ gần đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc càng củng cố ý kiến cho rằng nền kinh tế nước này đang gặp vấn đề.

Có tiền lệ

Bắt đầu từ tháng 7/2014, chỉ số Shanghai Stock Exchange Composite (SSE) trên sàn Thượng Hải tăng 149%, lên đỉnh 5.166 điểm tính đến ngày 12/6 năm nay. Tuy nhiên chỉ số nhanh chóng đánh mất 29% trong 3 tuần cuối tháng Sáu.

Nhiều người cho rằng sự kiện này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nhưng trên thực tế, đây không phải là lần chứng khoán Trung Quốc biến động dữ dội. Ví dụ, trong giai đoạn 15 tháng bắt đầu từ tháng 7/2006, chứng khoán Trung Quốc tăng 269%, chạm mức 5.955 điểm vào tháng 10/2007. Sau đó, chỉ số tuột dốc 71% trong 12 tháng sau, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra.

Chưa hết, trong giai đoạn 8 tháng bắt đầu từ tháng 10/2008, chỉ số SSE tăng gấp đôi lên 3.412 vào tháng 7/2009, sau đó lại tụt 30% qua 12 tháng sau.

Không phản ánh nền kinh tế

Một ý kiến phổ biến khác cho rằng thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu nền kinh tế Trung Quốc, biến động khó lường có thể hủy hoại niềm tin nhà đầu tư.

Tuy nhiên lật lại lịch sử, trong đợt chứng khoán bốc hơi vào năm 2008 và 2009, GDP Trung Quốc lại tăng lần lượt 9,2%, 10,6% và 9,5% trong ba năm 2009 – 2011.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu kinh tế Trung Quốc "sống sót" qua hai đợt sụt giảm chứng khoán trước, thì liệu nước này có vượt qua được cơn bão năm nay?

"Một mình một ngựa"

Rất khó để trả lời, vì bản thân đợt tăng giá vũ bão cuối năm 2014 của chứng khoán Trung Quốc đã là ngoại lệ so với hai giai đoạn trước.

Năm 2006 và 2009, chứng khoán Trung Quốc tăng điểm cùng xu hướng với chứng khoán thế giới. Nhưng năm 2015, chứng khoán nước này đã "một mình một ngựa".

Khi SSE tăng gần gấp đôi trong nửa đầu cuối 2014 đến nửa đầu 2015, chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ nhích vỏn vẹn 5%.

Trên thực tế, ngoài đợt tăng năm 2006 và 2009 kể trên, chứng khoán Trung Quốc hầu như không bao giờ bắt nhịp với chứng khoán quốc tế suốt 15 năm qua.

Ví dụ, trước khi SSE bắt đầu leo dốc vào tháng 7/2014, chỉ số đứng tại 2.075 điểm, dậm chân tại chỗ so với mốc tháng 8/2000.

Nói cách khác, trong 15 năm trước đó, khi GDP Trung Quốc tăng 8,5% thì chứng khoán vẫn đóng băng, trong khi Dow Jones tăng 62%.

Tập trung vào đâu?


Gốc rễ của sự lệch pha này xuất phát từ 2 động thái từ Bắc Kinh vào tháng 11/2014.

Ngày 17/11, Trung Quốc ra mắt Sàn giao dịch chứng khoán liên kết Thượng Hải – Hong Kong kết nối nhà đầu của hai sàn. Đây được xem như nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh để mở cửa thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư ngoại, kể từ khi chương trình nâng hạn mức đầu tư đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thuộc chương trình Qualified Foreign Institutional Investor được khởi động năm 2002.

Ngày 30/11, Bắc Kinh có bước tiếp theo làm bùng nổ đà tăng chứng khoán khi công bố dự thảo kế hoạch thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. Đây là động thái tiến tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho khối ngân hàng.

Mức bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng Trung Quốc là 500.000 nhân dân tệ/tài khoản. Số tiền đủ để trang trải cho tất cả các khoản tiền gửi (bằng nội tệ và ngoại tệ) tại ngân hàng của 99,63% khách hàng.

Bên cạnh Sàn liên kết Thượng Hải – Hong Kong, 4 lần hạ tỷ lãi suất kể từ tháng 11 đã hút vốn ngoại và nội vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Tóm lại, biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây nên được xem như khởi đầu của một kế hoạch phát triển thị trường vốn dài hạn của quốc gia này. Trong đó, một lượng vốn lớn nằm sẵn trong lãnh thổ đang được luân chuyển đến các công ty sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Kèm theo mỗi đợt cải cách lớn như vậy, việc thị trường điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Cho nên thay vì tập trung vào con số giảm sút trên thị trường và động thái can thiệp của giới chức, nhà đầu tư nên chú trọng vào các thay đổi nền tảng trong quá trình tái phân bổ vốn sắp tới. 

Theo Lê Phương

Bizlive

Nguồn:Bizlive