Theo số liệu của công ty tư vấn Morningstar, kể từ đầu năm, khoảng 78,7 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ, mạnh nhất kể từ năm 1993, thậm chí mạnh hơn thời kỳ những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu khi S&P 500 giảm tới 60%. Trong khi đó, kể từ đầu năm, S&P 500 tăng khoảng 1,5%.
Tính riêng tháng 7, các quỹ trong nước rút ròng 20,4 tỷ USD. Nếu tính chung 12 tháng trở lại đây, dòng tiền rút khỏi chứng khoán Mỹ lên tới 158,7 tỷ USD.
Dòng tiền đổ vào các quỹ tín thác tuy mạnh nhưng cũng không đủ bù đắp lượng tiền rút ra của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Điều này được cho là khá bất thường, tuy nhiên, theo chuyên gia Alina Lamy của Morningstar, xu hướng này cho thấy kỳ vọng trong tương lai của nhà đầu tư chứng khoán Mỹ và rằng chứng khoán Mỹ đang ở kỳ cuối của giai đoạn thị trường tăng điểm.
Trong khi đó, trên thế giới, cổ phiếu nhiều nước đang rẻ hơn, châu Âu và Nhật Bản vẫn theo đuổi chương trình kích thích kinh tế. Nhà đầu tư cũng nhận ra rằng Mỹ và châu Âu đang ở các điểm khác nhau của chu kỳ kinh tế và điều này đã phản ánh vào xu hướng của dòng tiền.
Minh Phương
Theo CNBC