menu search
Đóng menu
Đóng

Ai lợi, ai thiệt từ TPP?

12:39 06/10/2015

Vinanet -Với Việt Nam, ngành dệt may, thủy sản được cho là sẽ hưởng lợi từ TPP, trong khi doanh nghiệp dược phẩm sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn.
Mỹ và 11 quốc gia khác trong đó có Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tối qua 5/10. Nếu được ký kết đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm qua.

Tuy nhiên, để được ký kết, TPP cần được sự phê chuẩn của nghị viện các nước thành viên, trong khi đó, TPP được cho là sẽ gặp thách thức lớn ở Quốc hội Mỹ khi bầu cử Tổng thống tới gần.

GDP của 12 nước tham gia TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu với tổng giá trị lên đến gần 30 nghìn tỷ USD.

Nhà Trắng ước tính, có khoảng 18.000 loại thuế áp lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ được dỡ bỏ. Trong khi đó, TPP tạo cơ hội cho người nông dân từ người nuôi tôm ở Việt Nam đến người nuôi bò sữa ở New Zealand tiếp cận thị trường khắp khu vực Thái Bình Dương.

Ngược lại, những người chỉ trích thì cho rằng, TPP sẽ làm mất việc làm tại Mỹ, giảm các tiêu chuẩn môi trường, tăng giá thuốc.

Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về tác động tích cực lẫn tiêu cực đến các ngành kinh tế các nước châu Á – Thái Bình Dương.


Nhật Bản

Ngành sản xuất ô tô và linh kiện ô tô được cho là hưởng lợi nhiều nhất nhờ được tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này. Nhật Bản, Mỹ, Mexico và Canada vừa thống nhất ôtô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP.

Đổi lại, Nhật Bản phải giảm một số quy tắc bảo hộ đối với ngành lúa gạo nước này. Theo đó, Nhật Bản sẽ đưa ra hạn ngạch nhập khẩu gạo không chịu thuế (tương đương 1% tổng lượng tiêu thụ gạo nội địa).

Ngành chăn nuôi Nhật Bản có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do thuế đánh vào thịt bò nhập khẩu sẽ giảm xuống 9% trong vòng 16 năm, từ mức 38,5% hiện tại, trong khi thuế đánh vào thịt lợn nhập khẩu cũng giảm.

Australia

Thông qua TPP, Australia có thể tiếp cận thị trường đường của Mỹ trong khi Nhật Bản cũng giảm thuế đánh vào đường của Australia. Nông dân Australia cũng được hưởng lợi khi thịt bò của họ được giảm thuế quan khi vào thị trường Nhật.

Thuế đánh vào các mặt hàng thủy hải sản và nông nghiệp của Australia cũng sẽ giảm, trong khi các nông sản như gạo của sẽ được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế.

Australia và New Zealand đã thành công khi gây sức ép buộc Mỹ nhượng bộ về thời gian bảo hộ dược phẩm. Theo đó, thời gian bảo hộ được rút ngắn xuống 5-8 năm thay vì 12 năm như yêu cầu ban đầu của Mỹ. Nhờ đó, giá thuốc có thể rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Các nhà sản xuất của Australia cũng được hưởng lợi do các sản phẩm từ sắt, thép đến dược phẩm, giấy, linh kiện ô tô đều được giảm thuế quan.

New Zealand

93% hàng hóa của New Zealand xuất khẩu sang các nước TPP sẽ được miễn thuế, qua đó giúp tiết kiệm khoảng 259 triệu đô la New Zealand mỗi năm (168 triệu USD). Trong đó, riêng, ngành sữa vốn chiếm khoảng ¼ kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu đô la New Zealand.

Tuy nhiên, hàng hóa của New Zealand vẫn bị đánh thuế tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico mặc dù New Zealand sẽ được hưởng một số hạn ngạch ưu đãi thuế quan mới.

Thuế đánh vào thịt bò xuất khẩu của New Zealand sẽ được dỡ bỏ, trừ tại thị trường Nhật Bản. Nhật Bản chỉ chấp nhận giảm thuế đánh vào thịt bò New Zealand từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm. Thuế đánh vào các mặt hàng khác như hoa quả, hải sản, rượu, thịt cừu cũng sẽ được xóa bỏ.

Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, theo Eurasia Group. GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 11% vào năm 2025 nhờ TPP, với tăng trưởng xuất khẩu đạt 28% trong bối cảnh các doanh nghiệp chuyển nhà máy sang Việt Nam nhờ lợi thế chi phí nhân công thấp, báo cáo của Eurasia Group chỉ ra.

Ngành dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ Mỹ và Nhật bản giảm thuế nhập khẩu. Nhờ lợi thế chi phí nhân công thấp, dệt may của Việt Nam có thể thu hút nguồn lực từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động từ TPP có thể vẫn tương đối hạn chế do Việt Nam vẫn phải đối mặt với quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ (quy tắc từ sợi trở đi). Nghĩa là chỉ hàng dệt may sử dụng nguyên liệu trong các nước nội khối TPP mới được áp dụng cơ chế miễn giảm thuế.

Ngành thủy sản được cho là sẽ hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với tôm, mực ống và cá ngừ Việt Nam. Hiện thuế đánh vào các mặt hàng này dao động từ 6,4% đến 7,2%.

Tuy nhiên, TPP sẽ kéo theo thách thức đối với các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam khi thuế nhập khẩu dược phẩm được xóa bỏ hoàn toàn từ mức 2,5% hiện tại bởi khi đó cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt. TPP cũng sẽ làm tăng bảo hộ dược phẩm, do đó hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Việt với sản phẩm mới cũng như khả năng sản xuất loại thuốc mới.

Malaysia

Các doanh nghiệp quốc doanh của Malaysia có thể chịu tác động tiêu cực từ TPP do TPP đòi hỏi công bằng trong đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Những ngành được hưởng lợi của Malaysia đó là các nhà xuất khẩu điện tử, sản phẩm hóa chất, dầu cọ, cao su. Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới và là một trong những nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới.

Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc có thể là đối tượng thua thiệt nhiều nhất khi Trung Quốc chưa gia nhập TPP. Bởi điều này sẽ tạo điều kiện để Mỹ thắt chặt quan hệ thương mại với các nước trong khu vực, thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Sau khi quả quyết không gia nhập TPP thì đến nay Trung Quốc bắt đầu ngỏ ý sẽ tham gia khối này trong tương lai.

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể mất một số thị phần tại Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước phát triển như Việt Nam, theo chuyên gia Fielding Chen của Bloomberg. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược “một vành đai, một con đường” để thiết lập lại các tuyến đường thương mại từ châu Á sang châu Âu và theo đuổi các hiệp định tự do thương mại với các nước khác, đặc biệt là châu Á. “Khi Trung Quốc mở cửa, họ không muốn các nước khác đóng cửa”, ông Chen nhận định.
Minh Phương
Theo Bloomberg