menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc dùng tiền để áp đặt “cuộc chơi” như thế nào?

14:48 26/07/2015

Sự hiện diện nhanh chóng và ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại Ecuador là một ví dụ điển hình cho tham vọng của nước này thiết lập trật tự thế giới mới - Ảnh: The New York Times.

Tại nơi dãy Andes nối với rừng Amazon, gần 1.000 kỹ sư và công nhân Trung Quốc đang đổ bê tông để xây dựng một con đập và một đường hầm dài 24 dặm. Dự án trị giá 2,2 tỷ USD này sẽ đưa nước sông Amazon vào tám turbin khổng lồ do Trung Quốc thiết kế để cung ứng điện cho hơn một phần ba dân số Ecuador.
Gần cảng Manta nằm bên Thái Bình Dương, các ngân hàng Trung Quốc đang đàm phán để rót vốn cho các nhà đầu tư nhằm xây dựng một nhà máy lọc dầu, qua đó biến Ecuador thành nhân tố mới trên thị trường xăng dầu thế giới, theo The New York Times.

Rót tiền ra thế giới

Trên khắp các làng mạc và thành phố tại đất nước Nam Mỹ này, tiền Trung Quốc đang được rót vào đường xá, cầu cảng, bệnh viện, thậm chí cả hệ thống camera giám sát tới tận quần đảo Galápagos. Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã rót tổng cộng 11 tỷ USD vào Ecuador, và chính phủ Ecuador đang đề nghị vay thêm.

Với dân số vỏn vẹn 16 triệu người, Ecuador có tiếng nói nhỏ bé trên trường quốc tế. Nhưng dấu ấn ngày càng rõ nét của Trung Quốc tại quốc gia này lại phản ánh sự thay đổi nhanh chóng về trật tự thế giới, trong đó Bắc Kinh ngày càng lấn lướt và Washington đang dần mất đi chỗ đứng.

Trung Quốc vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới trong vài thập kỷ qua, song phải đến gần đây nước này mới sử dụng tiềm lực tài chính của mình để thể hiện sức mạnh siêu cường.

Bắc Kinh đang quyết liệt sử dụng tiềm lực kinh tế để lôi kéo các đồng minh về ngoại giao, cùng lúc thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ và đảm bảo nguồn cung về nguyên-nhiên liệu cần thiết cho nền sản xuất của nước này.

Điều này phản ánh một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đã trở nên giàu có hơn và các nhu cầu tăng lên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những thành viên khác trong giới lãnh đạo tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu.

Đồng nội tệ của Trung Quốc, tức đồng Nhân dân tệ, được cho là sẽ sớm gia nhập nhóm các đồng tiền dự trữ, vốn được coi là nhóm tiền tệ “tinh hoa”, bên cạnh USD, EURO, bảng Anh và Yên. Ngân hàng đầu tư nhà nước của Trung Quốc cũng đã vượt qua Ngân hàng Thế giới trong việc cung ứng các khoản vay quốc tế.

Tình trạng thị trường chứng khoán lao dốc trong thời gian gần đây cũng khó có thể làm rung chuyển cả nền kinh tế. Trung Quốc có gần 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối và Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư ra nước ngoài để thu lợi và mở rộng tầm ảnh hưởng.

Song song với sự gia tăng về sức mạnh kinh tế, chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng ngày càng trở nên cứng rắn. Nước này đang xây dựng các tàu sân bay, chế tạo tàu ngầm và máy bay tàng hình. Tại biển Đông, Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, một động thái bị Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt.

Tìm nơi phương Tây không muốn đến

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới và vì thế có tầm ảnh hưởng lớn đến chính trị tại những khu vực giàu dầu mỏ. Càng ngày càng có nhiều nước coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, trong khi vài trò này của phương Tây đang dần giảm sút.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong năm ngoái đã vượt qua Nhật Bản và hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Các công ty Trung Quốc đang là tâm điểm của một đợt bùng nổ xây dựng trên toàn thế giới, với nguồn vốn từ các ngân hàng nước này. Doanh nghiệp Trung Quốc đang xây dựng nhà máy điện tại Serbia, nhà máy kính và xi măng tại Ethiopia, nhà ở cho người thu nhập thấp tại Venezuela và các đường ống dẫn khí tại Uzbekistan.

Do ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, Trung Quốc đang học theo Mỹ và các nền kinh tế lớn khi tìm cách sở hữu các mỏ ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung.

Trong những năm gần đây, các công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc đã thâu tóm cổ phần trong nhiều dự án tại Cameroon, Canada, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iraq, Nigeria, Sudan, Uganda, Mỹ và Venezuela.

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi các khoản đầu tư ra nước ngoài như một mối quan hệ cộng sinh.

“Hợp tác công nghiệp giữa Trung Quốc và Mỹ La tinh hiện nay diễn ra rất đúng thời điểm. Trung Quốc có công nghệ và khả năng sản xuất thiết bị với giá cả cạnh tranh, trong khi Mỹ La tinh có nhu cầu phát triển hạ tầng và nâng cấp các ngành công nghiệp”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trong chuyến thăm Chile hồi tháng 5 vừa qua.

Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đến những nơi mà phương Tây không muốn đến, vì lý do tài chính hoặc chính trị, hoặc cả hai.

Sau khi bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga đến bên bờ suy thoái kinh tế và buộc phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Danh sách các nước vay nợ Trung Quốc tại châu Phi và Trung Đông gồm hầu hết các nước có chế độ chính trị bị phương Tây lên án hoặc là những nền kinh tế có vay mà không có khả năng trả nợ, như  Yemen, Syria, Sierra Leone và Zimbabwe.

Tại Mỹ La tinh, Trung Quốc thường bắt tay với những chính trị gia có đường lối chống Mỹ và phương Tây. Tổng thống Ecuador Rafael Correa là một ví dụ điển hình. Ông Correa đi theo đường lối cách mạng xã hội của Venezuela.

Trong một lần phát biểu tranh cử năm 2006, ông Correa từng đùa rằng ông Hugo Chavez ví tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush với quỷ sa tăng là một sự xúc phạm đối với sa tăng.

Đưa hàng loạt điều kiện

Khi Ecuador lâm vào khủng hoảng tài và giá dầu giảm mạnh, chính phủ nước này tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc. Năm 2009, PetroChina, công ty dầu khí do chính phủ Trung Quốc đứng sau cho công ty dầu khí quốc gia Ecuador Petroecuador vay 1 tỷ USD trong hai năm, với lãi suất 7,5%.

Chỉ trong vòng một năm sau đó, Trung Quốc ồ ạt rót tiền vào các dự án thuỷ điện và hạ tầng khác tại quốc gia Nam Mỹ này.

Tất nhiên, khi rót tiền vào Ecuador, Trung Quốc luôn đưa ra hàng loạt điều kiện. Với tiềm lực tài chính hiện có, Trung Quốc đang buộc nhiều nước phải chơi theo luật do Trung Quốc áp đặt.

Để được vay vốn, nhiều nước đang phát triển phải lãi suất cao ngất và phải giao quyền khai thác tài nguyên cho Trung Quốc trong nhiều năm. Trung Quốc kiểm soát gần 90% sản lượng dầu thô xuất khẩu của Ecuador, trong đó phần lớn là để trả các khoản nợ của nước này với Bắc Kinh.

“Vấn đề là chúng tôi đang thay thế chủ nghĩa đế quốc Mỹ bằng chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc. Người Trung Quốc đang đi mua sắm khắp thế giới, biến nguồn lực tài chính của họ thành nguồn lực khoáng sản và các khoản đầu tư. Họ mang đến nguồn vốn, công nghệ và các kỹ thuật viên, nhưng họ cũng mang đến lãi suất cao”, cựu bộ trưởng năng lượng Ecuador Alberto Acosta nhận định.

Ngoài việc phải trả lãi suất cao, Ecuador buộc phải sử dụng các nhà thầu, công nghệ Trung Quốc tại các dự án. Luật pháp quốc tế hạn chế việc Mỹ và các nước phát triển khác cho vay kèm các điều khoản như Trung Quốc. Nhưng do vẫn là một nước đang phát triển, Trung Quốc không phải tuân thủ các điều luật như vậy.

Đây cũng là một trong những lý do khiến Mỹ lo lắng về việc Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Washington lo ngại Trung Quốc sẽ tạo lập các luật lệ riêng, trong đó giảm các chuẩn mực về độ minh bạch, quản lý và môi trường.

Nếu Ecuador và các nước vay nợ Trung Quốc khác không thể trả nợ, nghĩa vụ của các nước này với Trung Quốc sẽ tăng lên. Trong trường hợp đó, nhiều khả năng các ngân hàng Trung Quốc sẽ tái cấu trúc các khoản nợ bằng cách kéo dài thời hạn vay thay vì xoá nợ.

Điều này có nghĩa các quốc gia có nợ sẽ phải để Trung Quốc nắm quyền sử dụng các nguồn tài nguyên thêm nhiều năm nữa, đồng thời các nước này sẽ khó vay vốn hơn và sẽ để mất các cơ hội phát triển kinh tế khác.

Trung Quốc từ lâu được biết đến với tình trạng an toàn lao động kém cũng như tiêu chuẩn thấp về môi trường và quản lý doanh nghiệp. Nhiều quốc gia lo ngại với việc tăng cường đầu tư và ồ ạt đưa công nhân ra nước ngoài làm việc, Trung Quốc cũng “xuất khẩu” luôn cung cách làm ăn tệ hại của mình sang các nước khác.

Trả giá

Các bất ổn liên quan đến sự có mặt của Trung Quốc đã bộc lộ rõ nét ở Ecuador.

Chỉ cách nhà máy thuỷ điện mà Trung Quốc đang xây dựng vài kilomet là con thác cao 150m - đây là thác nước cao nhất Ecuador và là điểm đến của rất nhiều du khách. Khi con đập hoàn thành và nguồn nước bị dẫn vào nhà máy thủy điện, nguồn nước tại thác sẽ giảm mạnh.

Cùng lúc đó, biến đổi khí hậu đang làm giảm nguồn nước từ các khối băng trên dãy Andes chảy về. Giới chuyên gia nhận định nhà máy thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng chưa chắc sẽ có đủ nguồn nước để vận hành turbin và sản xuất được một nửa sản lượng điện như thiết kế.

Cũng như nhiều dự án khác của các công ty Trung Quốc tại nước ngoài, dự án thuỷ điện này đầy rẫy sai sót. Tháng 12 năm ngoái, một dòng sông ngầm đổ ập vào một đường hầm tại dự án. Áp lực nước lớn khiến khu vực phát điện bị ngập và khiến 14 công nhân thiệt mạng.

Đây là chỉ một trong hàng loạt tai nạn nghiêm trọng tại các dự án do Trung Quốc thực hiện tại Ecuador.

Công nhân Ecuador làm việc trong dự án thuỷ điện này đã liên tiếp phản đối chính sách tiền lương, hoạt động chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm và điều kiện làm việc tại dự án.

“Người Trung Quốc quá kiêu ngạo. Họ nghĩ rằng họ thượng đẳng hơn chúng tôi”, công nhân Oscar Cedeno, 20 tuổi, nói.

Việc phô trương sức mạnh tài chính cũng khiến cho kinh tế Trung Quốc, và cả thế giới, dễ bị tổn thương hơn. Vốn là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, nhưng nay Trung Quốc tự đưa mình ra trước nhiều rủi ro khi làm ăn tại các quốc gia có nền chính trị bất ổn, các thị trường mới nổi nhiều biến động và đối mặt các lực lượng kinh tế nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Bất kỳ vấn đề lớn nào cũng có thể tác động đến kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm tăng trưởng của nước này đang chậm lại. Diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán nước này đang tăng thêm áp lực lên nền kinh tế, dù chính phủ Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ổn định tình hình.

Theo Diệu Minh
VnEconomy

Nguồn:VnEconomy