menu search
Đóng menu
Đóng

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 4/2017

08:57 29/04/2017

Vinanet - Mặc dù giá cao su tự nhiên giảm mạnh kể từ giữa tháng 2/2017, tâm lý thị trường được củng cố vào cuối tháng 3/2017 nhờ triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu cải thiện, doanh số bán xe tốt hơn dự báo tại Trung Quốc và sự phục hồi của giá dầu.
I. Thế giới:
1. Sản xuất:
 Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su tự nhiên quý 1/2017 của các nước thành viên đạt 2,499 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016. Tiêu dùng cao su tự nhiên tại các nước thành viên ANRPC đạt 1,951 triệu tấn trong quý 1/2017, chiếm 78% tổng sản xuất.
Mặc dù giá cao su tự nhiên giảm mạnh kể từ giữa tháng 2/2017, tâm lý thị trường được củng cố vào cuối tháng 3/2017 nhờ triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu cải thiện, doanh số bán xe tốt hơn dự báo tại Trung Quốc và sự phục hồi của giá dầu.
Trong quý 2/2017, sản xuất cao su tự nhiên của các nước thành viên ANRPC được dự báo tăng 5,8% lên 2,491 triệu tấn, so với mức 2,355 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc được cải thiện khi Mỹ dỡ bỏ thuế đánh trên lốp xe của phương tiện vận tải hạng nặng từ Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu cải thiện cho thấy khả năng tăng trưởng nhanh hơn về nhu cầu đối với cao su tự nhiên từ các nước không thuộc ANRPC.
Thị trường cao su tự nhiên cũng được dự báo tích cực nhờ khả năng giá dầu tăng do OPEC đang lên kế hoạch mở rộng chương trình cắt giảm sản lượng hơp tác với các nước sản xuất dầu lớn khác ngoài OPEC.
Theo Cơ quan quản lý Cao su Thái Lan, ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia (chiếm khoảng 70% nguồn cung cao su tự nhiên của thế giới) đã nhóm họp gần đây để thảo luận các cách thức nhằm ổn định giá cao su cũng như thúc đẩy nhu cầu trong nước đối với mặt hàng cao su tự nhiên. Việc bình ổn giá cao su là rất quan trọng trong bối cảnh giá mặt hàng này đang liên tục dao động, nguồn cung của Thái Lan chưa khôi phục sau trận lụt nghiêm trọng tại miền Nam nước này hồi năm ngoái trong khi người trồng cao su ở Ấn Độ và Indonesia đang giảm lượng khai thác.
Giá cao su phải cao hơn chi phí sản xuất ít nhất 20%, trong khi hiện tại, giá cao su ở Thái Lan chỉ ở mức 1,8 USD/kg và chi phí sản xuất là 1,4 USD/kg. Tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu (ước tính ở mức trung bình 7,37%/năm) cũng là một nhân tố quan trọng để tăng giá cao su.
Thái Lan đã thông qua quyết định mở rộng chương trình trợ cấp giá cao su trị giá 20 tỷ baht (gần 600 triệu USD) và các gói cho vay hỗ trợ lên tới 10 tỷ baht cho các cơ sở sản xuất cao su tư nhân để giúp họ thúc đẩy sản xuất. Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ cũng đã thực hiện các chính sách nhằm giảm bớt các đồn điền cao su để vực dậy giá thị trường. Các cơ quan phụ trách ngành cao su của 3 nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ tăng cường phổ biến thông tin để tránh tình trạng đầu cơ cao su.
2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:
 
 Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (TOCOM) biến động giảm mạnh trong tháng 4/2017 do đồng yên tăng mạnh mẽ, thị trường cao su Thượng Hải đi xuống trong bối cảnh lo ngại dư cung tại Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch 11/4, hợp đồng benchmark tháng 9/2017 giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất 1 tuần, đóng cửa ở mức 229,3 yên/kg. Giá cao su tại Thượng Hải chạm mức thấp nhất trong 5 tháng, ở mức 15.220 NDT (tương đương 2.206,18 USD)/tấn. Giá cao su giảm hơn 7% trong 3 phiên trước đó, sau khi Sinopec Trung Quốc ra lệnh cho các đơn vị cao su trong nhà máy lọc dầu Yanshan đóng cửa, nhằm đáp ứng kiểm soát môi trường, gia tăng lo ngại về nguồn cung dồi dào.
Không dừng lại ở đó, kết thúc phiên giao dịch 19/4, hợp đồng benchmark tháng 9/2017 giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng, chỉ đạt 203 yên/kg. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp và có lúc trong ngày đã giảm dưới ngưỡng 200 yên/kg. Trước đó, hợp đồng benchmark tháng 9/2017 đạt 216,5 yên/kg lúc đóng cửa phiên đầu tuần (17/4) và giảm xuống mức 212,9 yên/kg cuối phiên 18/4. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2017 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 585 NDT, xuống còn 14.195 NDT (tương đương 2.064 USD)/tấn trong phiên giao dịch qua đêm, chạm mức thấp nhất nhiều tháng.
Đồng yên tăng khiến hàng hóa mua bằng đồng yên Nhật Bản đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
II. Việt Nam:

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su trong nước duy trì thế vững trong 20 ngày đầu tháng 4/2017, trái với xu hướng biến động giảm mạnh trên thị trường cao su thế giới. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su vẫn giữ ở mức 12.875 đ/kg.
Từ ngày 30/3 –13/4/2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đã nâng sản lượng lên hơn 23.000 tấn, tăng 100 tấn so với tuần cuối tháng 3/2017 do nhu cầu tăng của các đối tác Trung Quốc. Trong đó, cao su tiểu điền chiếm 30%, nhưng chỉ 45% đạt chất lượng loại I, còn lại là cao su xám đóng bánh SVR 10 và SRV 20. Hai loại sản phẩm này, giá xuất khẩu chỉ bằng 89% so với các loại chất lượng 1 là SVR 3L. Hiện nay, giá các sản phẩm cao su sơ chế đóng bánh đều tăng so với tháng trước. Cụ thể, giá cao su SVR 3L tăng từ 18.540 NDT/tấn lên 19.000 NDT/tấn. Cao su SVR CV50 và SVR CV60 tăng mạnh hơn, từ 16.350 NDT/tấn lên 17.000 NDT/tấn. Dự báo giá cao su xuất khẩu nhiều khả năng sẽ ổn định đến giảm nhẹ trong thời gian tới do vụ thu hoạch mới đang bắt đầu, nguồn cung sẽ tăng.
Nguồn: Lan Anh/Caosu.net