Trước đó, giá đậu tương đã quay trở lại nhịp tăng mạnh sau báo cáo Diện tích gieo trồng tháng 6 của Mỹ. Chỉ tròng vòng hơn 10 phiên giao dịch giá đã ghi nhận mức tăng tới gần 10%. Ước tính diện tích thu hẹp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường đã khiến cho nguồn cung tại Mỹ niên vụ 23/24 sẽ giảm 208 triệu giạ với kịch bản năng suất giữ nguyên ở mức 52 giạ/mẫu. Câu hỏi được thị trường quan tâm trong báo cáo Cung – cầu tối nay là triển vọng nguồn cung liệu có tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh hạn hán đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đậu tương. Theo tổng hợp của hãng tin Reuters, tồn kho cuối niên vụ 23/24 dự kiến sẽ giảm từ mức 350 triệu giạ xuống mức 199 triệu giạ. Mức cắt giảm này có thể đến từ việc dự báo hoạt động ép dầu sẽ gia tăng. Mùa vụ thiệt hại nghiêm trọng của Argentina đã thúc đẩy các nhà máy ép dầu tại Mỹ hoạt động với tốc độ kỷ lục trong cùng kỳ so với các năm trước để xuất khẩu khô đậu tương. Với kịch bản năng suất đậu tương niên vụ 23/24 cũng bị hạ điều chỉnh dự báo thì đây có thể sẽ là một trong những yếu tố “bullish” mạnh đối với giá.
Tính đến hiện tại, khoảng 60% diện tích đậu tương Mỹ đang nằm trong khu vực bị hạn hán. Năm 2012 cũng ghi nhận mức bao phủ hạn hán tương đương và trong báo cáo WASDE tháng 7/2012, USDA đã phải cắt giảm dự báo năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 12/13 xuống mức 40,5 giạ/mẫu từ mức 43,9 giạ/mẫu. Điều này là dấu hiệu cho thấy khả năng nguồn cung đậu tương vụ mới tại Mỹ có thể thu hẹp hơn nữa sau báo cáo tối nay.
Giá Arabica có thể giằng co khi yếu tố kỹ thuật cản bước đà giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/07, hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu. Giá Arabica giảm hơn 1% khi xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 7 tích cực hơn cùng kỳ năm trước, giúp giảm bớt lo ngại nguồn cung ở mức thấp trước đó. Giá Robusta ghi nhận mức giảm nhẹ hơn nhờ hỗ trợ từ việc xuất khẩu cà phê tháng 6 tại Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ 1 năm trước.
Tiến độ thu hoạch cà phê diễn ra tích cực tại vùng sản xuất chính, khiến nguồn cung cà phê tại Brazil nói riêng và toàn thị trường nói chung dần được củng cố, từ đó tạo ra những tác động “bearish” lên diễn biến giá.
Giá cà phê Arabica nội địa của Brazil đang giảm khá sâu. Trong báo cáo cà phê hàng tuần của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica trong tuần kết thúc ngày 07/07/2023 cao nhất là 840 Real/bao 60kg, giảm 8,7% so với tuần trước và thấp hơn 39,13% so với cùng kỳ năm trước. Giá nội địa giảm do sản lượng cà phê gia tăng trong giai đoạn thu hoạch chính, có thể kéo theo giá Arabica giao dịch trên Sở ICE giảm theo.
Hơn nữa, số bao chờ phân loại để bổ sung vào kho dự trữ cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE mới được bổ sung thêm 2.208 bao loại 60kg khi kết thúc phiên hôm qua. Như vậy, tổng số bao đang chờ phân loại tại các kho của Sở ICE đạt 5.242 bao. Đây là tín hiệu cho thấy, dữ liệu tồn kho có thể tiếp tục giằng co, hoặc đi lên trong thời gian tới.
Giá đồng có thể tăng nếu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 6
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch hôm nay trong sắc xanh do được hỗ trợ bởi kỳ vọng tích cực hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Bloomberg đưa tin, các khoản vay mới của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 6 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất vào giữa tháng nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tài chính đã cung cấp khoản vay mới trị giá 427 tỷ USD trong tháng 6, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 322 tỷ USD và mức 392 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu tín dụng tăng cao phần nào cho thấy niềm tin kinh doanh của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc dần phục hồi và hỗ trợ lực mua đồng trong phiên.
Tuy vậy, thông tin này chỉ mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn, do nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang vấp phải một loạt thách thức, bao gồm chi tiêu của người tiêu dùng trì trệ, thị trường bất động sản suy yếu, xuất khẩu sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và nợ của chính quyền địa phương cao ngất ngưởng.
Do đó, dự báo giá đồng có thể tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố vào 19h30 tối nay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ được dự báo tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng CPI hàng năm chậm nhất kể từ tháng 3/2021 và giảm đáng kể so với mức tăng 9,1% vào tháng 7/2022, khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
CPI lõi, loại trừ biến động giá thực phẩm và năng lượng, được dự báo tăng 5% so với tháng 6/2022 và tăng 0,3% so với tháng trước, cả hai thang đo CPI lõi trong tháng 6 đều được kỳ vọng sẽ tăng chậm hơn so với báo cáo tháng 5.
Do vậy, nếu dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt đúng như dự báo, điều này có thể làm gia tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kéo đồng USD tiếp tục suy yếu. Đây sẽ là yếu tố “bullish” tới giá đồng trong phiên tối. Ngược lại, nếu lạm phát tăng mạnh vượt ước tính, Fed có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất và khiến giá đồng gặp sức ép trở lại.
Giá dầu có thể có nhịp hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục động lực tăng
Giá dầu hiện tại đang di chuyển sát cạnh trên của kênh xu hướng tăng trong ngắn hạn và RSI khung H4 đang ở vùng quá mua. Mặc dù được hỗ trợ đáng kể bởi yếu tố cơ bản, với lo ngại tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay, nhưng với yếu tố kỹ thuật khá rủi ro, dầu thô có thể có nhịp điều chỉnh giảm trước khi lấy lại động lực tăng giá.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối qua cho thấy góc nhìn thâm hụt đáng kể trong nửa cuối năm nay, phần lớn do tác động cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia 1 triệu thùng/ngày kéo dài sang tháng 8.
EIA đã cắt giảm dự báo nguồn cung trong cả 4 quý năm nay, trong khi tăng nhẹ dự báo nhu cầu, khiến cho cán cân cung cầu trung bình năm 2023 ghi nhận mức thâm hụt khoảng 60.000 thùng/ngày, và đây là dự báo thâm hụt trung bình năm 2023 lần đầu tiên của EIA sau nhiều kỳ báo cáo thị trường ở mức thặng dư nhẹ. Trong đó, mức thâm hụt quý III dự báo lên tới khoảng 1 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 200.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.
Hầu hết các loại dầu tại Saudi Arabia từ nặng, trung bình, nhẹ đều là dầu chua, vốn cần nhiều công đoạn tinh chế hơn. Với sản lượng cắt giảm, giá dầu chua tại Biển Bắc, Mỹ, và Canada đã tăng vọt khi các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ tăng mua. Các thương nhân cho biết giá dầu thô Johan Sverdrup chua trung bình ở Na Uy đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,5 USD/thùng so với tiêu chuẩn Brent. Giá dầu Mars chua của Mỹ cũng được giao dịch cao hơn 2 USD/thùng so với dầu WTI, điều khá hiếm thấy trước đây.
Điều này khiến dầu thô Brent và WTI cũng trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy đà tăng của giá.
Tuy nhiên, trong hôm nay, giá dầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ 2 yếu tố, dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 6, và báo cáo tồn kho dầu Mỹ hàng tuần của EIA.
Thị trường dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt từ mức 4% xuống còn 3,1% trong tháng này so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tuần trước, dữ liệu tiền lương vẫn cho thấy mức tăng trưởng khá mạnh, nên nhiều khả năng lạm phát Mỹ cao hơn kỳ vọng. Trong trường hợp này, giá dầu có thể gặp áp lực bởi lo ngại lãi suất tiếp tục tăng.
Yếu tố thứ 2 là dữ liệu tồn kho dầu thô Mỹ. Nếu như tồn kho tăng mạnh, đồng thuận với dữ liệu của Viện dầu khí Mỹ (API) rạng sáng nay, lực bán tạm thời cũng sẽ quay trở lại.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)