menu search
Đóng menu
Đóng

Châu Phi nguy cơ khủng hoảng kép – sức khỏe và lương thực – do Covid-19

08:52 28/04/2020

Vinanet - Giá mỗi bao gạo nhập khẩu ở Abuja và Lagos (Nigeria) đã tăng hơn 7,5% kể từ tuần thứ 3 của tháng 3/2020 đến đầu tháng 4/2020, trong khi giá gạo trong nước sản xuất tăng khoảng 6-8%, theo SBM Intelligence.
Khu vực Châu Phi với 54 quốc gia và vùng lãnh thổ cho đến ngày 23/4/2020 có 23.281 ca nhiễm Covid-19, trong đó 6.270 người đã hồi phục và 983 ca tử vong. Mặc dù hiện đang đứng thứ 5 tính theo khu vực về số ca nhiễm trên thế giới (sau Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Á và Mỹ Latinh), nhưng số ca mắc mới tại đây đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, đưa khu vực này trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 17/4 cảnh báo số ca nhiễm ở Châu Phi có thể tăng vọt lên 10 triệu trường hợp trong vòng 3-6 tháng tới.
Phần lớn các quốc gia Châu Phi đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, từ giới nghiêm, giới hạn đi lại ở một số quốc gia cho đến phong tỏa hoàn toàn ở một số nơi khác. Và chính những biện pháp này có nguy cơ làm “rung chuyển” kinh tế của Châu lục Đen, đẩy hàng chục triệu người rơi vào cảnh vô cùng nghèo đói.
Liên Hiệp Quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, hàng triệu người dân Châu Phi có nguy cơ không có đủ lượng lương thực, thực phẩm cần thiết do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất Châu Phi, nhu cầu gạo tăng cao trên toàn quốc nhưng chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Kể cả ở bang Benue – vựa lúa của đất nước, lúa gạo cũng không được luân chuyển vì không có xe chở gạo tới các nhà máy xay xát. Mặc dù ngành lương thực được miễn phong tỏa, song các tài xế lo sợ bị dịch bệnh, và cũng sợ bị giữ xe chở hàng (vì các quy định không thực sự rõ ràng) nên không dám hoạt động. Người nông dân cũng đành phải để lúa chất đống trong kho, thậm chí để lúa hỏng trên đồng mà không có người vận chuyển.
Tình hình ở Nigeria cũng tương tự như ở các nước khác thuộc khu vực Châu Phi cận Sahara.
Hãng vận tải Kobo360 cho biết 30% số xe của họ ở khắp các nước Nigeria, Kenya, Togo, Ghana và Uganda đều dừng hoạt động.
Không chỉ lúa gạo trong nước bị lãng phí, gạo nhập khẩu – mặt hàng mà khu vực này vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài – cũng đã dần cạn kiệt vì các nước cung cấp chủ chốt, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia, đã giảm hoặc thậm chí ngừng xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhằm đối phó với dịch bệnh.
Kết quả là giá gạo – lương thực thiết yếu của Châu Phi – đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 3, vượt quá khả năng mua của một số gia đình.
Giá mỗi bao gạo nhập khẩu ở Abuja và Lagos (Nigeria) đã tăng hơn 7,5% kể từ tuần thứ 3 của tháng 3/2020 đến đầu tháng 4/2020, trong khi giá gạo trong nước sản xuất tăng khoảng 6-8%, theo SBM Intelligence.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria, ông Muhammed Sabo Nanono cho biết: “Không có gì phải bàn cãi về tình trạng mất an ninh lương thực sắp xảy ra, không chỉ ở Nigeria mà ở các quốc gia trên toàn thế giới”.
 
Châu Phi nằm trong số những khu vực có lượng lương thực dự trữ tháp nhất thế giới (so với mức tiêu thụ), do đó việc các nước xuất khẩu lớn hạn chế xuất khẩu đồng nghĩa với việc khu vực này sẽ thiếu gạo, và “điều đó có thể xảy ra rất nhanh”, theo như lời chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Trung và Tây Phi của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của UB, ông John Hurley.
Nigeria hiện có khoảng 38.000 tấn gạo trong kho dự trữ chiến lược và đang cần bổ sung thêm 100.000 tấn. Nigeria đã tăng đáng kể sản lượng gạo trong nước trong những năm gần đây.
Nhưng số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy họ vẫn nhập khẩu ít nhất một phần ba khối lượng gạo tiêu thụ.
Trên khắp châu Phi cận Sahara, các nước đều phụ thuộc vào nhập khẩu với mức trung bình khoảng 40% lượng gạo tiêu thụ. Điều này khiến họ trở thành những nước có “nguy cơ thiếu đói đặc biệt cao”.
WB cảnh báo, Châu Phi cận Sahara – khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – có thể đang từ việc đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe lan sang khủng hoảng an ninh lương thực. UN còn cho rằng sự gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể khiến số người thiếu đói trên toàn cầu tăng gấp đôi, lên 265 triệu người.
Nếu không tăng nhập khẩu, riêng khu vực Đông Phi có thể thiếu ít nhất 50.000-60.000 tấn gạo vào cuối tháng 4, Mital Shah, giám đốc điều hành công ty Sunrice ở Kenya, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực, cho biết.
Ở Kenya, người dân đổ xô tích trữ lương thực và Chương trình phân phối gạo cho hộ gia đình có thu nhập thấp của Chính phủ khiến nguồn dự trữ dần cạn kiệt. "Toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn", Mital Shah cho biết, và thêm rằng "Trong vài tuần tới, Đông Phi sẽ thiếu hụt lớn".
Thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu vào Kenya trước đây là 3-4 ngày nay đã tăng lên 3-4 tuần. Còn ở Nigeria, thời gian cho thủ tục này cũng tăng từ vài tuần lên vài tháng.
Tại Senegal, lượng gạo dự trữ ước tính đủ dùng trong khoảng 2 tháng. Ousmane Sy Ndiaye, giám đốc điều hành của UNACOIS, -Tập đoàn thương mại lớn của Senegal cho biết, nhập khẩu gạo của Senegal đã giảm khoảng 30%.
Trong bối cảnh dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, việc trồng lúa ở các quốc gia bên ngoài Đông Phi, ví dụ như Nigeria, lúc này càng trở nên quan trọng hơn nữa vì dịch châu chấu Đông Phi đã tàn phá mùa vụ năm nay.
Trongkhi đó, việc trồng và nâng cao năng suất cũng như sản lượng lúa ở Châu Phi vô cùng khó khăn do vấn đề tài chính. Theo khảo sát của AFEX, công ty Nigeria hỗ trợ hậu cần và tài chính cho nông nghiệp, trữ lượng phân bón của Nigeria đang thấp hơn 20% so với mức bình thường. Khảo sát cho thấy cả nước chỉ có đủ hạt giống và vật tư nông nghiệp để canh tác một triệu ha đất, thay vì 30 triệu ha như bình thường.
Chính sách phong tỏa để chống Covid-19 cũng đang cản trở việc các ngân hàng đánh giá tình trạng của các nông trại, khiến họ gặp rủi ro về tài chính và khó thuê máy cày, trong khi vụ lúa mùa tháng 5 sắp bắt đầu.
Chính phủ Nigeria đã thành lập một nhóm chuyên trách để giảm thiểu tác động của Covid-19 tới lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc cấp một giấy xác nhận để những lao động trong ngành này có thể di chuyển tự do hơn. Bộ Nông nghiệp Nigeria cũng đang tìm cách tăng lượng phân bón sản xuất trong nước, còn ngân hàng trung ương sẽ giãn nợ cho nông dân.
Nhưng với chủ vựa xay xát Yialase ở Benue, những biện pháp hỗ trợ này có thể không đến kịp lúc, trong khi bà đang chờ thương lái đến thu mua gạo. "Khi họ đến, tôi có thể xay xát mọi thứ ở đây, và họ sẽ mua", bà nói.

Nguồn:VITIC/Reuters