menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đậu tương nhiều khả năng sẽ chỉ biến động nhẹ do tâm lý thận trọng của thị trường

16:54 11/10/2023

Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 đang biến động giằng co quanh mức tham chiếu trong sáng nay. Với việc báo cáo Cung cầu Nông sản Thế giới WASDE tháng 10 đang tới gần, đậu tương nhiều khả năng sẽ chỉ biến động nhẹ do tâm lý thận trọng của thị trường.
 
Báo cáo Crop Progress sáng nay cho thấy, tiến độ thu hoạch đậu tương của Mỹ tính tới ngày 08/10 đã đạt 43% diện tích dự kiến, tăng từ mức 23% trong tuần trước. Con số này ngang với cùng kì năm ngoái nhưng cao hơn mức 37% trung bình 5 năm. Đối với chất lượng, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết tỷ lệ đậu tương được đánh giá tốt và tuyệt vời đã giảm 1% xuống còn 51%, thấp hơn mức 57% cùng kì năm ngoái và dự đoán duy trì không đổi của thị trường. Đáng chú ý là tại Illinois, bang sản xuất đậu tương lớn nhất của Mỹ, chất lượng cây trồng đã tệ hơn đáng kể khi giảm 8% so với tuần trước. Tình hình vụ mùa cũng xấu đi tại North Dakota, Nebraska và Missouri. Nhìn chung, việc chất lượng cây trồng tại Mỹ sụt giảm sẽ là yếu tố tác động "bullish" đến giá tuy nhiên, chúng tôi không kì vọng đậu tương sẽ biến động mạnh khi thị trường thường thận trọng trước khi báo cáo WASDE được công bố.
Vào hôm qua, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) đã đưa ra những số liệu dự báo đầu tiên về niên vụ 2023/24 của nước này. Theo đó, diện tích trồng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil dự kiến đạt 45,18 triệu héc-ta, tăng 2,5% so với niên vụ trước. Năng suất dự báo cũng có sự cải thiện, đạt mức 3,59 tấn/héc-ta, cao hơn mức 3,51 tấn/héc-ta của niên vụ 2022/23. Điều này khiến sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil dự kiến đạt mức kỷ lục 162 triệu tấn, cao hơn mức 154,61 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Mặc dù sản lượng lớn hơn, tuy nhiên CONAB cho rằng xuất khẩu đậu tương niên vụ tới vẫn sẽ duy trì ở mức 96,95 triệu tấn như hiện tại. Điều này khiến sự đóng góp cho nguồn cung toàn cầu của Brazil dự kiến sẽ không thay đổi trong niên vụ tới.

Giá Arabica có thể khởi sắc khi xuất khẩu cà phê bất ngờ giảm tại Brazil
Kết thúc phiên 10/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc. Giá Arabica tăng gần 1% và giá Robusta nhỉnh hơn 2 USD so với tham chiếu. Tình hình xuất khẩu kém khả quan tại Việt Nam khiến những lo ngại về nguồn cung quay trở lại. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ ở mức 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trái với những thống kê trước đó của các cơ quan thuộc chính phủ Brazil rằng xuất khẩu cà phê trong tháng 9 tại Brazil, đặc biệt là Arabica tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu từ báo cáo của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy điều ngược lại.
Cụ thể, Brazil đã xuất đi 3,02 triệu bao cà phê xanh loại 60 kg, thấp hơn mức 3,16 triệu bao trong cùng kỳ năm trước cũng như mức 3,47 triệu bao trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica giảm mạnh khoảng 20% xuống còn 2,4 triệu bao, do giá cà phê Arabica giảm đã cản trở xuất khẩu.

Giá kim loại quý có thể tăng trước thềm công bố báo cáo lạm phát của Mỹ
Thị trường kim loại quý tiếp tục nhận được lực mua trong phiên sáng khi cuộc xung đột ở Trung Đông ngày càng trở nên căng thẳng.
Hơn nữa, đà tăng của giá kim loại quý có thể được củng cố trước sự suy yếu của đồng USD. Đồng USD đang chịu nhiều sức ép khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục đưa ra những quan điểm “ôn hòa” trong thời gian gần đây.
Chủ tịch FED bang Atlanta, Raphael Bostic, cho rằng FED không cần tăng thêm lãi suất và ông nhận thấy sẽ không có suy thoái kinh tế xảy ra. Trong khi đó, Chủ tịch FED bang Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết ông tin rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà “hạ cánh mềm”, với lạm phát hạ nhiệt về mức mục tiêu 2%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh. Ngoài ra, Chủ tịch FED bang San Francisco, Mary Daly, cũng cho rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt trong thời gian gần đây, có thể làm giảm khả năng tăng lãi suất của FED.
Tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 9 và biên bản cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).
Trước đó, vào ngày 2/10, dữ liệu từ S&P Global và Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đều cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ thu hẹp trong tháng 9, khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50. Các chuyên gia kinh tế đang dự đoán rằng PPI của Mỹ trong tháng 9 sẽ hạ nhiệt xuống mức 0,3% so với tháng trước, từ mức 0,7% trong tháng 8. Trong khi đó, PPI lõi được dự báo không đổi ở mức 0,2%. Do vậy, nếu PPI hạ nhiệt đúng như dự báo, điều này sẽ thúc đẩy kỳ vọng FED tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Đồng USD có thể gặp áp lực, hỗ trợ giá kim loại quý.
Đáng chú ý, biên bản cuộc họp lãi suất FOMC vào rạng sáng ngày 12/10 theo giờ Việt Nam sẽ cung cấp manh mối cho nhà đầu tư về kế hoạch lãi suất của FED trong tương lai. Dữ liệu này cũng có thể sẽ chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của kim loại quý, bên cạnh bài phát biểu của các quan chức FED.

Giá dầu có thể biến động đi ngang trước báo cáo quan trọng hôm nay
Duy trì được mức giá cao so với phiên thứ Hai, thời điểm thị trường đang trong giai đoạn lo ngại rủi ro cao nhất khi xung đột diễn ra ở Israel. Tuy nhiên, sau đó thị trường đã ổn định trở lại khi các nguồn tin cho biết các vấn đề căng thẳng sẽ không leo thang thành xung đột toàn khu vực Trung Đông, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn được neo cao do các lo ngại rủi ro vẫn còn và thị trường vẫn thận trọng trước khi báo cáo của EIA được công bố tối nay. Cùng với đó là số liệu lạm phát Mỹ, báo cáo hàng tháng của OPEC được công bố vào tối ngày 12/10.
Theo khảo sát mới nhất của Platts thuộc S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã tăng thêm 330.000 thùng/ngày lên 40,85 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức tăng hàng tháng thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân là do sản lượng tăng ở Nigeria, Iran và Kazakhstan bù đắp mức cắt giảm của Saudi Arabia và Nga, góp phần hạ nhiệt giá dầu.
Về phía nguồn cung từ Nga, xuất khẩu dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD) từ cảng Primorsk của Nga trên Biển Baltic dự kiến sẽ tăng trong tháng 10 lên 0,7 triệu tấn từ 0,21 triệu tấn theo kế hoạch trước đó.
Mối lo về nguồn cung đã phần nào được xoa dịu, điều này đã được phản ảnh vào giá trong tuần trước đó. Do đó, các yếu tố về mặt vĩ mô vẫn cho thấy sẽ hỗ trợ giá dầu hạ nhiệt giảm.
Nếu yếu tố khiến giá tăng bất ngờ vào phiên đầu tuần lắng xuống thì rất có thể giá dầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, trước các thông tin quan trọng hôm nay và ngày mai thì tâm lý thận trọng vẫn sẽ được duy trì.
Đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực lên giá dầu vì lúc này dầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những quốc gia nhập khẩu và làm giảm nhu cầu dầu thô.
Nguyên nhân đồng USD và dầu cùng tăng cao hơn là do Mỹ đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi các nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC+ là Ả Rập Saudi và Nga đã tự nguyện cắt giảm sản lượng ngoài thỏa thuận của OPEC+.
Cuối cùng, áp lực bán chốt lời còn được củng cố bởi việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2024 và tăng dự báo lạm phát toàn cầu, đồng thời kêu gọi duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát giá cả và lãi suất cao, có thể gây áp lực lên giá dầu.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc