menu search
Đóng menu
Đóng

Gía ngô có khả năng sẽ chỉ giằng co trong phiên giao dịch cuối tuần

17:52 21/07/2023

Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô ghi nhận mức giảm mạnh tới hơn 1,5%. Thị trường đang biến động mạnh mẽ trong giai đoạn triển vọng nguồn cung toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro như thời tiết và chính trị. Mặc dù giá nông sản đã tăng vọt nửa đầu tuần do Nga xác nhận kết thúc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nhưng các mặt hàng đã bình ổn trở lại kể từ phiên hôm qua. Lực bán sáng nay chủ yếu do áp lực chốt lời.
 
Thời tiết ở Vành đai ngô trong vài tuần vừa qua đang tương đối tích cực, khác với giai đoạn khô hạn nghiêm trọng trước đó. Nhiệt độ ôn hòa và lượng mưa xuất hiện với tần suất cao hơn đã giúp cải thiện độ ẩm utrng bình trong vòng 30 ngày qua. Điều này cũng thể hiện rõ ràng qua số liệu chất lượng mùa vụ từ báo cáo Crop Progress hàng tuần. Tính đến tuần này, đã có 57% diện tích ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời. Tuy nhiên, dự báo mô hình này sắp thay đổi một lần nữa, theo hướng có nhiệt độ cao hơn và lượng mưa ít hơn trong tuần tới. Tháng 8 sẽ là giai đoạn mà tác động từ thời tiết tới mùa vụ ngô trở nên rõ ràng hơn. Còn ở thời điểm hiện tại, đây sẽ là yếu tố giúp giá ngô sẽ khó giảm sâu mà duy trì ở vùng giá trên mức hỗ trợ 500.
Trong khi đó, nhu cầu đối với ngô Mỹ vẫn đang kém khả quan, điều này càng thể hiện rõ hơn sau báo cáo Export Sales hôm qua. Bán hàng ngô Mỹ giảm mạnh gần 50% so với tuần trước, trong khi giao hàng cũng thấp hơn và lũy kế xuất khẩu vẫn chậm hơn cùng kì năm ngoái. Với ước tính xuất khẩu của Mỹ sẽ đạt 41,91 triệu tấn trong niên vụ 22/23 trong báo cáo Cung – cầu tháng 7, nước này sẽ cần phải giao trung bình hơn 1 triệu tấn mỗi tuần trong giai đoạn còn lại cho tới khi kết thúc niên vụ hiện tại. Con số này trong báo cáo vừa qua chỉ đạt chưa tới 400.000 tấn và đang có xu hướng giảm dần. Khả năng USDA sẽ điều chỉnh số liệu xuất khẩu của Mỹ xuống mức thấp hơn sẽ là yếu tố bearish với giá trong trung hạn.

Xuất khẩu cà phê tại Brazil dần tích cực khiến giá khó có thể tăng tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục xu hướng trái chiều. Giá Arabica tăng gần 2% khi doanh số bán hàng Arabica niên vụ 2023/24 chậm hơn 9% so với niên vụ trước cũng như mức trung bình 5 niên vụ gần nhất. Ngược lại, giá Robusta sụt giảm gần 3% khi do việc đẩy mạnh xuất khẩu tại Brazil. Tính đến ngày 19/7 quốc gia này đã vận chuyển được 215.644 bao cà phê Robusta dạng hạt, gấp 2,62 lần lượng cà phê Robusta xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước.

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã chuyển từ xu hướng giảm sang đi ngang trong hơn 1 tháng trở lại đây, nhờ vào lượng cà phê bổ sung từ các quốc gia cung ứng chính. Tuy vậy, số bao cà phê chờ phân loại thường duy trì ở mức độ thấp từ 2.000–4.000 bao loại 60kg, không đủ mạnh để có thể bổ sung lượng tồn kho đạt chuẩn liên tục, từ đó tạo nên diễn biến giằng co.

Hoạt động xuất khẩu cà phê Arabica bất ngờ được đẩy mạnh trong 2 ngày gần đây tại Brazil. Dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 7, quốc gia này đã vận chuyển được 1,24 triệu bao loại 60kg, tăng nhẹ so với mức 1,23 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Đáng nói, theo thống kê 18 ngày đầu tháng 7 xuất khẩu Arabica tại Brazil vẫn thấp hơn 19% so với cùng kỳ tháng 6.
Tiến độ thu hoạch cà phê và triển vọng nguồn cung niên vụ mới đều tích cực hơn mùa vụ trước dường như đang thúc đẩy nông dân đẩy mạnh bán hàng. Nguồn cung mới từ Brazil được đẩy ra sẽ giúp thị trường an tâm hơn về những lo ngại thiếu hụt cà phê trước đó.

Giá đồng có thể tăng nhờ lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Peru

Lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường đồng do lo ngại nguồn cung thu hẹp, khi tình trạng biểu tình diễn biến xấu tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới.
Theo Hãng tin Reuters đưa tin, hàng chục nghìn người biểu tình đã tràn xuống đường ở Peru để phản đối Tổng thống Dina Boluarte. Bên cạnh đó, nhiều người biểu tình cũng muốn Quốc hội cánh hữu bị giải tán, yêu cầu tái bầu cử và hiến pháp mới.
Các quan chức giao thông vận tải tại Peru cho biết những người biểu tình đã chặn ít nhất 8 đường cao tốc, hầu hết ở khu vực phía nam Arequipa và Cusco, nơi có tuyến đường vận chuyển đồng quan trọng từ các mỏ trọng điểm của Peru.
Trước đó, sản lượng khai thác đồng tại Peru đã bị ảnh hưởng nặng nề vào 2 tháng đầu năm bởi các đợt biểu tình trước đó sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bị lật đổ. Do vậy, lo ngại nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn bởi tình hình bất ổn chính trị tại Peru sẽ là yếu tố “bullish” tới giá đồng trong phiên.
Bên cạnh đó, triển vọng tích cực của ngành xe điện vẫn đang là điểm sáng của thị trường đồng.
Vào sáng nay Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ ô tô, động thái mới nhất của các quan chức Bắc Kinh nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường và hỗ trợ mua ô tô thông qua các biện pháp bao gồm tăng hạn ngạch mua ô tô hàng năm, tối ưu hóa giao dịch ô tô cũ và tăng cường hỗ trợ tín dụng tiêu dùng. Ủy ban cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ khu vực công mua nhiều phương tiện năng lượng mới (NEV) hơn.
Hơn nữa, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã tăng tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6 sau khi Chính phủ tăng cường thúc đẩy nhu cầu.
Doanh số bán xe ô tô của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 10,1% so với tháng 5 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,62 triệu chiếc, mức doanh số hàng tháng cao nhất kể từ năm 2022.
Theo đó, triển vọng tiêu thụ ô tô gia tăng gián tiếp thúc đẩy nhu cầu đồng do đồng là một trong những nguyên liệu đầu vào để sản xuất ô tô.

Giá dầu WTI có thế tiếp tục tăng khi nguồn hàng Mỹ cạnh tranh hơn Dầu thô mở cửa với mức tăng giá so với phiên trước đó khi rủi ro nguồn cung tiềm ẩn, trong khi thị trường kỳ vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm có các biện pháp kích thích kinh tế sau loạt dữ liệu yếu kém.

Việc cắt giảm sản lượng tại Saudi Arabia đang khiến cho nguồn cung dầu thô tại Mỹ trở nên cạnh tranh về giá hơn, trong khi nguồn cung dồi dào hơn cũng thu hút các thương nhân. Theo Reuters, các nhà máy lọc dầu Châu Á đã đặt khối lượng dầu thô Mỹ gần mức kỷ lục sẽ được vận chuyển trong tháng 8, thay thế dầu Trung Đông, với khoảng 1,5 – 1,9 triệu thùng/ngày, có thể chỉ sau mức kỷ lục trong tháng 4, khi Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyên 500.000 thùng/ngày.
Mức chiết khấu trung bình của hợp đồng tương lai WTI đối với các hợp đồng hoán đổi ở Dubai là 5,4 USD/thùng tính tới ngày 20/07, cao hơn mức 3,93 USD trong tháng 5.
Dữ liệu từ Reuters cũng cho thấy chi phí thuê tàu chở dầu cực lớn từ Mỹ đến Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 2 tháng là 7,4 triệu USD vào tuần trước. Dòng dầu thô WTI đến châu Á được chiết khấu cao, khiến việc vận chuyển dầu từ Mỹ có tính kinh tế hơn đối với người mua ở châu Á.
Nhu cầu đối với dầu thô WTI tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh nguồn cung tại Trung Đông thu hẹp, và Nga chuẩn bị cắt giảm xuất khẩu, sẽ tác động “bullish” tới giá dầu.
Yếu tố “bullish” khác là việc Thượng viện Mỹ đã thông qua một sửa đổi đối với dự luật quốc phòng hàng năm, trong việc cấm Trung Quốc mua dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ.

 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc