Chuyến tàu cuối cùng theo thỏa thuận biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã rời cảng Odesa vào cuối tuần vừa rồi, trước khi thỏa thuận hết hạn vào hôm nay, hãng tin Reuters cho biết. Nga đã không đồng ý đăng ký bất kỳ tàu mới nào kể từ ngày 27 tháng 06 và thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày mai nếu Moscow không đồng ý gia hạn. Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết rằng Tổng thư ký Antonio Guterres đang chờ phản hồi của Tổng thống Nga Putin về việc gia hạn thỏa thuận. Ông Putin đã nói với Tổng thống Nam Phi rằng các cam kết loại bỏ trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn chưa được thực hiện, điện Kremlin cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận khác giữa Nga và Ukraine để duy trì nguồn cung ngũ cốc qua Biển Đen, mặc dù chưa có tiến triển nào. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận sẽ không được gia hạn cho đến khi Nga có thể khôi phục xuất khẩu phân bón và lệnh trừng phạt ngân hàng của phương Tây sẽ được dỡ bỏ. Ukraine và Nga nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, trong đó xuất khẩu lúa mì từ 2 nước này chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu. Con số này cũng thể hiện vị trí quan trọng của lúa mì từ Biển Đen đối với cơ cấu cung cầu. Việc nguồn cung từ khu vực này lại một lần nữa bị gián đoạn kể từ sau chiến tranh đã gây ra lo ngại cho thị trường và thúc đẩy giá tăng mạnh. Theo chúng tôi, đà tăng có thể sẽ mở rộng nếu như Nga vẫn chưa cho thấy tín hiệu tích cực hơn trong vài ngày tới.
Nguồn cung dần khởi sắc khiến giá cà phê vẫn có tín hiệu giảm
Kết thúc tuần giao dịch 10/07-16/07, giá hai mặt hàng cà phê cùng có sự suy yếu. Giá Robusta giảm mạnh hơn 3% khi xuất khẩu mặt hàng này được đẩy mạnh tại Brazil. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, quốc gia này đã vận chuyển 230.653 bao Robusta, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá Arabica ghi nhận mức giảm nhẹ hơn khi chỉ thay đổi 0,06% so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê Arabica trong tháng 6 của Brazil vẫn còn ảm đạm giúp hạn chế mức giảm của mặt hàng này. Trong báo của của CECAFE, Brazil đã xuất khẩu 2,06 triệu bao Arabica, giảm 23,3% so với tháng 6 năm 2022.
Hoạt động xuất khẩu Robusta tiếp tục được đẩy mạnh tại Brazil trong những ngày đầu tháng 7. CECAFE cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 7 quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới đã vận chuyển được 135.280 bao cà phê Robusta dạng hạt ra nước ngoài, cao gấp 2,3 lần số bao lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước. Như vậy, lượng cà phê Robusta xuất khẩu hiện tại đã đạt 93% tổng số mặt hàng này được đẩy đi trong tháng 7 năm 2022.
Với tiến độ thu hoạch cà phê tích cực như hiện tại, Brazil sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để giải phóng nguồn cung trước khi Việt Nam bắt đầu cung ứng cà phê Robusta mới ra thị trường. Hơn nữa, việc giá Robusta ở mức cao trong thời gian vừa qua cũng là nhân tố thúc đẩy nông dân Brazil gia tăng bán hàng để tranh thủ thu về nhiều đồng Real hơn. Việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng giúp thị trường Robusta nói chung giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trước đó.
Tuy vậy, bối cảnh nguồn cung ảm đạm tại Việt Nam vẫn là nhân tố quan trọng trên thị trường. Khi thiếu vắng những thông tin “bearish” mới, yếu tố này vẫn sẽ hỗ trợ giá có được sự khởi sắc nhất định.
Đồng thời, dữ liệu về tồn kho Robusta trên Sở ICE liên tục giảm trong thời gian gần đây cũng dần trở thành sự chú ý của thị trường. Tổng số bao cà phê Robusta tại các kho dự trữ của ICE ở mức 54.220 tấn, mức thấp nhất kể từ 2016.
Tăng trưởng kinh tế yếu của Trung Quốc có thể gây áp lực tới giá đồng
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, sức ép bán gia tăng trên thị trường đồng do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ bởi dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% trong quý II/2023 (QoQ), thấp hơn hẳn so với mức tăng 2,2% trong quý I/2023. Tốc độ tăng trưởng này chỉ bằng một nửa tốc độ trung bình 1,6 % được quan sát thấy trong giai đoạn 2015-2019, cho thấy đà tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc hậu dỡ bỏ COVID-19.
Ngoài ra, dữ liệu cũng nêu bật nhiều lĩnh vực yếu kém khác nhau tại Trung Quốc như chi tiêu dùng sụt giảm mạnh với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1% (YoY) trong tháng 6, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 12,7% trong tháng 5.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đạt mức cao mới là 21,3% vào tháng 6 và có những lo ngại rằng tỷ lệ này có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Hơn nữa, sự suy giảm trong đầu tư bất động sản của Trung Quốc ngày càng sâu, cho thấy sự yếu kém của lĩnh vực là trụ cột chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, đầu tư vào phát triển bất động sản đã giảm 7,9% trong sáu tháng đầu năm 2023, giảm mạnh hơn so với mức giảm 7,2% được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 5.
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng kém sắc, nhà đầu tư ngày càng đặt kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng cường ban hành các kích thích kinh tế, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và lãi suất cho vay. Tuy vậy, vào sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm ở mức 2,65%, sau khi cắt giảm 10 điểm cơ bản vào giữa tháng trước.
Giá dầu có thể giảm bởi tác động từ dữ liệu tăng trưởng Trung Quốc
Giá dầu gặp áp lực trong phiên mở cửa ngày hôm nay, sau khi Trung Quốc công bố một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng, trong đó tâm điểm là dữ liệu tăng trưởng GDP trong quý II cho thấy mức độ phục hồi chậm, và chưa đạt kỳ vọng của thị trường.
So với mức tham chiếu cùng kỳ năm ngoái vào quý II/2022 khi nền kinh tế Trung Quốc đối diện với dịch bệnh, mức tăng trưởng quý II năm nay tăng 6,3% không phải là một dữ liệu tốt, thấp hơn kỳ vọng thị trường ở mức 7,3%.
So với quý trước, tăng trưởng GDP quý II tăng 0,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 2,2% trong quý I, nhưng cao hơn dự đoán ở mức 0,5%. Thực tế, nếu con số thấp hơn dự kiến, có thể đem lại sự lạc quan cho thị trường rằng Chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng có các biện pháp tăng cường hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, con số 0,8% có thể khiến các nhà chức trách tạm thời cân nhắc và theo dõi thêm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào sáng nay đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng này.
Mặc dù vậy, bức tranh tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc vẫn đang khá mạnh mẽ. Thông lượng lọc dầu trung bình hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng 1,6% so với tháng trước lên mức trung bình 14,83 triệu thùng/ngày. Nhưng các dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể phục vụ nhiều cho việc dự trữ hơn là tiêu thụ nội địa, chứng tỏ mức tiêu dùng trong nước thực chất vẫn chưa quá khởi sắc.
Cụ thể, tổng lượng dầu sẵn có tại Trung Quốc (gồm sản lượng + nhập khẩu) đạt 69,58 triệu tấn trong tháng 6. Thông lượng lọc dầu đạt 60,95 triệu tấn. Do đó, mức chệnh lệch 8,63 triệu tấn nhiều khả năng sẽ được đưa vào kho dự trữ.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)