Theo đó, gỗ sản xuất trong nước phải đảm bảo tính hợp pháp mới có thể xuất khẩu sang EU hay tiêu thụ tại Việt Nam. Để doanh nghiệp hiểu rõ thêm về những quy định mới trong ngành gỗ, TBKTSG đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán kỹ thuật Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU.
TBKTSG: Theo Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam sẽ phải phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm là tuân thủ và không tuân thủ. Xin ông cho biết tổng cục sẽ đánh giá doanh nghiệp dựa trên tiêu chí gì?
Ông Nguyễn Văn Hà.
-Ông Nguyễn Văn Hà: Chúng tôi sẽ đánh giá doanh nghiệp dựa trên ba nhóm tiêu chí. Nhóm thứ nhất liên quan tới các quy định về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường (hay còn gọi là bằng chứng tĩnh).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nhóm tiêu chí động, bao gồm tuân thủ hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; tuân thủ quy định về quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng đất; tuân thủ quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và hồ sơ lâm sản trong lưu thông.
Cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ được đánh giá liệu có vi phạm pháp luật và bị xử phạt trong kỳ đánh giá hay không.
Dựa trên ba nhóm tiêu chí trên chúng tôi sẽ tiến hành phân loại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp được xếp vào nhóm tuân thủ là một trong những lợi thế để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu.
TBKTSG: Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ rất đa dạng, làm thế nào đảm bảo việc phân loại sẽ hợp lý?
- Đúng vậy, chuỗi cung ứng gỗ dài và rất phức tạp. Nguồn gốc gỗ đưa vào chuỗi cũng đa dạng, đó có thể là gỗ rừng trồng, gỗ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu của cơ quan có thẩm quyền, gỗ nhập khẩu... Đối với doanh nghiệp tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp có thể tham gia vào một giai đoạn, một vài giai đoạn hoặc có thể toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện nay, chúng tôi cơ bản đã xác định có 6-7 nhóm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng ở các mức độ khác nhau, và mỗi nhóm doanh nghiệp có các bộ tiêu chí khác nhau.
Sau khi Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU có đầy đủ hiệu lực thì mọi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải có giấy phép FLEGT.Ảnh: Thùy Dung
TBKTSG: Vậy ai sẽ là người được quyền phân loại những doanh nghiệp này, thưa ông?
- Về trình tự thực hiện phân loại sẽ theo quy trình ba bước kế tiếp nhau. Các bước này bao gồm: Doanh nghiệp tự đánh giá và đề nghị xếp loại cho mình; chi cục kiểm lâm cấp tỉnh, hoặc đơn vị tư vấn thẩm định và đề nghị cục kiểm lâm quyết định; cục kiểm lâm quyết định việc phân loại doanh nghiệp trên toàn quốc và công bố kết quả trên trang web của cục.
TBKTSG: Nhiều người cho rằng, việc phân loại doanh nghiệp sẽ gây ra tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Để khắc phục được việc này thì điều kiện tiên quyết là phải ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin.
Tất cả doanh nghiệp phải tự cập nhật thông tin liên quan đến tiêu chí phân loại doanh nghiệp trong kỳ đánh giá, trong đó có việc tự đánh giá và đề nghị xếp loại của doanh nghiệp. Các thông tin này sẽ tự động kết nối đến cơ sở dữ liệu của chi cục kiểm lâm, cục kiểm lâm.
Căn cứ thông tin do doanh nghiệp cung cấp, chi cục kiểm lâm sẽ phân tích và đề xuất với cục kiểm lâm quyết định xếp loại doanh nghiệp. Cục kiểm lâm xếp loại doanh nghiệp chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu được cung cấp và chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp khi có nghi ngờ.
TBKTSG: Vậy dự kiến khi nào Việt Nam sẵn sàng cấp phép FLEGT cho lô gỗ đầu tiên, thưa ông?
- Mốc thời gian có thể cấp giấy phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ đầu tiên sang EU phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Để cấp giấy phép FLEGT, Việt Nam sẽ phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), tức là đều có nguồn gốc hợp pháp, kể cả gỗ nhập khẩu.
Trước khi cơ chế cấp phép FLEGT chính thức hoạt động, tất cả các cấu phần của hệ thống VNTLAS sẽ được đánh giá độc lập về mặt kỹ thuật. Chỉ khi nào hệ thống này hoàn thành các khâu chuẩn bị cần thiết, đáp ứng các tiêu chí của hiệp định... hai bên mới đi tới thống nhất thời điểm vận hành chính thức cấp phép.
Theo tôi, nếu có quyết tâm cao và có đủ nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết của hiệp định, từ việc nội luật hóa các quy định pháp luật, nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật lâm nghiệp, phân loại doanh nghiệp... thì phải mất ít nhất từ 3-4 năm nữa Việt Nam mới có thể cấp giấy phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ đầu tiên sang EU.
TBKTSG: Nếu như doanh nghiệp xuất khẩu có những chứng chỉ khác - như FSC chẳng hạn - và được người mua châu Âu đồng ý, doanh nghiệp có cần phải xin giấy FLEGT không?
- Theo Hiệp định VPA/FLEGT, gỗ hợp pháp không chỉ là gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Nó còn bao gồm việc chủ thể thực hiện khai thác, vận chuyển, chế biến, thương mại gỗ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan như các tiêu chí phân loại doanh nghiệp đề cập ở trên.
Do vậy, dù doanh nghiệp châu Âu đồng ý mua và không cần giấy phép FLEGT nhưng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU của các nước đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU mà không có giấy phép FLEGT thì cơ quan thẩm quyền của EU sẽ không cho phép lô gỗ hoặc sản phẩm gỗ đó vào EU.
Sau khi Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU có đầy đủ hiệu lực thì mọi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải có giấy phép FLEGT.
TBKTSG: Điều này có nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước khác (ngoài EU) sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định trên?
- Sau khi Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU có đầy đủ hiệu lực, thì doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác ngoài EU không đòi hỏi phải có giấy phép FLEGT nhưng cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của VNTLAS. Điều này nhằm đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ đều có nguồn gốc hợp pháp, kể cả gỗ nhập khẩu.
Trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp khai thác, chế biến, vận chuyển và thương mại gỗ chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau mà doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ, như luật đất đai, môi trường, quản lý thuế, lao động, bảo vệ và phát triển rừng...
Khi chưa có hiệp định, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến ngành luật nào thì bị xử lý theo quy định của ngành luật đó. Tuy nhiên khi hiệp định này có hiệu lực, với các doanh nghiệp vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt còn phải chịu rủi ro khác là lô gỗ hoặc sản phẩm gỗ đó không đảm bảo tính hợp pháp (theo VNTLAS) nên sẽ không được phép tiêu thụ.
Nguồn: Thùy Dung - TBKTSG