Chính sách tiền tệ thắt chặt đè nặng lên thị trường kim loại quý
Cả giá bạc và bạch kim chỉ có một đợt tăng nhẹ vào đầu tháng 3 năm nay, khi mà các nhà đầu tư đều lo ngại về rủi ro xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine. Tuy nhiên sau đó, tiến trình tăng lãi suất gắt gao của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã khiến cho giá bạc và giá bạch kim không ngừng lao dốc.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang là cơ quan tiên phong trong việc tiến hành các chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng USD mạnh lên trực tiếp khiến cho giá của bạc và bạch kim chịu sức ép. Một mặt, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý sẽ bị thất thế trước đồng USD và các tài sản sinh lời dựa trên đồng bạc xanh như Trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Mặt khác, lãi suất cao hơn cũng khiến cho dòng tiền chảy vào các thị trường tài chính, trong đó có thị trường kim loại quý bị giảm bớt nên sức mua khó có thể áp đảo sức bán như giai đoạn trước đây.
Trong hôm qua, Fed tiếp tục công bố tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp lên mức 3,75 – 4,0% và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Động thái này tiếp tục phản ánh nỗ lực của Fed trong việc kiềm chế lạm phát.
Về diễn biến ngắn hạn, giá bạc và bạch kim không chịu ảnh hưởng nhiều bởi tin tức này bởi trước đó thị trường đã hấp thụ bớt một phần tác động vì phần lớn các nhà đầu tư đều chuẩn bị tâm lý cho kịch bản Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, Fed vẫn để ngỏ khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ suy thoái. Thị trường lao động được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy yếu đã xuất hiện rõ ràng hơn. Tiêu biểu nhất là việc doanh số nhà chờ bán và doanh số bán nhà mới trong tháng 9 đều giảm hơn 10%.
CME Watch Tool đang cho thấy xác suất Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 và 75 điểm cơ bản lần lượt là 61,5% và 38,5%. Mặc dù vậy, vẫn còn sớm để khẳng định rằng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ đã giảm bởi, những kịch bản này sẽ thay đổi nếu các số liệu kinh tế của tháng 10 được công bố. Có thể thấy, các chính sách của Fed đang ngày một khiến cho thị trường kim loại quý gặp sức ép nhiều hơn.
Sức ép chung, tác động phân hoá
Mặc dù giao dịch với độ đồng pha cao trong phần lớn thời gian của năm nay, nhưng kể từ giữ tháng 10 đến nay, giá bạch kim đã hồi phục tốt hơn so với giá bạc. Sự phân hoá về mức thay đổi của hai mặt hàng kim loại quý xuất phát từ sự khác nhau về vai trò của bạc và bạch kim.
Vai trò đầu tư của bạc áp đảo hơn so với bạch kim, nên giá bạc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là các tin tức liên quan đến chính sách tiền tệ của Fed và đồng USD. Điều này đồng nghĩa với việc đà tăng mạnh mẽ vừa qua của đồng bạc xanh gây sức ép nhiều hơn tới giá bạc so với giá bạch kim.
So với đầu năm, giá bạch kim không giảm quá nhiều bởi giá của kim loại quý này chịu tác động nhiều hơn bởi các nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bởi 40% sản lượng bạch kim mỗi năm được dùng để phục vụ cho lĩnh vực sản xuất xe hơi.
Doanh số bán xe tháng 10 ở Mỹ được công bố bao gồm cả xe ô tô và xe tải đều tăng mạnh hơn so với dự báo, bất chấp việc giá nhiên liệu vẫn đang neo ở mức cao. Đây là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ với bạch kim, nên giá của kim loại này đã hồi phục tốt hơn so với giá bạc trong thời gian gần đây. Cụ thể, doanh số bán xe ô tô và xe tải lần lượt đạt 3,23 và 11,67 triệu chiếc, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Bên cạnh đó, giá bạch kim ghi còn được hỗ trợ nhiều hơn trước thông tin khu vực EU đã đạt được thỏa thuận về luật cấm có hiệu lực đối với việc bán xe ô tô chạy bằng xăng và dầu từ năm 2035, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu.
Nguồn:Tiên Phạm/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)