Mối đe dọa đối với nguồn cung lúa mì toàn cầu từ cuộc chiến tranh ở Biển Đen đã trở nên trầm trọng hơn khi mùa vụ các quốc gia sản xuất lớn khác cũng đang phải “vật lộn” với nắng nóng kỷ lục. Áp lực lên nguồn cung thay thế từ Ấn Độ ngày càng lớn.
Giá lúa mì quay trở lại giai đoạn biến động
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá lúa mì Chicago đóng cửa ngày 17/05 tăng 2,4% lên mức ở 1.284,50 cent/giạ (470 USD/tấn). Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của mặt hàng này và đẩy giá tăng lên gần với mức đỉnh trước đó, khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào đầu tháng 3. Sức mua lớn trong phiên đối với mặt hàng này cũng đóng góp đáng kể và giúp cho chỉ số MXV - Index Nông sản tăng 0,71% lên mức 2.244 điểm.
Diễn biến trong vài phiên gần đây của lúa mì cũng đáng chú ý khi giá không chỉ nhảy vọt lên ngay khi mở cửa mà còn trải qua phiên tăng chạm mức kịch trần. Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ là nguyên nhân khiến cho thị trường “nóng” trở lại. Mặc dù không đứng vị thứ cao trên bản đồ nguồn cung nhưng tại sao quốc gia này lại có ảnh hưởng lớn như vậy?
Ấn Độ được kỳ vọng là nguồn cung thay thế sau chiến tranh Biển Đen
Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng chủ yếu để phục vụ cho tiêu thụ nội địa nên khối lượng xuất khẩu hàng năm đều không đáng kể. Tuy nhiên, sau vụ thu hoạch đạt kỷ lục liên tiếp lần thứ 6 vừa qua, cùng với việc giá lúa mì thế giới đang ở mức cao, ước tính xuất khẩu lúa mì niên vụ 2022/23 của Ấn Độ cũng tăng mạnh lên mức 8,5 triệu tấn.
Lúa mì của Ukraine và Ấn Độ sẽ được thu hoạch sớm nhất trong năm. Gián đoạn nguồn cung ở Biển Đen đã giúp cho Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, và cũng được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực về nhu cầu thế giới sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, đợt nắng nóng nghiêm trọng trong tháng 2, giai đoạn phát triển quan trọng của cây trồng đã khiến cho năng suất sụt giảm mạnh.
Mặc dù nguồn cung ban đầu được dự báo vẫn đủ để duy trì hoạt động xuất khẩu nhưng nhu cầu xuất khẩu mạnh đã đẩy giá nội địa lên cao hơn và nông dân cũng ưu tiên bán hàng cho tư nhân. Trong bối cảnh này, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã được ban hành và giáng một đòn mạnh vào các thị trường thế giới vốn đang lao đao vì nguồn cung khan hiếm.
Mùa vụ các nước sản xuất lớn cũng đang gặp nguy cơ bị thiệt hại
Nếu không tính 30% lượng lúa mì xuất khẩu thế giới từ Nga và Ukraine, một số quốc gia sản xuất lớn khác cũng đang đứng trước rủi ro sản lượng bị sụt giảm do thời tiết bất lợi. Mỗi niên vụ, Mỹ sẽ sản xuất 2 vụ lúa mì và hiện tại, cả 2 đều đang trải qua tình trạng kém khả quan.
Cụ thể, tại phía bắc, thời tiết mưa và lạnh đang cản trở đáng kể đến gieo trồng lúa mì vụ xuân, khiến cho tiến độ thực tế chỉ ở mức 40% diện tích dự kiến, và là gần với mức thấp nhất cùng giai đoạn từ trước tới nay. Việc gieo trồng quá muộn có thể buộc cây trồng phải phát triển trong khung thời gian không thuận lợi và khiến nông dân cân nhắc đến việc giảm diện tích. Còn tại vùng đồng bằng phía nam, hạn hán lại đang là vấn đề khi số liệu về chất lượng cây trồng tiếp tục sụt giảm trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Không những thế, nắng nóng cũng gây ra lo ngại đối với mùa vụ lúa mì ở Pháp, quốc gia có sản lượng lớn nhất châu Âu. Cây trồng đã bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là ở khu vực đông nam. Hạn hán ở Pháp đã làm gia tăng căng thẳng trên thị trường ngũ cốc, vốn đang vật lộn với việc nguồn cung của Ukraine bị gián đoạn do chiến tranh.
Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), tồn kho tại các nước xuất khẩu lúa mì lớn vào cuối niên vụ 21/22 ước tính sẽ giảm xuống còn 57 triệu tấn, mức thấp nhất trong 9 năm. Con số này chỉ chiếm 1/5 lượng tồn kho toàn cầu và sẽ chỉ đủ để cung cấp cho toàn cầu trong 27 ngày với mức tiêu thụ thế giới dự kiến là 781 triệu tấn.
Khánh Linh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV