menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình căng thẳng ở Biển Đen sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá ngô

16:59 19/07/2023

Giá ngô tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên giao dịch sáng nay. Trong bối cảnh lo ngại về mùa vụ của Mỹ vẫn chưa hoàn toàn được xoa dịu, các thông tin liên quan tới tình hình căng thẳng chính trị kéo theo gián đoạn xuất khẩu ở Biển Đen đã khiến cho giá ghi nhận đà tăng vọt.
 
Giá ngô tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên giao dịch sáng nay. Trong bối cảnh lo ngại về mùa vụ của Mỹ vẫn chưa hoàn toàn được xoa dịu, các thông tin liên quan tới tình hình căng thẳng chính trị kéo theo gián đoạn xuất khẩu ở Biển Đen đã khiến cho giá ghi nhận đà tăng vọt.
Sau 3 năm liên tiếp thị trường nông sản được thúc đẩy và giá các mặt hàng luôn ở mức cao so với lịch sử, giá ngô năm 2023 được dự báo sẽ cực kỳ biến động. Nguồn cung ngô thắt chặt với tồn kho thấp hơn từ các vụ trước đã tạo áp lực lớn lên nông dân trong việc gieo trồng kịp thời vào mùa xuân này. Mặc dù tốc độ ban đầu khá khả quan nhưng cũng như diễn biến thị trường hàng năm, thời tiết là vấn đề đáng lo ngại trong giai đoạn phát triển của cây trồng. Quay trở lại năm 2012, khi hạn hán được so sánh với tình hình năm nay, giá ngô kỳ hạn tháng 12 đã tăng gần 30% trong vòng hơn 1 tháng cho tới ngày 21/06. Mức tăng này phản ánh mức “phí bảo hiểm thời tiết” của cây trồng trước những tác động tiêu cực của hạn hán. Mối quan tâm lớn nhất của thương mại vào thời điểm đó là liệu vụ ngô có thể vượt qua thời kỳ thụ phấn, giai đoạn phát triển quan trọng nhất hay không. Nhưng cho tới khi những thông tin về khu vực mưa mở rộng, giá đã quay đầu đảo chiều mặc dù với tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết không quá nghiêm trọng cùng với diện tích ngô mở rộng trong năm nay thì chúng tôi vẫn cho rằng giá sẽ khó có thể ghi nhận đà tăng mạnh như năm 2012.
Những biến động mạnh mẽ theo cả 2 chiều gần đây của ngô bên cạnh thời tiết còn xuất phát từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Căng thẳng đang tiếp tục leo thang khiến cho khả năng các nước đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen càng thấp hơn. Đây sẽ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong ngắn hạn.

Giá cà phê có thể giằng co khi thông tin cơ bản diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục trái chiều. Giá Arabica khởi sắc khi xuất khẩu cà phê trong tháng 7 tại Brazil vẫn diễn biến ảm đạm. Trong 17 ngày đầu tháng 7, quốc gia này mới xuất khẩu 769.452 bao cà phê Arabica dạng hạt thấp hơn 31% so với mức 1,01 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, giá Robusta suy yếu khi tồn kho trên Sở ICE quay đầu tăng sau gần 5 tháng giảm liên tiếp.
Thị trường vẫn có cái nhìn lạc quan về việc hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Tiến độ thu hoạch nhanh hơn so với cùng thời điểm năm trước kết hợp cùng dự báo sản lượng Arabica gia tăng mạnh trong niên vụ 2023/24 sẽ giúp nông dân sẵn sàng đẩy mạnh bán hàng trong những tháng nửa cuối năm.
Triển vọng nguồn cung tích cực trong vụ mới không chỉ xảy ra với Brazil, đó còn là bối cảnh chung với các quốc gia cung ứng Arabica hàng đầu khác như Colombia hay Ethiopia. Trong đó, giới chuyên gia nhận định, thời tiết trở lại bình thường là nhân tố quan trọng thúc đẩy sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại quốc gia xuất khẩu Arabica lớn thứ 2 thế giới hồi phục nhanh chóng. Sản lượng gia tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại quốc gia này, từ đó giảm bớt mối lo về xuất khẩu ảm đạm trong nửa đầu năm 2023.
Tuy vậy, đấy mới là kỳ vọng về nguồn cung trong tương lai. Thực tế, hoạt động xuất khẩu ngay đầu tháng 7 tại Brazil vẫn rất ảm đạm. Trong 18 ngày đầu tháng 7, quốc gia này mới vận chuyển ra nước ngoài được 971.856 bao cà phê Arabica dạng hạt, thấp hơn 19% so với mức 1,15 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước.

Giá đồng có thể giảm do triển vọng tiêu thụ mờ nhạt
Nối tiếp đà giảm của phiên trước, giá đồng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên sáng nay do phải chịu sức ép kép từ việc đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêu thụ kém sắc.
Vào sáng nay, nước Anh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Con số này cũng thấp hơn mức 8,2% mà giới phân tích dự đoán.
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt làm giảm bớt áp lực tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và khiến đồng Bảng Anh suy yếu.
Bên cạnh đó, đồng Yên Nhật tiếp tục suy yếu sau bình luận của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda khi ông cho biết BOJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong thời điểm hiện tại.
Do đó, việc đồng Bảng Anh và Yên Nhật cùng gặp áp lực đã hỗ trợ cho đồng USD với chỉ số Dollar Index tăng vượt mốc 100 điểm. Điều này sẽ gây sức ép tới giá đồng do chi phí mua đồng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang là lực cản chính đối với đà tăng của giá đồng. Sáng nay Trung Quốc công bố nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022, cho thấy mối lo ngại của thế giới đối với đà phục hồi yếu kém hậu dỡ bỏ COVID-19 của Trung Quốc.
Tới phiên tối, dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng sẽ có tác động nhất định tới giá đồng. Lượng nhà khởi công xây dựng tháng 6 của Mỹ được dự đoán chỉ tăng 7,2% so với tháng 5, sau khi tăng mạnh 21,7% trong tháng trước. Số giấy phép xây dựng sơ bộ của tháng 6 dự tính giảm xuống 1,49 triệu, so với 1,496 triệu của tháng 5.
Nếu dữ liệu thấp hơn ước tính, hoạt động xây dựng suy yếu tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ đồng và là tín hiệu “bearish” tới giá. Ngược lại, dữ liệu tích cực hơn dự báo có thể giúp thúc đẩy lực mua đồng trong phiên.

Giá dầu có thể đi ngang trước thời điểm báo cáo tuần của EIA
Giá dầu mở cửa với lực bán chiếm ưu thế khi các nhà đầu tư chốt lời ở vùng kháng cự sát 75 USD/thùng, cùng với đó là những lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và quy mô kích thích tăng trưởng của Chính phủ.
Trong phiên hôm nay, thị trường dầu sẽ chờ đón báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nhằm đánh giá triển vọng tiêu thụ trong giai đoạn mùa di chuyển cao điểm.
Dữ liệu rạng sáng nay từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu chỉ giảm nhẹ 0,8 triệu thùng/ngày so với dự báo giảm 2,4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tồn khi xăng giảm khá mạnh ở mức 2,8 triệu thùng. Theo dữ liệu từ AAA Gas Price, giá xăng trung bình của Mỹ hiện đang ở mức 3,563 USD/gallon, cao hơn so với trung bình tuần trước ở mức 3,541 USD/gallon, là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại dường như được cải thiện.
Do đó, chúng tôi dự đoán tồn kho dầu có thể giảm nhẹ, hoặc tăng nhẹ trong tuần kết thúc ngày 14/07, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất có thể giảm tương đối mạnh. Trong trường hợp này, giá dầu có thể được hỗ trợ.
Ngoài ra, giá dầu cũng sẽ ảnh hưởng bởi yếu tố dòng tiền liên thị trường khi các công ty lớn báo cáo doanh thu quý II. Dữ liệu tích cực cũng sẽ hỗ trợ nhẹ cho giá dầu, trong khi doanh thu suy yếu hơn kỳ vọng có thể sẽ gây sức ép. Tuy nhiên, tác động sẽ không quá mạnh so với yếu tố cung cầu.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu củng cố xu hướng dao động trong kênh tăng giá khi không thành công phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 74,8 USD, hiện tại đang sát mốc kháng cự vùng 76 USD, cũng là cạnh giữa của kênh, nên nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh giảm trở lại rồi tiếp tục xu hướng này. Dự báo giá sẽ đi ngang trước thời điểm báo cáo của EIA.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc