menu search
Đóng menu
Đóng

Tóm lược thị trường thủy sản tháng 10/2020

14:51 18/11/2020

Tôm và cá tra là 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong tháng 10/2020 giá tôm vẫn ở mức cao do xuất khẩu thuận lợi,  giá cá tra tiếp tục giảm.
Giá cả
Tôm và cá tra là 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong tháng 10/2020 giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn đứng ở mức cao tương đương với tháng 9/2020 do xuất khẩu thuận lợi, hàng tồn kho giảm. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 22-25 con/kg giá 160.000 đồng; loại 26-30 con/kg giá 146.000 đồng/kg; loại 35-40 con/kg 126.000 đồng/kg; loại 55-60 con/kg giá 100.000 đồng/kg. Tôm sú loại 20 con/kg giá 180.000 - 190.000 đồng/kg, loại 30 con/kg trên 200.000 đồng/kg.
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 10/2020 tiếp tục giảm xuống mức thấp, cá tra thịt trắng 0,7 - 0,9 kg/con giảm khoảng 3.800 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước xuống khoảng 17.600 - 18.200 đồng/kg; loại trên 1 kg/con giảm 3.800 - 3.850 đồng/kg, xuống 17.200-17.500 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất 21.000 - 22.000 đồng/kg
Giá giảm do nguồn cung tăng, trong khi xuất khẩu vẫn ảm đạm, lượng tồn kho cao, giá xuất khẩu thấp. Dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.
Xuất khẩu cá tra khó khăn, trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 471.200 tấn, trị giá 911,6 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và giảm 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Theo VASEP, Trung Quốc – Hồng Kông là thị trường tiêu thụ cá tra, cá basa lớn nhất của Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 8, xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt 271 triệu USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm ngay từ đầu năm do ảnh hưởng bởi sự ngưng trệ giao thương vì dịch COVID-19. Ngoài ra, sản phẩm cá thịt trắng nội địa của nước này cũng đang bị dư thừa do hoạt động xuất khẩu thủy sản giảm. Do đó, năm 2020, dự báo xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sụt giảm so với năm 2019.
Sản phẩm cá tra chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông gồm có: Cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh….
Sản lượng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản quí 3/2020 ước đạt 2,3 triệu tấn, trong đó khai thác trên 1 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản trên 1,2 triệu tấn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng ước đạt 6,1 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,6% kế hoạch năm 2020, trong đó: sản lượng khai thác 2,9 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản 3,2 triệu tấn.
Diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 708.436 ha, (bằng 102% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 97,1% so với kế hoạch năm 2020). Sản lượng ước tính đạt 605.000 tấn (bằng 105,6% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó tôm sú đạt 205.000 tấn (bằng 100,8% so với cùng kỳ năm 2019); tôm thẻ chân trắng đạt 400.000 tấn (bằng 108,3% so với cùng kỳ năm 2019).
Diện tích thả nuôi cá tra mới là 2.160 ha, bằng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thả nuôi 9 tháng là 4.968 ha, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế sản lượng cá tra 9 tháng năm 2020 ước đạt trên 1 triệu tấn, bằng 93,6% so với cùng kì năm 2019.
Nhập khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thủy sản các loại về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 1,31 tỷ USD, giảm 0,9% so với 9 tháng đầu năm 2019. Riêng tháng 9/2020 nhập khẩu thủy sản đạt 162,54 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 8/2020 và tăng 26,1% so với tháng 9/2019.
Trong tháng 9/2020 nhập khẩu thủy sản từ đa số các thị trường tăng kim ngạch so với tháng 8/2020, trong đó tăng mạnh ở một số thị trường như: Ireland tăng 1.335% so với tháng 8/2020, đạt 0,48 triệu USD; Singapore tăng 926%, đạt 0,24 triệu USD; Bangladesh tăng 233,6%, đạt 0,08 triệu USD; Hàn Quốc tăng 211%, đạt 9,77 triệu USD. Ngược lại, tháng 9/2020 nhập khẩu thủy sản giảm mạnh ở các thị trường sau: Canada giảm 67% so với tháng 8/2020, đạt 4,37 USD; Đan Mạch giảm 65%, đạt 0,83 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm,Việt Nam nhập khẩu thủy sản nhiều nhất từ thị trường Ấn Độ đạt 188,84 triệu USD, tăng 27% so với 9 tháng đầu năm 2019, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại của cả nước; Tiếp đến thị trường Na Uy đạt 148,76 triệu USD, giảm 6,3%, chiếm 11,4%; thị trường Nhật Bản đạt gần 122,73 triệu USD, tăng 25,3%, chiếm tỷ trọng 9,4%; Trung Quốc đạt 99,37 triệu USD, chiếm 7,6%, giảm 3,9%.
Xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 9/2020 đạt 826,31 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng 8/2020 và tăng 13,5% so với cùng tháng năm 2019, cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2020 đạt trên 6,04 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 9/2020 xuất khẩu thủy sản sang đa số thị trường sụt giảm kim ngạch so với tháng 8/2020; tuy nhiên, có một số thị trường tăng mạnh như: Pê Ru đạt 0,61 triệu USD, tăng 340%,; Saudi Arabia tăng 166,5%, đạt 0,09 triệu USD; Algeria tăng 142,6%, đạt 0,1 triệu USD. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất, chiếm 19,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,17 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 9/2020 xuất khẩu sang Mỹ đạt 154,02 triệu USD, giảm 15,8% so với tháng 8/2020.
Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 17,1%, giảm 3,2%; riêng tháng 9/2020 xuất khẩu sang thị trường này đạt 118,15 triệu USD, giảm 3% so với tháng 8/2020. Tiếp đến thị trường Trung Quốc đạt 837,52 triệu USD, chiếm 13,9%, tăng 0,1%; Hàn Quốc đạt 558,43 triệu USD, chiếm 9,4%, giảm 1,2%.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu: Chỉ có tôm đạt mức tăng trưởng khả quan, tăng 10%, đạt 2,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra liên tục giảm, giảm 28%, đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ chiếm 17,6% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, thay vì 23,6% như cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều sụt giảm, tuy nhiên tỷ trọng của hải sản trong tổng xuất khẩu thủy sản vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái, khoảng 38%. Các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc, ngoài khó giao dịch với các thị trường do dịch bệnh thì còn chịu thêm khó khăn do thiếu nguyên liệu. Giãn cách xã hội khiến hoạt động đánh bắt thủy sản giảm, sản lượng khai thác ít, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước cũng khó vì thiếu và vì lệnh phong tỏa.
Một số mặt hàng tiêu biểu như cá ngừ, mực và bạch tuộc đều giảm trong 9 tháng. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ giảm 13% đạt 475 triệu USD, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 7% đạt 398 triệu USD.
Dự báo
Theo VASEP, tôm Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, nhất là tôm chân trắng tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời có thể tăng xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển đóng hộp.
Xuất khẩu tôm chân trắng và cá ngừ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể sang EU sẽ tăng mạnh do được hưởng thuế 0% theo EVFTA.
Xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm do nguồn cung của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn ổn định, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng tới.
Dự báo xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm tăng 9% đạt 1,1 tỷ USD, cá tra giảm 31% đạt 365 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu hải sản đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 3%.
Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU dự báo giảm 20% so với năm 2019, chỉ đạt hơn 1 tỷ USD. Do tác động tiêu cực của COVID-19, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường lớn, gồm Mexico, dự báo giảm tới 50% so với năm 2019.

Nguồn:VITIC