menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 01/7/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:00 01/07/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 01/7/2022.
Lực bán có thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đối với đậu tương sau phiên công bố báo cáo vừa qua
Mở cửa phiên giao dịch ngày 01/07, giá đậu tương đã tiếp tục đà giảm mạnh sau khi báo cáo được mong chờ nhất được công bố vào tối qua. Mặc dù số liệu diện tích gieo trồng năm nay giảm xuống thấp hơn cả khoảng dự đoán của thị trường nhưng đây cũng không phải là yếu tố “bullish” đủ mạnh để giúp cho giá tiếp tục đà hồi phục. Điều này càng củng cố cho luận điểm của chúng tôi về việc giá đậu tương sẽ bước vào xu hướng giảm trong trung và dài hạn, đảo ngược lại so với biến động kể từ cuối năm ngoái cho tới nay.
Đà hồi phục mạnh liên tục kể từ cuối tuần trước phần nào đã phản ánh kì vọng của thị trường vào mức cắt giảm diện tích gieo trồng trong báo cáo này nên giá đã nhanh chóng suy yếu từ vùng 1500. Đây cũng có khả năng là lần cuối đậu tương chạm được vùng giá này trong vài tháng tới khi triển vọng mùa vụ ở Mỹ đang dần ổn định hơn. Nếu như mức diện tích thấp vẫn không thể đẩy giá tăng trở lại thì chỉ còn 1 yếu tố duy nhất có thể tác động hỗ trợ giá trong thời gian tới là năng suất mùa vụ, mà trong đó thời tiết sẽ quyết định phần lớn. Dự báo khô hạn vẫn sẽ xuất hiện và ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng hiện vẫn chưa phải là nguy cơ gây ra rủi ro đáng kể đối với năng suất cây trồng. Chính vì thế, nhìn chung triển vọng nguồn cung tại Mỹ trong tháng 7 này vẫn đang thiên về tác động “bearish” với giá đậu tương.
Không những thế, tốc độ bán hàng chậm chạp trong thời gian gần đây cũng là số liệu đáng lưu ý. Nguồn cung dồi dào và có sẵn sau giai đoạn thu hoạch của Nam Mỹ đang tạo áp lực cạnh tranh với đậu tương CBOT. Chính vì những yếu tố này, nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế bán hơn đối với đậu tương, đặc biệt là trước khi thị trường bước vào kì nghỉ lễ độc lập của Mỹ. Nếu ở trong xu hướng giảm, lực bán sẽ thường được đẩy mạnh với giá nông sản sau ngày lễ 04/07.

Giá cà phê khó có thể duy trì đà tăng trước áp lực từ đà giảm chung của thị trường hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng, giá cà phê trên 2 Sở chia làm 2 nửa xanh đỏ. Đây là phiên trái chiều đầu tiên của 2 mặt hàng này trong suốt nửa tháng vừa rồi. Đóng cửa tháng 06, giá Robusta sụt giảm 3.65% là có tháng giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi giá Arabica chỉ giảm nhẹ 0.58%, khi lực mua áp đảo trong 2 phiên cuối tháng đã thu hẹp mức giảm. Giá Arabica vẫn đang trong cấu trúc nghịch đảo, khi mà tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US liên tục giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 12/1999 đến nay, hiện đứng ở mức 887,431 bao (loại 60kg).
Lo ngại về nguồn cung eo hẹp trong ngắn hạn vẫn là yếu tố chống đỡ, giúp cho giá Arabica không giảm quá sâu bất chấp việc nền kinh tế Mỹ và châu Âu đồng loạt suy yếu trong tháng 06. Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm từ 7-8%, trong khi chứng khoán Anh giảm gần 6% và cá biệt là Đức, với mức giảm lên đến hơn 11% chỉ trong 1 tháng vừa rồi. Mặc dù vậy, các ngân hàng trung ương vẫn bày tỏ nhu cầu ưu tiên trong việc giải quyết lạm phát, bằng việc tăng mạnh lãi suất. Trong đó, Fed là cơ quan mạnh tay nhất trong việc thắt chặt, đẩy giá trị của đồng Dollar lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Điều này đã khiến cho đồng Real Brazil sụt giảm mạnh 11% trong tháng 06, và nếu xu hướng giảm vẫn duy trì, nông dân Brazil sẽ tích cực bán hàng hơn trong bối cảnh việc thu hoạch đang diễn ra một cách nhanh chóng.

Giá đồng có thể tiếp tục suy yếu trước hoạt động sản xuất chậm lại tại nhiều quốc gia lớn
Giá đồng tiếp tục đà suy yếu vào đầu phiên của ngày giao dịch đầu tiên trong quý III sau khi có mức giảm theo quý lớn nhất kể từ năm 2011. Lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục gây ra sức ép đối với giá đồng, bất chấp những tin tức tích cực trong hoạt động sản xuất và kích thích tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc.
Thị trường ngày càng lo ngại về những đợt tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến cường quốc này rơi vào vòng xoáy suy thoái. Mỹ là quốc gia nhập siêu, do đó, một khi tăng trưởng chậm lại kéo theo nhu cầu sụt giảm tại quốc gia này sẽ có tác động với những quốc gia khác có năng lực sản xuất mạnh. Các dữ liệu mới được công bố đều đang cho thấy sự suy yếu trong sản xuất công nghiệp tại các nhà máy trên thị trường châu Á.
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất tại Nhật Bản giảm 4 tháng liên tiếp, giảm từ mức 53.3 hồi tháng 5 xuống còn 52.7 vào tháng 6. Tại Hàn Quốc, hoạt động sản xuất cũng cho thấy sự suy yếu khi PMI giảm 0.5 điểm xuống còn 51.3 trong tháng vừa qua. Xuất khẩu của Hàn Quốc, được coi là chỉ báo đại diện cho thương mại toàn cầu, tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 19 tháng ở mức 5.4% vào tháng 6, thấp hơn rất nhiều so với con số 21.3% vào tháng trước đó. Hàn Quốc là quốc gia có các nhà sản xuất chiếm lĩnh tại rất nhiều thị trường trên toàn thế giới. Điều này cho thấy bối cảnh về lạm phát tăng cao đang làm giảm nhu cầu hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài của quốc gia này, nới rộng khoảng cách thương mại và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, PMI tại Đài Loan dưới ngưỡng 50 cũng đang cho thấy đà thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy. Các dữ liệu này đều chỉ ra rằng tăng trưởng đang chậm lại trên toàn cầu và do đó, trực tiếp tác động tới nhu cầu sử dụng kim loại đồng, với vai trò chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 45 tỷ USD (300 tỷ NDT) vào gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế qua việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, con số này vẫn tương đối khiêm tốn. Vào năm ngoái, Trung Quốc đã bán tổng số tiền 5.5 nghìn tỷ NDT trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng. Nhìn chung, thị trường đồng vẫn đang chịu áp lực bán tháo khi lo ngại về suy thoái kinh tế đang có xu hướng lấn át những thông tin tích cực tại thị trường Trung Quốc.

Rủi ro giá dầu giảm đang cao hơn khi lo ngại về suy thoái kinh tế áp đảo
Bất chấp đà tăng tích cực trong đầu tuần, hiện tại, sau 2 phiên giảm gần đây, mức tăng đã bị xóa sạch và một lần nữa lo ngại về suy thoái kinh tế lại bao phủ trên thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng.
Dù nguồn cung được dự đoán gần như chắc chắn sẽ còn nhiều bất ổn và thiếu hụt, sau một loạt các gián đoạn tại Libya và Ecuador trong tuần này, cùng với quyết định của OPEC+ giữ mức tăng sản lượng ở 648,000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Phát biểu của những người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho thấy mục tiêu lớn nhất hiện tại là kiềm chế lạm phát, và cần phải có hành động quyết liệt, bất chấp một số “đau đớn” có thể xảy ra cho thị trường trong ngắn hạn. Điều này khiến cho tâm lý thị trường chung trở nên tương đối tiêu cực, và khiến lực bán tăng mạnh trên khắp các thị trường, như chứng khoán, tiền điện tử, và dòng tiền quay về các tài sản an toàn như trái phiếu.
Giằng co giữa một bên là ảnh hưởng từ thị trường tài chính chung và một bên là các yếu tố căn bản, gần như chắc chắn thị trường dầu thô sẽ đón nhạn tháng 7 tiếp tục với nhiều biến động. Chỉ số OVX, đo lường sự biến động của thị trường dầu, hay còn gọi là thước đo sự sợ hãi, hiện tại duy trì ở mức 50, cao hơn đáng kể so với vùng 30-40 trong năm 2021.
Giá dầu WTI đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ vào đầu phiên sáng nay, tuy nhiên các chỉ số RSI và MACD đang cho thấy sức bán vẫn áp đảo, và xác suất giá tiếp tục giảm vẫn đang cao hơn. Nhiều khả năng giá sẽ test lại cạnh dưới của Bollinger Band, nên các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán khi giá hồi lên 107 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 103. 5USD, cắt lỗ 108 USD.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc