Giá lúa mì sẽ khó đảo chiều và giảm mạnh ngay trong phiên hôm nay
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm khá mạnh sau tuần tăng vọt nhờ các số liệu trong báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý. Có thể thấy được xu hướng đang phân hoá rõ ràng giữa các mặt hàng nông sản thay vì biến động cùng chiều như đợt tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đậu tương rơi mạnh, ngô lình xình đi ngang thì lúa mì lại tăng vọt và đạt đỉnh lần thứ 3 trong năm. Đà tăng nối dài và nhanh chóng phá vỡ mốc kháng cự 750 do tồn kho lúa mì tại Mỹ chạm mức thấp nhất trong 14 năm và sản lượng ở mức thấp nhất trong gần 2 thập kỉ.
Về nguồn cung, việc giá lúa mì vẫn duy trì tăng mạnh sau phiên công bố báo cáo, thậm chí mức tăng còn mạnh hơn là do lo ngại về nguồn cung thắt chặt không chỉ do sản lượng ở Mỹ mà vấn đề này còn diễn ra ở các quốc gia sản xuất chính khác trên thế giới. Ở Nga, để kiểm soát nguồn cung nội địa do mùa vụ bị thiệt hại nặng nề bởi hạn hán, chính phủ nước này đã áp dụng mức thuế xuất khẩu lúa mì cao nhất kể từ khi chính sách thuế thả nổi được áp dụng. Trong khi đó, mùa vụ lúa mì ở Nam Mỹ mặc dù có khởi đầu khá thuận lợi nhưng cũng có nguy cơ trải qua tình trạng lượng mưa thiếu trong giai đoạn tới. Quay lại với mùa vụ ở Mỹ, USDA đã giảm năng suất các loại lúa mì ở nước này do hạn hán, điều này cũng kéo theo tính “bullish” trong báo cáo Cung – cầu tháng 10 sắp tới và sẽ là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì, ít nhất là trong 2 tuần tới.
Khánh Linh
Lực bán kỹ thuật có thể tiếp tục gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại
Hai mặt hàng kim loại quý kết thúc tuần vừa qua với diễn biến trái chiều. Trong khi giá bạc hồi phục 0.5% lên 22.54 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0.3% còn 973 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều chịu sức ép từ sự hồi phục của đồng USD khi chỉ số Dollar Index tăng lên 94.7 điểm, mức cao nhất trong vòng một năm. Giá bạc đóng cửa tuần với sắc xanh bởi lực bắt đáy của thị trường bạc mạnh hơn so với thị trường bạch kim, tuy nhiên, triển vọng dài hạn đối với cả hai kim loại này đều khá tiêu cực.
Tâm điểm tin tức của tuần này là Số liệu bảng lương phi nông nghiệp của tháng 9. Nếu thị trường lao động phục hồi tích cực, giá của bạc và bạch kim có thể bị giảm sâu hơn.
Ở một diễn biến khác, giá bạch kim và giá đồng đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toàn cầu. Rất nhiều nhà máy ở Châu Âu và Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động khiến cho các hoạt động luyện kim, tinh chế đồng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất ô tô bị đình trệ sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ cả hai kim loại này tiếp tục sụt giảm mạnh hơn.
Tiên Phạm
Giá cả hai mặt hàng cà phê có thể gặp áp lực điều chỉnh trong tuần này
Kết thúc tuần vừa qua, giá Arabica tiếp tục bứt phá gần 5% lên 204.05 cents/pound. Giá Robusta đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn, gần 1% lên 2168 USD/tấn.
Nỗi lo về nguồn cung ở Brazil xuất phát từ việc khu vực trồng cà phê chính ở Brazil là Minas Gerais vẫn trải qua tinh trạng thiếu hụt lượng mưa vẫn là yếu tố thúc đẩy giá Arabica và dẫn dắt cả thị trường cà phê đi lên. Đáng chú ý, giá đã bứt phá khỏi mức cản 200 cents/pound. Tuy nhiên, đà tăng lần này cũng nằm ngoài quy luật cung cầu, mà mang nặng yếu tố đầu cơ.
Báo cáo cam kết thương nhân mới nhất cho thấy, các quỹ đã gia tăng số lượng vị thế mua ròng lên gần 5000 hợp đồng, và số lượng vị thế mua đang mở hiện tại là 55,895 hợp đồng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng, đồng thời, số lượng vị thế bán đang mở cũng giảm còn 12,737 hợp đồng, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Bên cạnh đó, tổng số lượng vị thế mở tren thị trường cũng tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng, đạt gần 300,000 hợp đồng. Các số liệu này đều cho thấy thị trường cà phê Arabica đang sôi động trở lại và mang nhiều yếu tố đầu cơ hơn, do đó, giá của các mặt hàng sẽ phản ứng với các mốc kỹ thuật nhiều hơn.
Về mặt kỹ thuật, đà tăng mạnh của phiên thứ 6 tuần trước có dấu hiệu suy yếu vào cuối phiên, do đó trong phiên hôm nay, có hai kịch bản có thể xảy ra.
Tiên Phạm
Giá dầu khó duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng quá lâu kể cả khi OPEC+ giữ nguyên hạn ngạch
Tuần trước dầu WTI tăng 2.57% lên 75.88 USD/thùng, đánh dấu chuỗi tăng liên tiếp 6 tuần. Trong khi đó, dầu Brent cũng tăng 4 tuần liên tiếp, với mức 2.65% lên 79.28 USD/thùng.
Đối lập với phe giá “bull” mà tiêu biểu là ngân hàng Goldman Sachs, với dự đoán giá dầu đạt 90 USD/thùng trong quý IV năm nay , trên thị trường vẫn còn một số dự đoán giá dầu sẽ giảm trở lại. Ví dụ, Platts Analytics dự báo Brent trong tháng 10 sẽ duy trì ở vùng trên ngưỡng 70 USD/thùng, gợi ý giá sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Một trong những lý do, đó là giá duy trì ở mức cao có thể kích hoạt sự suy giảm trong chính nhu cầu.
Tổng chi phí năng lượng của Mỹ trong năm 2019 đạt 1.2 nghìn tỷ USD, tương đương 6% GDP. Chi phí bình quân đầu người lên đến 3,728 USD, tương đương gần 12% thu nhập trung bình. Nếu con số này tiếp tục tăng, có khả năng các hộ gia đình sẽ buộc phải tiếp kiệm chi phí: Khí tự nhiên được dùng để vận hành hệ thống sưởi và bếp, do đó lượng cắt giảm, nếu có, sẽ tập trung chủ yếu vào chi phí đổ xăng.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV