menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 04/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:52 04/11/2021

 
Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 04/11/2021.
Giá đậu tương có khả năng sẽ giảm trở lại về vùng hỗ trợ của khoảng đi ngang
Giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh vùng hỗ trợ của khoảng đi ngang sau khi bị đẩy xuống từ mức chặn trên 1260 trong phiên hôm qua. Thời tiết băng giá ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng trong giai đoạn thu hoạch tại Mỹ cùng với giá nhiều loại phân bón tiếp tục tăng lên mức kỉ lục mới đang là yếu tố hỗ trợ cho giá, đối trọng lại với triển vọng tích cực về mùa vụ ở Brazil.
Như thường lệ, thị trường vào đầu mỗi tháng, thị trường lại hướng sự quan tâm về những số liệu trong báo cáo Cung – cầu do Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành. Mới đây, hãng tin Reuters đã tổng hợp lại dự đoán của thị trường, trong đó năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2021/22 được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 51.9 giạ/mẫu từ mức 51.5 giạ/mẫu nhờ lượng mưa đáng kể cuối vụ đã cải thiện phần nào ảnh hưởng của hạn hán trong giai đoạn trước đó.
Tồn kho đậu tương cuối vụ của nước này cũng tăng mạnh 42 triệu giạ, lên mức 362 triệu giạ. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến cho đậu tương là mặt hàng yếu nhất trong 3 mặt hàng ngũ cốc khi giá ngô và lúa mì tăng mạnh trong phiên sáng nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp sẽ có một phiên điều chỉnh giảm do lực bán kỹ thuật
Kết thúc phiên 3/11, giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều. Trong khi hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0.6% lên 209.3 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 1/2022 giảm không đáng kể về 2232 USD/tấn. Chênh lệch giữa hai Sở được tăng lên mức 52% chiết khấu cho giá Robusta.
Chi phí vận chuyển đắt đỏ, tình trạng khan hiếm container và các hạn chế đến từ các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã làm chậm xuất khẩu của 4 nước sản xuất lớn là Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia, giúp cho giá cà phê kỳ hạn trên cả hai Sở tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Kể từ tháng 11 năm ngoái, giá Arabica đã tăng gấp đôi, còn giá cà phê Robusta cũng tăng cao hơn gần 70%.
Tuy nhiên điều này, cộng hưởng với việc thắt chặt nguồn cung cà phê ở Brazil, đang làm cho các nhà rang xay ở hai nước tiêu thụ lớn là Ý và Đức tiến hành đa dạng hóa nguồn cung sang nước sản xuất cà phê khác.
Dù cả hai mặt hàng cà phê đều đang được các yếu tố cơ bản hỗ trợ, nhưng áp lực bán ở trên thị trường Robusta đang nhiều hơn bởi giá đang ở mức đỉnh 10 năm. Trái lại, phiên hôm qua là ngày nghỉ lễ của Brazil nên áp lực bán hàng không quá lớn, nên giá vẫn giữ được sắc xanh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá các mặt hàng kim loại sẽ không biến động mạnh trong phiên hôm nay
Các mặt hàng kim loại tiếp tục lao dốc khi kết thúc phiên hôm qua, giá bạch kim giảm 1.6% còn 1022.5 USD/ounce, giá đồng giảm 1% còn 4.32 USD/pound.
Sau khi có kết quả cuộc họp của FED cả hai mặt hàng kim loại màu đều giảm bởi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng chung của thị thị trường khi mà đồng USD hồi phục. Việc thị trường chứng khoán gia tăng mạnh mẽ cũng là yếu tố khiến dòng vốn chảy vào thị trường bạch kim và thị trường đồng bị ít đi.
Bên cạnh đó, doanh số bán xe tại Mỹ hôm qua được công bố cũng phần nào hạn chế sự hồi phục của đồng và bạch kim. Doanh số bán xe ô tô trong tháng 10 đạt 2.59 triệu chiếc, thấp hơn so với kỳ trước và là tháng thứ 5 liên tiếp giảm. Sự thiếu hụt chất bán dẫn và chip trên toàn cầu khiến cho rất nhiều hãng xe lớn phải cắt giảm sản xuất, kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồng và bạch kim sụt giảm. Bạch kim là kim loại chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi có tới 40% lượng bạch kim hàng năm được dung trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Rủi ro giá nhiên liệu hoá thạch gia tăng trong các năm tới khi giới tài chính đổ tiền vào xu hướng đầu tư xanh
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 3.63% xuống 80.86 USD/thùng, giá Brent giảm 3.22% xuống 81.99 USD/thùng. Hôm qua cũng đánh dấu cột mốc quan trọng, với gần 25% tài sản tài chính của thế giới được đặt dưới các cam kết bảo vệ môi trường.
Việc chuyển dịch dòng vốn từ các nhiên liệu hoá thạch sang các nhiên liệu tái tạo, mặc dù giúp chống lại sự biến đổi khí hậu, lại khiến cho vấn đề thiếu hụt đầu tư vào ngành dầu khí càng nghiêm trọng.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính đến hết năm 2020, 27 trong số 60 ngân hàng lớn nhất trên thế giới đã cắt giảm các khoản vay cho các dự án dầu khí. Các tổ chức tài chính lớn, lâu đời thường hoạnh định chiến lược trong các giai đoạn dài 10-20 năm, do đó xu hướng thắt chặt các quy định bảo vệ môi trường tại Mỹ và châu Âu khiến họ không thoải mái. Trong hội nghị COP26 hiện tại, các đại biểu được kỳ vọng sẽ phát triển các quy định mới về giá giấy phép khí thải cac-bon và tiến tới xây dựng các sàn giao dịch toàn cầu: Các công ty xả thải ra môi trường trong quá trình sản xuất sẽ phải trả phí dựa trên khối lượng chất thải tương ứng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc