menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 10/11/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:16 10/11/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 10/11/2022.
 

 

Giá ngô có khả năng vẫn sẽ duy trì khoảng đi ngang do triển vọng thiếu rõ ràng từ báo cáo WASDE tháng 11

Tương tự như diễn biến của phiên hôm qua, diễn biến giằng co, cân bằng cũng bao trùm lên thị trường ngô trong phiên sáng nay. Mặc dù đà giảm đã bị hạn chế nhưng giá hiện hiện cũng đã quay trở lại mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Vùng 660 – 665 này cũng đóng vai trò là chặn dưới của khoảng biến động đi ngang của ngô. Với các số liệu cung cầu trong báo cáo WASDE tháng 11 theo chúng tôi đánh giá vẫn chưa phản ánh đúng với bối cảnh cơ bản hiện tại của ngô, giá có khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng đi ngang này trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong trung hạn, khả năng giá hướng xuống vùng sideway này vẫn chiếm ưu thế.
Mùa vụ tại Mỹ vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường trong báo cáo tối qua. Mặc dù điều chỉnh tăng số liệu năng suất và sản lượng mùa vụ tại Mỹ nhưng tác động “bearish” đối với giá lại không quá mạnh do nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước được đánh giá tích cực hơn. Khối lượng xuất khẩu dự kiến trong niên vụ 22/23 vẫn được USDA duy trì dự báo ở mức 54.6 triệu tấn là một điều khá bất ngờ với thị trường. Các vấn đề liên quan tới hoạt động vận tải gặp khó khăn trên sông Mississippi và ảnh hưởng của đồng đô la mạnh hơn vẫn chưa thể hiện vào báo cáo vừa qua. Tuy nhiên, mùa xuất khẩu ngô cao điểm không phải vào mùa thu - thường là vào cuối mùa đông đến cuối mùa xuân, nên có thể USDA sẽ cắt giảm triển vọng xuất khẩu của Mỹ trong báo cáo sắp tới và đây sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn đối với giá ngô trong trung hạn.
Ngoài ra, USDA cũng giữ nguyên mức giá trung bình theo mùa đối với ngô ở mức 6.80 USD/giạ. Điều này càng củng cố cho sự cân bằng giữa động lực mua và bán của thị trường và phản ánh mức giá hiện tại đang khá vững chắc. Bên cạnh đó, USDA cũng không thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với ước tính ngô của khu vực Nam Mỹ, thời tiết nhìn chung vẫn đang cho phép việc gieo trồng ngô diễn ra thuận lợi. Đây vẫn là những thông tin giúp giá duy trì khoảng đi ngang trong vài phiên tới.

Giá đường 11 có thể nối tiếp đà tăng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/11, bông quay đầu giảm sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp khi sản lượng được dự đoán tích cực hơn tại Mỹ và Brazil trong bối cảnh nhập khẩu giảm tại 2 nước tiêu thụ lớn là Trung Quốc và Bangladesh. Đường 11 có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp dù cho sản lượng được Rabobank dự kiến sẽ nới lỏng trong niên vụ tới tại Đông Nam của Brazil.
Đối với đường, việc sản lượng trong niên vụ tới tại Trung Nam của Brazil dự kiến sẽ nới lỏng hơn so với niên vụ hiện tại đã là điều quen thuộc với thị trường thông qua những dự đoán của giới phân tích trước đó, tác động của thông tin này đến giá là khá mờ nhạt.
Trong khi đó, việc những cơn mưa diễn ra liên tiếp trong thời gian qua tại khu vực này đã khiến hoạt động sản xuất đường gặp trở ngại, khiến nguồn cung trong ngắn hạn. Đây có thể sẽ là thông tin tác động “bullish” đến giá trong phiên hôm nay. 

Giá đồng có thể sẽ bật tăng mạnh mẽ trong trường hợp dữ liệu lạm phát Mỹ suy yếu
Bất chấp những thông tin tiêu cực, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng vẫn đang đón nhận lực mua tích cực sau khi vượt qua kênh xu hướng giảm, với lo ngại về nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng một số hỗ trợ cho ngành bất động sản tại Trung Quốc có thể giúp cải thiện bức tranh tiêu thụ.
Phiên hôm nay, với vai trò là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh với các yếu tố vĩ mô, trong đó trọng tâm là dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 10. Thị trường đang kỳ vọng rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI Mỹ sẽ tăng chậm lại trong tháng 10 ở mức 8.0% so với mức tăng 8.2% trong tháng 9.
Với tình hình sản xuất chậm lại tại Mỹ, thông qua dữ liệu PMI sản xuất tiêu cực trong tháng 10. Thêm vào đó, thị trường lao động trong tháng 10 của quốc gia này cũng cho thấy một vài sức ép trong môi trường lãi suất tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3.5% lên mức 3.7% trong tháng 10, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Điều này có thể thúc đẩy tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng. Mức chi tiêu ít đi cũng sẽ góp phần hạ nhiệt giá cả và do đó, lạm phát của Mỹ cũng sẽ chậm lại trong tháng 10. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là mức tăng trong cuộc họp tháng 12 và sẽ là tin tức tích cực đối với thị trường đồng. Chi phí vay tăng chậm lại có thể giúp hoạt động sản xuất bớt gặp áp lực hơn và từ đó hỗ trợ cho giá phục hồi.
Rào cản lớn nhất vẫn là yếu tố dịch bệnh tại Trung Quốc. Quốc gia này vẫn đang tăng cường các hạn chế Covid ở một số thành phố lớn nhất, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Cường quốc sản xuất phía nam Quảng Châu, nơi sở hữu nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn đang là tâm điểm của đợt dịch lần này. Do đó, đà tăng của giá cũng sẽ hạn chế hơn khi đang di chuyển trong vùng kháng cự 3.7 USD/pound.

Giá dầu có thể phục hồi trong phiên hôm nay sau số liệu lạm phát Mỹ
Giá dầu biến động nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường chờ đợi các thông tin mới về số liệu lạm phát tại Mỹ.
Sau 2 phiên giảm liên tiếp, giá WTI và Brent đã giảm hơn 7% so với thứ 6 tuần trước. Số ca nhiễm mới tăng vọt ở Trung Quốc đã khiến cho kỳ vọng về sự mở cửa nhanh chóng bị đẩy xuống thấp dần. Giá cũng chịu áp lực từ báo cáo tồn kho dầu của EIA ngày hôm qua cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng lên 3.9 triệu thùng, lớn hơn so với dự đoán tăng 1.4 triệu thùng của giới phân tích.
Thị trường đang chờ đợi các số liệu mới về CPI của Mỹ tối nay, với kỳ vọng lạm phát trong tháng 10 sẽ hạ nhiệt từ 8.2% xuống 8%. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed. Chính kỳ vọng này đang này khiến cho Dollar Index giảm điều chỉnh trong chiều nay, và hỗ trợ cho giá không giảm tiếp bất chấp các tin tức tiêu cực của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển Năng lượng Nga cho biết sản lượng dầu nước này có thể giảm xuống từ 9.9 triệu thùng/ngày xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 12, do tác động của các lệnh cấm vận. So sánh với số liệu trong Triển vọng Thị trường Ngắn hạn, nếu tình hình này kéo dài, thì sự sụt giảm trong sản xuất sẽ đẩy thị trường vào trạng thái thiếu hụt trong năm 2023. Điều này sẽ khiến các nước phải ráo riết chuẩn bị đặt mua cá đơn hàng mới, nhất là trong trường hợp muốn thúc đẩy sản xuất để đẩy nền kinh tế.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: hàng hóa
Link gốc