menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 14/12/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:08 14/12/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 14/12/2022.
 
Lo ngại về nguồn cung lúa mì thắt chặt hơn trong ngắn hạn có thể sẽ giúp giá đảo chiều và hồi phục trong phiên tối nay
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức giảm khá mạnh. Theo đánh giá của chúng tôi, lực bán kĩ thuật sau phiên sụt giảm hôm qua là yếu tố chính dẫn tới diễn biến trên của lúa mì. Hiện tại, mặc dù vẫn đang ở trong xu hướng bán dài hạn khi liên tiếp phá vỡ các vùng đáy quan trọng nhưng với bối cảnh nguồn cung hiện tại, đà giảm của lúa mì có khả năng sẽ dần thu hẹp trong vài phiên tới. Giá đã quay trở lại vùng thấp hơn trước khi xảy ra chiến tranh Biển Đen, trong khi nguồn cung ngắn hạn vẫn đang gặp phải nhiều hạn chế.
Triển vọng mùa vụ lúa mì ở Mỹ đang gặp phải bất lợi do tình hình thời tiết kém khả quan khi bước vào đầu mùa đông. Thời tiết lạnh giá sẽ bao trùm toàn bộ khu vực Đồng bằng, nhiệt độ hạ xuống 5-15 °C dưới mức bình thường. Nhiệt độ tối thiểu hàng ngày trên khắp Nebraska và Kansas sẽ giảm mạnh và có thể chạm ngưỡng gây ra tình trạng “winter kill” đối với lúa mì mùa đông. Do đó, rủi ro đối với lúa mì Mỹ sẽ đặc biệt cao trong tuần tới, mặc dù mới chỉ ở trong giai đoạn tương đối sớm của mùa đông.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, tồn kho lúa mì trong các kho của chính phủ trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, trong bối cảnh giá lúa mì tiếp tục ở mức kỷ lục do nhu cầu tăng và tồn kho thấp. Cụ thể, con số này hiện chỉ đạt 19 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức 37.85 triệu tấn được ghi nhận vào 01/12/2021. Theo số liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ, kho dự trữ của chính phủ đã thâm hụt khoảng 2 triệu tấn lúa mì trong tháng 11. Tồn kho nhà nước thấp hơn có thể cản trở nỗ lực của chính phủ Ấn Độ trong việc giải phóng các kho chứa để hạ nhiệt giá lúa mì, điều mà nước này thường làm đối với những người mua số lượng lớn như các nhà sản xuất bột mì và bánh quy. Hơn nữa, nguồn cung vụ mới sẽ chỉ xuất hiện từ tháng 04 năm sau và điều này khiến cho nhiệm vụ ổn định giá lúa mì nội địa của Ấn Độ trở nên khó khăn hơn mỗi tháng. Lo ngại về nguồn cung sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì trong phiên hôm nay. 
Triển vọng nguồn cung tiếp tục diễn biến tích cực khiến giá Arabica khả năng cao quay đầu giảm trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12, 2 mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Bất chấp những lo ngại về sản lượng và chất lượng cà phê tại Việt Nam sẽ kém đi do ảnh hưởng bởi mưa trong giai đoạn thu hoạch chính, giá Robusta bất ngờ giảm 0.58%. Trong khi, Arabica nối tiếp xu hướng tăng nhưng đà tăng được điều chỉnh chậm lại, ở mức 0.51% do thị trường tiếp tục kỳ vọng về nguồn cung cà phê niên vụ tới sẽ tích cực hơn tại Brazil.
Thi trường sẽ tiếp tục chuyển động với những thông tin trái chiều về nguồn cung cà phê tại Brazil. Theo đó, thông tin Conab, cơ quan cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil có thể sẽ cắt giảm sản lượng cà phê của nước này trong báo cáo vào thứ 5 tới khiến cho thị trường lao đao vì nguồn cung được dự đoán trong báo cáo trước đó đã là mức thấp nhất mà cơ quan này đưa ra trong năm nay và cũng là mức sản lượng thấp nhất của năm được mùa trong 4 năm gần nhất.
Mặt khác, triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ tới lại là yếu tố gây sức ép lên giá. Theo đó, lượng mưa trên mức lịch sử trong tuần vừa rồi tại Minas Gerais, kết hợp với dự đoán sản lượng Arabica sẽ tăng trong năm 2023 tại Brazil của hãng phân tích độc lập Hedgepoint.
Theo dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Brazil cho thấy, khu vực Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil sẽ đón nhận trận lũ với tổng lượng nước lên đến 200 mm. Đối với vườn cà phê đã đón nhận lượng mưa thấp hơn lịch sử tronng những tuần trước đó theo thống kê của Somar Meteorologia, lượng mưa 200 mm có thể vẫn là yếu tố thúc đẩy cho sự phát triển của cây cà phê và gây sức ép lên giá. 
Xu hướng của giá đồng có thể đi ngang trong ngắn hạn nhưng sẽ bùng nổ vào năm sau
Việc Trung Quốc tiến hành nới lỏng Chính sách Kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và bỏ xét nghiệm hàng loạt, dần hướng tới việc mở cửa sẽ mang lại một rủi ro ngắn hạn đối với sự bùng phát của các ca nhiễm bệnh trên toàn quốc. Hiện tại, các bệnh viện quá tải, số ca nhiễm bệnh có xu hướng tăng vọt, và quốc gia này cũng sẽ không tiến hành tính toán tổng số ca mắc. Việc virus lây lan rộng rãi đối với một quốc gia đông dân, quy mô nền kinh tế lớn có thể sẽ khiến các hoạt động kinh tế gặp gián đoạn và ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, trong đó thị trường đồng sẽ đối diện với áp lực.
Tuy nhiên, khi quốc gia này đạt được trạng thái bình thường hoá, với dự báo của Goldman Sachs cho biết Trung Quốc có thể mở cửa từ cuối quý I năm sau. Giai đoạn trước đó, nhu cầu tích trữ nguyên vật liệu có thể sẽ bắt đầu tăng lên và tác động “bullish” tới giá đồng.
Hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế đang được Trung Quốc áp dụng, trong đó đặc biệt là hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Hiện tại, việc các động thái nới lỏng Covid và tăng cường kích thích kinh tế, căng thẳng trong thị trường trái phiếu trị giá 750 tỷ USD của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng Evergrande vào cuối năm ngoái và rủi ro vỡ nợ hiện cũng đã bớt tiêu cực hơn trong ngắn hạn.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản sẽ là yếu tố kích thích mạnh cho nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng như đồng, sắt thép và nhiều khả năng giá đồng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm sau.
Trong phiên hôm nay, giá đồng có thể sẽ giằng co chờ đợi tin tức từ cuộc họp của Fed. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại ở mức 50 điểm cơ bản sau dữ liệu lạm phát hạ nhiệt mạnh mẽ trong tháng 11 của Mỹ, nhưng điều thị trường sẽ quan tâm hơn sẽ là quan chức Fed và chủ tịch Fed sẽ nói gì. Nhiều khả năng chủ tịch Fed vẫn sẽ giữ giọng điệu “diều hâu” về mức đỉnh lãi suất, nhất là khi Fed vẫn chưa thấy thị trường lao động hạ nhiệt đáng kể. Trong trường hợp đó, giá đồng có thể sẽ gặp áp lực bán nhẹ. 
Giá dầu có thể chịu thêm sức ép từ các báo cáo, nhưng sẽ phục hồi tốt sau phiên họp của Fed
Giá dầu thô WTI chịu sức ép nhẹ trong sáng nay do áp lực chốt lời từ ngưỡng cản tâm lý 75 USD, và số liệu tồn kho tăng trở lại từ báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API.
Thị trường dầu thô đang trải qua một tuần chịu ảnh hưởng bởi nhiều báo cáo và các tin tức quan trọng. Tiếp nối OPEC, trong hôm nay Cơ Quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố báo cáo tháng 12 và Cơ Quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ phát hành báo cáo tồn kho dầu hàng tuần.
Nhiều khả năng, báo cáo của IEA cũng cùng quan điểm với OPEC và báo cáo STEO của EIA trước đó, điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ với dầu thô, do triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan. Ngoài ra, IEA cũng có thể bày tỏ những kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc, cũng như chia sẻ thêm số liệu về sản lượng dầu thô của Nga.
Về phía EIA, báo cáo chủ yếu tập trung phản ánh tình hình nguồn cung và tiêu thụ năng lượng tại Mỹ. Hiện giá xăng đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm, khoảng 3.25 USD/gallon (3.79 lít), nhưng điều này chưa chắc đã phản ánh nhu cầu tăng mạnh. Ngoài ra, nếu báo cáo của EIA cũng cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng, công với việc Chính phủ đã bổ sung kho dự trữ chiến lược SPR khi giá dầu giảm về mức thấp nhất trong vòng một năm, thì đây sẽ trở thành một yếu tố gây sức ép không nhỏ lên giá.
Bên cạnh các báo cáo, thị trường dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc họp tháng 12 của Fed. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và lãi suất lên mức 4.25% đến 4.5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Mức tăng lãi suất gần như sẽ không thay đổi so với dự báo, nên điều mà các nhà đầu tư chú ý hơn cả là những thay đổi chính sách tiền tệ của Fed trong năm 2023 sắp tới. Nhiều khả năng Fed sẽ có một cách tiếp cận mềm mỏng hơn sau một thời gian dài mạnh tay tăng lãi suất, để không khiến cho nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc