Căng thẳng địa chính trị tại Biển Đen sẽ tiếp tục hỗ trợ giá ngô và lúa mì trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/02, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 3 có gapup nhỏ, tiếp tục tăng và hiện đang giằng co quanh vùng kháng cự 655. Do không có thêm thông tin cơ bản mới nào trong hai ngày cuối tuần, diễn biến tích cực của giá ngô hiện tại chủ yếu vẫn là do lo ngại về chuỗi cung ứng tại khu vực Biển Đen trước căng thẳng chính trị ngày một leo thang giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, tại Mỹ, lũy kế giao hàng ngô tính đến hết ngày 03/02 vẫn đang chậm hơn so với cùng kỳ niên vụ 20/21. Hơn thế nữa, khoảng cách lại được nới rộng từ mức 2.3% trong tuần cuối tháng 2 lên 4%. Điều này cho thấy tiến độ giao chưa thật sự được cải thiện và sẽ còn là yếu tố tạo sức ép lên giá của mặt hàng này. Khối lượng hàng đã giao chỉ đạt 43%, với khối lượng hàng chưa giao ước tính gần 23 triệu tấn.
Trong đó, 8.39 triệu tấn là khối lượng hàng bán sang cho Trung Quốc, tương đương 36% tổng khối lượng. Việc phần nhiều khối lượng hàng chưa giao là của Trung Quốc tồn tại một rủi ro là nước này có thể hủy đơn hàng. Cụ thể, đầu tháng này, USDA đã ghi nhận việc Trung Quốc hủy đơn hàng lên tới 380,000 tấn ngô niên vụ 21/22, và kể từ thời điểm đó, chưa xuất hiện thêm đơn hàng mới nào của nước này.
Khánh Linh
Giá cà phê có thể chịu sức ép trong ngắn hạn vì những diễn biến liên thị trường
Thị trường cà phê thăng hoa trong tuần qua với giá Arabica tăng 4% lên 251.7 cents/pound, giá Robusta cũng tăng 2.5% lên 2284 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 59% chiết khấu cho giá Robusta.
Thị trường đang trong giai đoạn hấp thụ các tin tức xuất khẩu của Việt Nam, Indonesia và Brazil. Xu hướng tăng của giá được kỳ vọng sẽ kéo dài. Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu nói chung đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xoay quanh tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Căng thẳng ngày một leo thang có thể dẫn đến chiến tranh bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, giá cả hai mặt hàng cà phê sẽ chịu sức ép trong ngắn hạn trước khi đà tăng được nối dài.
Giá cả hai mặt hàng cà phê hiện đều đang ở mức cao so với các năm về trước, ngoài ra, FED cũng đang ngày càng củng cố vị thế của đồng USD trong bối cảnh lạm phát cao. Safras & Mercado cho biết, nông dân trồng cà phê Brazil đã bán được khoảng 86% trên tổng sản lượng ước tính là 56.5 triệu bao từ vụ cà phê Brazil hiện tại. Tốc độ bán hàng cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 80%, do giá cà phê thế giới không ngừng tăng.
Tiên Phạm
Giá đồng có thể tiếp tục giằng co và chưa rõ xu hướng trong phiên giao dịch đầu tuần
Giá đồng giằng co mạnh trong tuần trước nhưng đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0.5% lên 4.51 USD/pound. Đã có lúc, giá tăng lên 4.7 USD/pound, mức cao nhất kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng năng lượng của tháng 10 năm ngoái.
Tồn kho của ba Sở lớn trên thế giới (Sở COMEX, Sở LME, và Sở Thượng Hải) giảm mạnh về chỉ còn 200,000 tấn, tương đương với mức tiêu thụ của thế giới trong ba ngày đã khiến cho các nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, đến cuối tuần vừa rồi, mức tồn kho này tăng trở lại cộng thêm việc đồng USD hồi phục mạnh mẽ nhờ những kỳ vọng vào chính sách kiểm soát lạm phát của FED, giá đồng đã lao dốc nặng nề trong phiên thứ sáu.
Diễn biến của giá đồng trong phiên hôm nay, sẽ là sự cạnh tranh giữa hai quan điểm trái chiều trên thị trường. Tồn kho đồng ở Trung Quốc tăng mạnh trong hai ngày cuối tuần. Cụ thể, tồn kho đồng tại các tỉnh lớn như Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô và Trùng Khánh tăng thêm gần 30,000 tấn lên 185,300 tấn. Tồn kho đồng ở các khu ngoại quan tăng gần 20,000 tấn lên 265,250 tấn. Đáng chú ý, mức dự trữ trên Sở Giao dịch Thượng Hải tăng từ 35,000 tấn lên 52,000 tấn.
Tiên Phạm
Giá dầu khả năng cao sẽ duy trì đà tăng trong tuần này khi các căng thẳng đạt đỉnh điểm
Giá dầu nối dài đà tăng tuần thứ 8 liên tiếp khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga – NATO và căng thẳng giữa Mỹ - Iran gia tăng. Kết thúc tuần giao dịch, giá WTI tăng 0.86% lên 93.1 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.25% lên 94.44 USD/thùng.
Kỳ vọng các cuộc đối thoại ngoại giao của các quốc gia châu Âu EU và Nga sẽ đem đến một thỏa thuận chung hoặc làm “hạ nhiệt” vấn đề về biên giới Ukraine đã tan biến vào cuối tuần trước khi Mỹ cảnh báo Nga có thể tiến hành tấn công ngay vào tuần này, và một loạt các quốc gia như Đức, Hà Lan, Saudi Arabia,… kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine.
Điều này khiến cho nguy cơ chiến tranh được cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trên thế giới, bất chấp Nga liên tục phủ nhận ý định xâm lược Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu EC đã đe dọa sẽ nhắm đến ngành năng lượng của Nga nếu nước này hành động, điều này khiến cho lo ngại về việc nguồn cung năng lượng đến châu Âu sẽ bị gián đoạn, trong bối cảnh hiện tại đường ống dẫn khí tự nhiên Yamal nối Nga và Đức vẫn đang chảy ngược dòng từ ngày 21/12/2021, là một trong các yếu tố chính thúc đẩy giá khí tự nhiên và giá dầu tăng cao.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV