Giá ngô có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục từ cuối tuần trước
Giá ngô đang giảm nhẹ về quanh mức 525 cents trong phiên sáng nay theo đà chung của các mặt hàng nông sản. Ngô đã trải qua một tuần với rung lắc khá mạnh và lực bán chiếm ưu thế khi số liệu trong báo cáo được chờ đón nhất mang tác động “bearish” dù không gây bất ngờ.
Cụ thể tồn kho ngô của Mỹ niên vụ 2021/22 đã tăng lên khiến giá ngô giảm mạnh ngay sau đó. Tuy nhiên, trải qua một tuần với thông tin “bearish” mạnh như vậy nhưng đà hồi phục cuối tuần đã cho thấy lực mua vẫn rất mạnh ở những mốc kĩ thuật quan trọng nên trong vài phiên tới giá có thể sẽ tiếp tục đà tăng.
Mặc dù tồn kho ở Mỹ trong niên vụ 2021/22 đang nới lỏng hơn nhưng đây cũng là mức tồn kho thấp so với mức trung bình trong vài năm qua. Điều này không xoá đi hoàn toàn mà chỉ giúp làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung toàn cầu, đặc biệt là khi sản lượng Brazil đã bị thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết khô hạn.
Bên cạnh đó, nguy cơ La Nina, mô hình thời tiết kéo theo nhiều hậu quả ảnh hưởng lên mùa vụ sau đó được dự báo xuất hiện trở lại vào cuối năm nay với xác suất lên tới gần 90%.
Khánh Linh
Giá cà phê có thể giảm trong phiên hôm nay
Hai mặt hàng cà phê kết thúc tuần vừa qua với diễn biến trái chiều. Trong khi giá Arabica tăng 1% lên 203.4 cents/pound, giá Robusta giảm tuần thứ 2 liên tiếp về 2133 USD/tấn.
Giá của cả hai mặt hàng vẫn đang được hỗ trợ trong bối cảnh chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại. Xuất khẩu cà phê tháng 9 của Brazil giảm gần 30% so với tháng trước, còn xuất khẩu cà phê ở Việt Nam cũng giảm gần 11% do ảnh hưởng của việc thiếu hụt containers và giá cước vận tải leo thang.
Có thể thấy, triển vọng của thị trường cà phê vẫn rất sáng sủa, tuy nhiên, giá của cả hai mặt hàng sẽ cần một chất xúc tác mới để bứt phá thay vì đi ngang như hiện tại.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica vẫn đang giảm điều chỉnh sau khi quay đầu từ mức 215 cents/pound. Trong phiên hôm nay, giá Arabica có thể test lại mức hỗ trợ 200 cents/pound. Biên độ biến động dự tính từ 200 – 205 cents/pound.
Giá Robusta được kỳ vọng sẽ duy trì giao dịch trong khoảng 2110 - 2180 USD/tấn. Các nhà đầu tư có thể mua khi mở phiên (buy open) với kỳ vọng chốt lời ở 2150 – 2160 USD/tấn, cắt lỗ tuyệt đối 2109 USD/tấn.
Tiên Phạm
Liệu đà tăng của thị trường kim loại đã quay trở lại?
Kết thúc tuần vừa qua, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng mạnh. Giá bạch kim tăng 3% lên 1059 USD/ounce, cao nhất trong vòng 2 tháng. Giá đồng tăng gần 11% lên 4.73 USD/pound, mức cao nhất trong vòng 5 tháng.
Giá của cả hai mặt hàng đều được hỗ trợ nhờ những lo ngại về nguồn cung khi các nhà máy phải đóng cửa vì cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ở Châu Âu và Trung Quốc. So với các mặt hàng khác như nông sản hay dầu thô, các mặt hàng kim loại vốn không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng những lo ngại trên diện rộng lần này không chỉ hạn chế đối với bạch kim, hay đồng mà còn cả với các kim loại khác như nhôm, niken đã thu hút một dòng tiền lớn đổ về thị trường kim loại.Trong bối cảnh đà tăng của các mặt hàng năng lượng vẫn chưa dừng lại, những lo ngại nguồn cung bị thắt chặt sẽ tiếp tục hô trợ giá bạc và bạch kim đi lên.
Báo cáo cam kết thương nhân cho thấy khối lượng vị thế bán ròng trên thị trường bạch kim của các quỹ đã giảm 97% chỉ còn 200 lot so với tuần trước, đây là mức thấp nhất kể cuối tháng 7 năm nay, và cũng là thời điểm các quỹ chuyển trạng thái từ mua ròng sang bán ròng.
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng khi thế giới vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch
Kết thúc tuần, giá WTI tăng 3.69% lên 82.28 USD/thùng, Brent tăng 3% lên 84.86 USD/thùng. Giá dầu hưởng lợi khi các quốc gia chưa tìm gia giải pháp nhằm tăng nguồn cung.
Sức ép đang tăng dần lên với Tổng thống Biden, khi các hoá đơn năng lượng cao đang làm gia tăng các chỉ trích của người dân. Đầu năm nay, chính phủ Mỹ đặt mục tiêu dến năm 2030 sẽ sử dụng 80% nhiên liệu tái tạo để sản xuất điện. Mặc dù đẩy mạnh đầu tư và trợ cấp cho các dự án năng lượng sạch, hiện tại nước Mỹ mới chỉ đạt 25% mục tiêu, trong khi cắt giảm các khoản tiền đầu tư cho giếng dầu đang góp phần đẩy giá lên trên 80 USD/thùng. Điều này có thể khiến cho Mỹ cũng như các quốc gia phát triển xem xét lại quá trình chuyển đổi nhiên liệu của mình.
Các thay đổi trong hệ tư tưởng, nếu có, sẽ thể hiện rõ ràng nhất Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 trong tháng tới. Năm nay, các quốc gia được kỳ vọng sẽ cập nhật mục tiêu về các cam kết khí thải.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV