Giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục đà giảm và hướng về vùng hỗ trợ 1650 trong vài phiên tới
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapdown và tiếp tục đà suy yếu. Lực bán áp đảo chủ yếu đến từ diễn biến chung của nhóm nông sản khi thị trường quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới mùa vụ đậu tương đang dần ổn định, lo ngại dần được xoa dịu trong khi ảnh hưởng gián tiếp từ tâm lí bán tháo khỏi các thị trường rủi ro vào cuối tuần vừa rồi đang gây sức ép tới giá mặt hàng này.
Hiện tại, không có quá nhiều thông tin ảnh hưởng mạnh tới cơ cấu cung cầu đối với đậu tương. Tình hình xuất khẩu ở Brazil vẫn đang được đẩy mạnh trong khi tiến độ chậm trễ không còn là yếu tố quá đáng lo ngại đối với mùa vụ đang diễn ra tại Mỹ. Tốc độ mùa vụ đang được đẩy nhanh, và cây trồng vẫn còn nhiều thời gian để cải thiện trong giai đoạn phát triển. Mặc dù, thời tiết đang được dự báo sẽ trở nên khô ráo và nóng hơn trong tháng 7 nhưng hiện tại, đậu tương tại Midwest vẫn đang nhận được nhiều tác động tích cực hơn do lũ lụt đã xảy ra liên tục trong vài tuần trước.
Ngoài ra, những chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu cọ của quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Indonesia giúp làm giảm bớt áp lực về nguồn cung dầu thực vật sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá dầu đậu tương. Điều này đồng nghĩa với việc đậu tương cũng sẽ mất đi 1 động lực tăng giá. Chính vì thế nên trong tuần này, chúng tôi sẽ đang thiên về việc mở vị thế bán hơn đối với đậu tương.
Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, nhìn trong khung dài hạn hơn giá đậu tương đang sideway và ở trong nhịp giảm hướng xuống vùng chặn dưới. Giá đậu tương tháng 7 đã giảm xuống dưới vùng kháng cự tâm lí 1700 và trong phiên hôm nay, giá sẽ khó có thể hồi phục trở lại và lấp đầy khoảng gapdown khi mở cửa.
Kịch bản suy yếu vẫn chiếm ưu thế đối với các mặt hàng cà phê trong tuần này
Kết thúc phiên tuần giao dịch 13/06 – 19/06, giá Arabica chỉ giảm nhẹ 1.4 cents, tuy nhiên biên độ dao động cả tuần lên đến 15 cents với diễn biến đảo chiều liên tục. Giá giảm mạnh đầu tuần, sau đó phục hồi mạnh trong 3 phiên liên tiếp rồi lại quay đầu giảm vào cuối tuần, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy được trước đó. Với diễn biến như vậy, rất khó tìm thấy sự liên kết nào giữa giá với các yếu tố cơ bản của riêng mặt hàng cà phê, mà phải đặt trong một bối cảnh chung của toàn thị trường tài chính, do cà phê là một trong những sản phẩm yêu thích của giới đầu cơ.
Hiện tại, giá cà phê Arabica đang có xu hướng “bearish” ngắn hạn trên một kênh tăng trung hạn, và giá đóng cửa tuần trước nằm ngay trên trendline. Do đó, tuần này có thể sẽ mang tính quyết định lớn cho hướng đi của giá trong thời gian tới và câu hỏi được quan tâm nhất ở thời điểm này sẽ là liệu xu hướng giảm có chuyển từ ngắn hạn thành trung hạn bằng cách phá vỡ trendline, hay giá sẽ phục hồi mạnh từ các vùng hỗ trợ quan trọng.
Về thời tiết, các vùng sản xuất chính ở Brazil hầu như sẽ khô ráo trong vòng 10 ngày tới, với nguy cơ xảy ra sương giá là tương đối thấp do không có khối không khí lạnh tăng cường từ phía nam đẩy lên. Đây là khung thời tiết thuận lợi cho hoạt động thu hoạch và là yếu tố “bearish” khá mạnh đối với giá.
Trong khi đó, lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn đang bao trùm lên hầu hết các nước phương tây, và gây hạn chế đối với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa tuần trước hiện đang giằng co ở mức thấp nhất trong vòng 18 tháng, khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt và trái phiếu chính phủ gia tăng. Qua đó, cũng sẽ gây bất lợi lên giá cà phê.
Giá đồng có thể tăng trở lại do tín hiệu kỹ thuật và những thách thức từ nguồn cung tại Chile
Giá đồng trong các phiên giao dịch vừa qua liên tục lao dốc trước áp lực về suy thoái kinh tế và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ gặp nhiều thách thức tại thị trường Trung Quốc. Sức ép từ các yếu tố vĩ mô và cung cầu đã đưa giá đồng xuống vùng hỗ trợ cứng 4 USD/pound. Trong phiên giao dịch sáng nay, biên độ dao động tương đối hẹp của giá đồng cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư trong việc đánh giá sức khoẻ nền kinh tế.
Đà giảm của giá đồng trong một vài phiên sắp tới có thể chậm lại trước một vài các thông tin từ nguồn cung gián đoạn và đồng thời được hỗ trợ bởi tín hiệu kỹ thuật. Theo hãng tin Reuters, các công nhân tại Codelco, công ty khai thác đồng lớn nhất trên thế giới thuộc sở hữu của Chile, đang đe doạ sẽ bắt đầu cuộc đình công trên toàn quốc vào ngày thứ Tư nếu như Chính phủ và Ban giám đốc không đầu tư nâng cấp nhà máy luyện Ventanas sau sự cố môi trường đã khiến hàng chục người bị ngộ độc trước đó. Nếu như cuộc đình công xảy ra thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng khi nguồn cung tại quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới bị gián đoạn, xoa dịu đà giảm do nhu cầu suy yếu trước lo ngại suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, dữ liệu mới nhất đang cho thấy từng bước phục hồi của ngành sản xuất ô tô điện sẽ là yếu tố ngăn cản giá đồng phá vỡ vùng hỗ trợ trong vòng hơn 1 năm qua. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó. Các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc đã xuất xưởng xe chở khách điện trị giá 1.2 tỷ USD, tăng 122% so với một năm trước đó và gần gấp ba lần so với tháng 4. Trung Quốc chiếm gần 60% xuất khẩu xe điện toàn cầu vào năm 2021 và xu hướng này tiếp tục vào năm 2022 trong khi nhu cầu về đồng trong xe điện được sử dụng gấp 4 lần xe hơi thông thường. Thị trường đồng nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ trước những dữ liệu tích cực này.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng bật lên từ vùng hỗ trợ cứng 4 USD/pound và đây là vùng chưa từng bị phá vỡ trong vòng hơn 1 năm qua. Nhiều khả năng giá sẽ tăng trở lại với biên độ dao động thấp. Các nhà đầu tư có thể mở lệnh mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.13 USD/pound.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng khi khả năng nguồn cung dầu Nga bị gián đoạn gia tăng
Giá dầu tiếp đà phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay, khi lo ngại về nguồn cung dầu thiếu hụt một lần nữa lại trở thành yếu tố hỗ trợ giá dầu WTI quay trở lại vùng 110 USD/thùng.
Thông tin Mỹ và các đồng minh thảo luận để áp đặt trần giá lên dầu thô nhập khẩu từ Nga là một trong các thông tin được quan tâm nhất hiện tại. Nếu được thông qua, đây sẽ là động thái mới nhất của các nước phương Tây để tác động vào thị trường dầu, sau khi đầu tháng này EU thông báo sẽ cấm dần nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga trong cuối năm nay. Theo kịch bản tốt đẹp nhất, phía Nga sẽ chấp nhận trần giá, đổi lại Nga có thể được phép mua các hợp đồng bảo hiểm cho các tàu chở dầu, một trong các điều kiện tiên quyết để đảm bảo tìm được người mua loại dầu chịu nhiều nguy cơ cấm vận. Tuy nhiên, cũng có khả năng Nga sẽ tìm cách “trả đũa” các nước phương Tây, sau khi đã chịu nhiều đòn trừng phạt kinh tế. Tuần vừa rồi, Nga cũng đã cắt giảm lượng lớn khí tự nhiên vận chuyển đến châu Âu, khiến cho giá khu vực TTF tăng mạnh.
Về mặt kỹ thuật, lực bắt đáy tiếp tục duy trì ngay từ khi giá chạm vùng 107.5 US/Dthùng, kết hợp với các thông tin cơ bản đã giúp giá vượt qua đường EMA34 tại biểu đồ giờ, ngay tại khu vực hỗ trợ tại 110-110.2 USD/thùng. Khả năng cao giá sẽ duy trì đà tăng trong 1-2 phiên tới và test lại kháng cự vùng 112 USD/thùng. Có thể canh mua dầu WTI kỳ hạn tháng 8 khi giá tại vùng 110-110.5 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 1.5-2 USD/thùng.
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV