menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 22/4/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:01 22/04/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 22/4/2021.

Giá ngô phá vỡ kháng cự tâm lí, tiếp tục xu hướng tăng mạnh

Phiên giao dịch 21/04 vừa qua đã nối dài chuỗi phiên tăng của ngô, khi giá hợp đồng ngô tháng 7 đãnhảy vọt lên mức 606.75 cents/giạ, cao hơn2.45%. Đầu phiên, giá ngô diễn ra khá giằng co nhưng càng về cuối phiên, lực cầu ngày càng được dâng cao đã giúp củng cố sắc xanh của ngô. Những lo ngại về nguồn cung do thời tiết gieo trồng không thuận lợi tại Mỹ và Brazil tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho giá ngô.

Những bất ổn về khí hậu diễn ra ở cả 2 nguồn cung ngô cho toàn cầu lớn nhất. Sản lượng ngô vụ 2 ở Brazil được cho là sẽ bị cắt giảm do thời tiết khô hạn, thiếu hụt lượng mưa ở các bang sản xuất chính. Trong khi đó, ở Mỹ, dự báo thời tiết cho thấy khu vực vành đai ngô đang xảy ra lạnh giá, băng tuyết trên diện rộng. Mức nhiệt thấp như vậy sẽ làm chậm tiến độ mùa vụ và ảnh hưởng tới quá trình nảy mầm của hạt. Thời tiết bất lợi kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ngô và gây ra thiệt hại tới sản lượng của vụ mùa năm nay. Điều này là lí do khiến cho giới đầu cơ liên tục mua ròng ngô và đẩy giá ngô lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.

Ngược lại, đứng trước nguy cơ nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt,Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa phát hành khuyến nghị giảm tỷ lệ ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự kiến sẽ giúp giảm 40-50 triệu tấn ngô tiêu thụ. Tuy nhiên, thông tin này có thể sẽ không thể tạo sức ép lớn lên giá ngô bới nhu cầu của Trung Quốc có khả năng sẽ tăng mạnh với sự hồi phục của đàn lợn sau dịch tả châu Phi và việc các công ty có lựa chọn thay thế ngô hay không sẽ còn phụ thuộc vào chi phí.

Nhà đầu tư sẽ cần chú ý vào báo cáo Doanh số Xuất khẩu mà Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố vào 19h:30 tối hôm nay. Trước thềm báo cáo, giới phân tích kì vọng xuất khẩu ngô tuần kết thúc ngày 15/04 sẽ nằm trong khoảng từ 300-800 nghìn tấn.

Mở cửa phiên hôm nay, giá ngô được giao dịch ở mức 605.00 cents/giạ và phe mua đang áp đảo. Trên biểu đồ kĩ thuật, giá ngô đang dao động trong kênh xu hướng đi lên với các chỉ báo đều cho tín hiệu tích cực. Có khả năng, trong vài phiên tới, giá ngô sẽ có điều chỉnh để có thể tiến xa hơn tới mốc 633 nếu duy trì được trên mốc hỗ trợ 600.

 

Giá đường có thể cần điều chỉnh trước khi vượt kháng cự quan trọng

Kết thúc phiên giao dịch 21/04, giá cà phê trên 2 sàn diễn biến trái chiều nhau, trong khi giá đường tiếp tục tăng hơn 1% bất chấp xu hướng giảm mạnh của dầu thô.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US giảm nhẹ 0.19% với khoảng dao động đúng như dự đoán trước đó của MXV News.

Một loạt các thông tin tiêu cực về dịch Covid-19 đang bao trùm lên thị trường. Ấn Độ ghi nhận hơn 250,000 ca dương tính mới cùng 1,700 ca tử vong. Trong khi đó, Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp với 3 thành phố lớn Tokyo, Osaka, Hyogo từ 29/4 - 9/5, thời điểm trùng với đợt nghỉ lễ “Tuần lễ Vàng” khiến cho nhu cầu tiêu thụ có khả năng sụt giảm mạnh.

Về mặt kỹ thuật, đường MA20 và đướng Tenkan của chỉ báo Ichimoku đang làm khá tốt vai trò hỗ trợ. Bên cạnh đấy, đường MACD đang có dấu hiệu có khả năng cắt lên trên đường Signal cho thấy xác suất tăng vẫn nhỉnh hơn. MXV News dự đoán giá sẽ tiếp tục test lại mức kháng cự tâm lý 135 cents và có thể giằng co với biên độ 2 cents quanh mức này từ nay đến hết tuần.

 

Giá đồng được dự báo sẽ quay đầu giảm khi Trung Quốc tìm cách bình ổn giá

Đóng cửa ngày giao dịch 21/4, giá đồng tăng mạnh 1.57%, kết phiên lên mức 4.279 USD/pound, nhờ nhu cầu được báo cáo ổn định tại Trung Quốc, trong khi sản lượng đồng quý I tại các tập đoàn khai thác lớn trên toàn cầu đồng loạt cho thấy sự suy yếu.

Chỉ số Dollar Index tiếp tục đà giảm trong phiên hôm qua, xuống còn 91.16 điểm, từ đó hỗ trợ cho các mặt hàng kim loại được niêm yết bằng đồng USD. Đồng hiện đang được giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua khi giá được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố “bullish”.

Hàng loạt các tập đoàn sản xuất đồng đã công bố báo cáo sản lượng quý I/2021 trong vài ngày vừa qua. Kể từ đầu tuần này, các nhà sản xuất đồng lớn như BHP, Antofagasta tại Chile, hay sản lượng đồng tại Kazakhstan đều báo cáo giảm. Trong khi đó, lực cầu trên thế giới vẫn được duy trì ổn định, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, kim loại đồng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tại Trung Quốc và nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới đã chỉ rõ rằng quốc gia này không muốn giá nguyên liệu thô tăng lên cao hơn nữa. Theo đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện những biện pháp để bình ổn giá cả và tăng cường kiểm soát thị trường sau khi giá tăng phi mã trong thời gian qua. Giá cả hàng hóa tăng mạnh, vốn được thúc đẩy bởi chi phí nguyên liệu thô cao, sự phục hồi trong nhu cầu và gia tăng đầu cơ trên thị trường tài chính, đã khiến chi phí sản xuất của các nhà máy Trung Quốc tăng, cũng như lợi nhuận biên giảm.

 

Giá dầu giảm mạnh do tác động của dịch COVID, triển vọng tiêu cực

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua dầu WTI giảm 2.11% xuống 61.35 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1.88% xuống 65.32 USD/thùng. Như vậy dầu thô đã có 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trong tuần này.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên cao nhất từ trước đến nay, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự gia tăng kỷ lục số lượng các ca nhiễm COVID mới tại Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 châu Á. Điều này làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu trong khu vực. Việc Ấn Độ buộc phải tiến hành phong tỏa tại nhiều khu vực sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai tiêm phòng vắc-xin tại nhiều quốc gia khác, do nước này là công xưởng sản xuất vắc-xin lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đấy, khả năng Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp với 3 thành phố lớn Tokyo, Osaka, Hyogo từ 29/4-9/5 trùng với đợt nghỉ “Tuần lễ Vàng” - thời điểm mua sắm và du lịch lớn trong năm - sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nền kinh tế của nước nhập khẩu dầu lớn thứ 4 thế giới.

Thêm nữa, nguồn cung có xu hướng tăng, gây áp lực lên giá dầu. Báo cáo tồn kho dầu tuần 16/04 do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm qua cho thấy tồn kho dầu tăng 0.6 triệu thùng, ngược với mức giảm 2.9 triệu thùng thị trường dự đoán. Trong khi đó, phó thủ tướng Nga cho biết cuộc họp tuần tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc đánh giá tình hình môi trường dầu mỏ hiện tại thay vì sửa đổi mức gia tăng sản lượng dự kiến 350,000 thùng/ngày trong tháng Năm. Saudi Arabia cũng có kế hoạch tăng sản lượng thêm 250,000 thùng/ngày từ mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đưa ra trong tháng 2.

Nguồn:VITIC/Tradingcharts

Link gốc