menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 22/9/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:10 22/09/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 22/9/2021.
Giá đậu tương có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục kĩ thuật trong bối cảnh các thông tin cơ bản mới đều không tác động mạnh
Đậu tương tiếp tục diễn biến ngược chiều với 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại trong phiên mở cửa sáng nay. Giá đậu tương đầu phiên chỉ giằng co và đang giảm nhẹ trở lại sau phiên hồi phục quanh vùng hỗ trợ kỹ thuật 1260.
Trong suốt đợt giảm kể từ vùng đỉnh hồi đầu tháng 6, giá đậu tương vẫn có những nhịp hồi phục, tuy nhiên mô hình giá đang cho thấy áp lực bán đang dần mạnh lên, mức hồi phục từ những nhịp tăng ngắn cũng ngày càng nhẹ hơn. Điều này được lí giải bởi kỳ vọng nguồn cung đậu tương thế giới sẽ bớt áp lực khi bước vào giai đoạn thu hoạch ở Mỹ và khởi đầu hoạt động gieo trồng ở Brazil đang tích cực hơn so với năm ngoái. Nhưng nếu so với trung bình các năm trước, tỉ lệ tồn kho/ sử dụng niên vụ 2021/22 mặc dù tăng lên sau báo cáo Cung – cầu thế giới tháng 9 nhưng vẫn đang ở mức thấp.
Chình vì thế nên giá sẽ khó quay trở lại ngay vùng hỗ trợ 1260 mà sẽ đi ngang trong ngắn hạn cho đến lúc xu hướng mới được xác nhận khi giá phá vỡ 1 cạnh của tam giác biên độ dao động giá được tạo bởi hỗ trợ 1260 và đường trendline hướng xuống từ với đỉnh ngày 07/06.
Khánh Linh
 
Giá của hai mặt hàng cà phê có thể lao đao vì những cơn mưa ở vành đai cà phê Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/09, giá cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng. Giá Arabica tăng 0.31% lên 183.35 cents/pound, giá Robusta tăng 0.37% lên 2160 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 47% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong hôm qua, Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil đưa ra báo cáo cho biết tổng sản lượng cà phê hai loại của Brazil dự kiến đạt 46,9 triệu bao, giảm 25.7% so với cùng kỳ năm trước, riêng sản lượng Arabica chiếm 30.7 triệu bao và giảm gần 37% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản lượng của bang trồng cà phê chủ đạo của Brazil là Minas Gerais dự kiến chỉ đạt 21.4 triệu bao, giảm 38% so với niên vụ trước đó. Sản lượng Robusta tăng 12.8% đạt 16.5 triệu bao.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và sương giá đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất gieo trồng cà phê, trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 8 đầu năm của Brazil tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tin tức được đưa ra không có yếu tố bất ngờ nhưng cũng đủ để hỗ trợ cho giá Arabica tăng, tuy nhiên, đà tăng có thể không kéo dài bởi dự báo thời tiết cho thấy, các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil như Minas Gerais và Sao Paulo sẽ có mưa. Đây là yếu tố tích cực cho mùa vụ ở Brazil nhưng lại là yếu tố tiêu cực đối với giá.
 
FED có thể duy trì lập trường ôn hòa và hỗ trợ cho giá của hai mặt hàng kim loại quý
Kết thúc phiên 21/9, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt bật tăng trở lại. Giá bạc tăng gần 2% lên 22.51 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng gần 6% lên 951 USD/tấn. Đáng chú ý, đây là mức tăng lớn nhất đối với giá bạch kim trong vòng 6 tháng.
Cả hai mặt hàng kim loại quý phục hồi nhờ vào lực bắt đáy của các nhà đầu tư ở các khu vực hỗ trợ quan trọng. Bên cạnh đó, khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande cũng khiến cho nhu cầu dịch chuyển dòng vốn vào các tài sản an toàn cao hơn, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim đi lên. Sự suy yếu của đồng bạc xanh cũng là một yếu tố giúp cho lực mua áp đảo trong phiên hôm qua.
Trong ngày hôm nay, thị trường sẽ đổ dồn sự chú ý về cuộc họp công bố lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Rất có thể FED sẽ duy trì lập trường ôn hòa và trì hoãn kế hoạch cắt giảm quy mô thu mua trái phiếu đến kỳ họp tháng 11 để chờ đợi nền kinh tế hồi phục ổn định hơn. Đồng USD vì thế có thể giảm và hỗ trợ cho giá hai mặt hàng kim loại quý đi lên.
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng sau Báo cáo Dầu khí tối nay
Giá dầu thô tăng nhẹ sau 1 phiên giao dịch đầy biến động. WTI tăng nhẹ 0.5% lên 70.49 USD/thùng, Brent tăng 0.68% lên 73.57 USD/thùng khi thị trường tập trung vào nguồn cung thắt chặt tại Mỹ.
Mặc dù gặp áp lực trong phiên tối, tuy nhiên giá dầu vẫn giữ được đà tăng và đang trong giai đoạn tích luỹ để bứt phá. Các yếu tố hỗ trợ mạnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ tiếp tục giữ vững bất chấp tình hình dịch khiến cho tồn kho giảm 6.1 triệu thùng trong tuần kết thúc 15/09, theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API. Trong khi đó, đồng USD hạ nhiệt cũng hỗ trợ cho đà tăng của dầu.
Bên cạnh dầu, khí tự nhiên vẫn đang duy trì ở mức cao, bất chấp các phiên điều chỉnh gần đây. Bất chấp các kêu gọi chuyển dịch tiêu thụ sang các năng lượng sạch, điểm yếu của chúng là không thể duy trì nguồn cung ổn định. Tại Đức, trong 2 tuần đầu tháng 9, sản lượng điện từ các turbin gió giảm 50%, trong khi hạn hán tại Brazil từ mấy tháng trước khiến cho thuỷ điện không được đảm bảo. Do đó, mùa đông này nhiều khả năng các nước sẽ vẫn phải gia tăng sử dụng khí tự nhiên và dầu để sưởi ấm, bất chấp chủ trương bảo vệ môi trường họ đề ra. Điều này sẽ gây áp lực lên nguồn cung, khi sản lượng không gia tăng kịp với nhu cầu trong khi tồn kho cũng đang ở mức thấp: Tồn kho dầu thô đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019, trong khi tồn kho khí tự nhiên ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, khi mà xuất khẩu tăng vọt hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái do mức giá hấp dẫn ở thị trường châu Á.
Hồng Hoa 

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc