Dầu đậu tương khó có thể vượt qua vùng kháng cự 66.5 trong phiên hôm nay do các thông tin cơ bản hiện tại đang có tính "bearish"
Bắt đầu phiên giao dịch cuối tuần, đậu tương đang hồi phục nhẹ sau cú lao dốc trong tối ngày hôm qua. Dưới góc nhìn kỹ thuật giá vẫn đang biến động trong khoảng đi ngang được thiết lập trong 2 tuần qua, với chặn trên là vùng 1487. Trong phiên hôm nay, giá có thể sẽ diễn biến giằng co, khi mà các thông tin cơ bản vẫn đang khá trái chiều.
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc nhiều khả năng tăng mạnh trong năm tới, khi tồn kho khô đậu của nước này có thể sẽ ở mức thấp nhất trong lịch sử. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và đậu tương thường được chế biến thành khô đậu để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trong năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi thấp đã khiến nhu cầu tiêu thụ khô đậu sụt giảm, từ đó khiến nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc suy yếu. Tuy nhiên, với việc lợi nhuận được cải thiện, chính sách Zero-COVID được dỡ bỏ và tồn kho khô đậu tương thấp kỷ lục, các đơn hàng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong năm sau. Dù vậy, xét trong ngắn hạn, nhu cầu từ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục hạn chế khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại nước này. Theo các chuyên gia, quốc gia tỷ dân có thể phải vật lộn với đợt bùng phát được cho là lớn nhất thế giới từng được chứng kiến, với số ca nhiễm có thể vượt qua mốc 1 triệu. Làn sóng dịch bệnh được cho là sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết tháng 03 năm sau. Điều này nhiều khả năng sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu đậu tương trong những tháng gần đây.
Một thông tin cũng cần được lưu ý là nông dân tại bang Mato Grosso của Brazil đã bắt đầu thu hoạch đậu tương. Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết công việc được diễn ra tại các vùng trồng đậu tương sớm tại phía tây. Thời tiết thuận lợi trong năm nay đã hỗ trợ đậu tương phát triển thuận lợi và đẩy nhanh tốc độ mùa vụ. Đây có thể sẽ là thông tin ngăn cản đà hồi phục của giá.
Dầu đậu tương diễn biến khá giằng co trong sáng này và giá chỉ biến động trong biên độ hẹp. Trong tuần này, Trung Quốc, đã báo cáo gần 3,000 ca nhiễm mới hằng ngày. Nhiều báo cáo cho thấy các bệnh viện của nước này đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân với nhiều ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 tại nước này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ trong thời gian tới. Điều đó đang khiến thị trường lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật tại Trung Quốc bị sụt giảm và gây sức ép lên giá.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá Arabica khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu. Trong đó, Robusta giảm mạnh hơn với 0.96% do số liệu xuất khẩu cà phê tích cực trong nửa đầu tháng 12 của Việt Nam, quốc gia cung ứng mặt hàng này số 1 thế giới. Với Arabica, giá giảm sau 2 phiên tăng trước đó khi USDA cắt giảm nhu cầu tiêu thụ trong niên vụ 22/23 tại 2 thị trường chính là Mỹ và EU.
GDP của Mỹ được điều chỉnh tăng lên 3.2% tính đến hết quý III/2022, cáo hơn mức 2.9% được Bộ Thương mại bao cáo trước đó. Điều này cho thấy sức khỏe nền kinh tế của Mỹ chưa thực sự đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại. Kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ cà phê có thể không giảm mạnh như những gì thị trường đang lo ngại. Thông tin này sẽ là yếu tố gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Về mặt thời tiết, thông tin lượng mưa lớn vào khoảng 150 mm đổ bộ vào Minas Gerais, vùng chiếm 30% sản lượng cà phê của Brazil tiếp tục là sự quan tâm của thị trường. Lượng mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng ngập úng đối với cây cà phê, khiến cho sản lượng trong niên vụ tới có khả năng suy giảm.
Giá đồng có thể sẽ giằng co trước khi phản ứng mạnh với dữ liệu lạm phát tiêu dùng cá nhân Mỹ
Thị trường đồng trong phiên hôm nay nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh với dữ liệu lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11 được công bố vào tối nay.
Hiện tại, giá đồng đang ghi nhận đà phục hồi sau phiên giảm mạnh hôm qua trước một vài tín hiệu kỹ thuật. Giá bật lên từ vùng hỗ trợ 3.75 USD/pound và đồng thời cũng chạm cạnh dưới của kênh xu hướng lên. Mặc dù bức tranh tiêu thụ vẫn còn đang khá eo hẹp do sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc khi nền kinh tế này đang dần hướng tới sự mở cửa. Hiện tại, mức độ tắc nghẽn tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên Đán đầu năm. Theo Bloomberg, một nửa trong tổng số 25 triệu dân cư tại Thượng Hải đang được dự báo sẽ bị nhiễm bệnh trong tuần tới. Điều này sẽ gây ra một số gián đoạn nhất định trong hoạt động kinh doanh sản xuất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh đạt đỉnh và lắng xuống, nhu cầu có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và các nhà đầu tư dường như đang cho thầy xu hướng kỳ vọng nhiều hơn về điều này. Kim loại đồng sẽ khó có thể quay đầu về dưới vùng 3.70 USD/pound trong thời gian tới.
Tâm điểm trong phiên tối sẽ là dữ liệu PCE của Mỹ trong tháng 11. Các dự báo hàng quý cho thấy quan chức Fed hiện kỳ vọng lạm phát cơ bản - không bao gồm lương thực và năng lượng - sẽ kết thúc năm nay vào khoảng 4.8%, tăng so với con số 4.5% mà họ dự báo vào tháng 9. Biểu đồg dot-plot trong cuộc họp Fed vừa qua cho thấy PCE lõi trung bình đạt khoảng 3.5% trong năm sau và con số đó vẫn cách xa mục tiêu của Fed. Nếu vậy, Fed có thể sẽ đẩy lãi suất lên cao và duy trì trong thời gian dài, khiến rủi ro suy thoái gia tăng. Trong trường hợp PCE lõi cao hơn con số 4.7% mà thị trường dự đoán, lo ngại Fed tiếp tục thắt chặt có thể đẩy đồng USD phục hồi và giá đồng sẽ gặp áp lực trở lại do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn.
Các yếu tố kỹ thuật ủng hộ giá dầu tăng, nhưng sức mua có thể bị hạn chế bởi tức lạm phát tiêu cực
Giá dầu tăng nhẹ trong sáng nay khi đồng USD giảm mạnh, thúc đẩy sức mua tạo lực đỡ cho thị trường.
Thanh khoản trong các phiên của tuần này giảm rõ rệt khi Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm. Bên cạnh đó, số lượng các tin tức về thị trường cũng giảm bớt, vì thế mức độ biến động và giằng co của các phiên đang tăng lên.
Hiện những kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi vẫn phần nào hỗ trợ cho giá, tuy nhiên lực đỡ này không quá chắc chắn, và khiến cho giá dầu rất “nhạy cảm” với các tin tức tiêu cực.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý về Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số PCE hiện đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt và sẽ củng cố cho việc giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed. Nếu kịch bản tích cực này xảy ra, giá dầu sẽ hồi phục nhờ sự suy yếu của đồng USD.
Trái lại, nếu chỉ số PCE tiêu cực hơn so với dự báo, và tăng trở lại, giá dầu sẽ lao dốc mạnh hơn bởi đây là tin tức bất ngờ hơn với thị trường, sau khi các số liệu CPI và PPI gần đây được công bố đều tích cực.
Về phía các tin tức liên quan tới nguồn cung, mới đây, Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak cho biết nước này có thể giảm sản lượng từ 500,000 đến 700,000 thùng mỗi ngày. Động thái đáp trả của Nga trước một loạt các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ và Úc có thể là yếu tố góp phần hạn chế sức bán đối với thị trường dầu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)