menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 23/8/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:22 23/08/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 23/8/2021.
Nhu cầu nhập khẩu được kích thích từ đợt giảm mạnh tuần trước sẽ là yếu tố hỗ trợ giá ngô
Giá ngô đã trải qua tuần giảm giá liên tục trong tuần vừa qua ngay sau phiên thất bại khi nỗ lực hướng tới mốc 600. Giá đang phản ứng rất mạnh với các mốc kĩ thuật quan trọng, rơi mạnh khi xuống dưới vùng tích luỹ đi ngang trước đó nhưng sau đấy lực mua tại mức hỗ trợ 532 đã chặn lại đà giảm. Với đà hồi phục mạnh như trong phiên mở cửa sáng nay, có thể ngô sẽ quay trở lại vùng giá lình xình quanh 550.
Cuộc khảo sát chất lượng mùa vụ hàng năm - Crop Tour 2021 đã kết thúc với mức năng suất cuối cùng đạt mức kỉ lục là 177 giạ/mẫu. Đây là lần thứ 4 hiếm hoi trong lịch sử kết quả khảo sát cao hơn ước tính tháng 8 của USDA. Thông tin này sẽ đối trọng lại với đánh giá tiêu cực về chất lượng mùa vụ của USDA và khiến giá ngô có thêm lí do để quay lại vùng đi ngang cân bằng giữa 2 bên mua-bán trước khi báo cáo Cung-cầu được công bố.
Khánh Linh
 
Thị trường cà phê loay hoay tìm động lực bứt phá
Hai mặt hàng cà phê có tuần đầu tiên diễn biến trái chiều sau khi đi cùng nhau trong 5 tuần liên tiếp trước đó. Đóng cửa tuần qua, hợp đồng cà phê Arabica tháng 12 trên sở ICE US giảm 2.3% còn 181.5 cents/pound, trong khi hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 trên sở ICE EU tăng 2.5% lên 1882 USD/tấn.
Biến thể Delta vẫn là một mối đe dọa lớn đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế trên toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn thế giới, khi mà các nước lại thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, những lo ngại về nguồn cung bị tổn thất do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil là không đủ để đưa giá bứt phá. Trái lại, giá Robusta có nhiều cơ hội hơn để tăng giá khi mà chênh lệch giá giữa hai sở vẫn cao và duy trì ổn định ở mức 53% chiết khấu cho giá Robusta. Giãn cách và xu hướng làm việc tại nhà cũng khiến cho nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan tăng lên và hỗ trợ cho giá cà phê Robusta. Đồng thời, sự lây lan của biến thể Delta khiến cho các hoạt động xuất khẩu ở hai nước sản xuất cà phê lớn là Việt Nam và Indonesia đều bị ảnh hưởng nặng nề cũng là một yếu tố “bullish” với giá Robusta.
Tiên Phạm
 
Kim loại quý tiếp tục đi ngang với biên độ rộng, giá Đồng có thể đảo chiều
Kết thúc tuần vừa qua, sắc đỏ bao trùm bảng giá của các mặt hàng kim loại. Hai mặt hàng kim loại quý là Bạc và Bạch kim giảm trung bình 3% xuống mức đóng cửa lần lượt là 23.11 USD/ounce và 994 USD/ounce.
Đồng USD vẫn là nhân tố chính gây sức ép lên giá của Bạc và Bạch kim. Chỉ số Dollar Index tăng lên mức 95.45 điểm, cao nhất trong vòng 3 tháng. Khả năng FED sẽ giảm bớt chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng ngày càng cao bởi thị trường lao động hồi phục ngày một tích cực. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp tuần vừa rồi giảm còn 348,000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nếu FED tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 sắp tới, giá cả hai mặt hàng kim loại quý sẽ giảm rất mạnh.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ hướng sự chú ý về cuộc họp Jackson Hole nhằm tìm kiếm những tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ không chỉ của FED mà còn của các Ngân hàng Trung ương lớn của khu vực EU, Anh Quốc, Nga, … Đồng USD có thể biến động mạnh sau cuộc họp này và giá của hai mặt hàng kim loại quý theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Tiên Phạm
 
Giá dầu dần phục hồi với khi tâm lý trên thị trường được cải thiện
Giá dầu giảm mạnh trong tuần vừa rồi với những lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế thế giới. Đóng cửa tuần, dầu WTI giảm 8.9% xuống 62.14 USD/thùng, dầu Brent giảm 7.66% xuống 65.18 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá đang phục hồi nhẹ với tâm lý thị trường dần được cải thiện. Singapore đang đẩy mạnh chương trình hành lang du lịch với các nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cao, bắt đầu với Đức và Brunei. Trong khi đó, Úc và New Zealand đang xet xét lại chiến lược “zero-Covid” của mình, với thủ tướng Úc thừa nhận nhiều khả năng nước này không thể đạt được mục tiêu đấy. Điều này, về lâu dài, có thể giúp các quốc gia tránh khỏi tình trạng “tự cô lập” và xây dựng các chính sách mới phù hợp hơn với tình hình thực tế. Chính phủ Trung Quốc cho biết chính sách kinh tế “xuyên chu kỳ” với các hành động sớm và các biện pháp được thực hiện trong khung thời gian dài sẽ giúp tránh các “cú sốc” kinh tế.
Hồng Hoa
Link gốc