menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 24/8/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:46 24/08/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 24/8/2021.
Tiến độ thu hoạch lúa mì vụ xuân được đẩy nhanh ở Mỹ là yếu tố tạo sức ép lên giá trong phiên mở cửa sáng nay
Giá lúa mì mặc dù hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua sau tuần giảm mạnh nhưng lực bán khá mạnh ở phiên tối vẫn tiếp tục kéo dài sang phiên sáng nay.
Khác với ngô, lúa mì vẫn duy trì được đà tăng trước đó là do nguồn cung suy giảm rõ rệt hơn ở các quốc gia sản xuất chính, đặc biệt là mức giảm nghiêm trọng trong sản lượng của Nga và Canada mà USDA ước tính. Chính vì thế, mặc dù liên tục giảm trong một vài phiên trước đó nhưng khi trở về vùng giá tích luỹ, lúa mì đã bật lên trở lại. Điều này cũng cho thấy, lo ngại về triển vọng nguồn cung vẫn đang là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá.
Báo cáo Crop Progress sáng nay của Bộ nông nghiệp Mỹ đã cho thấy giai đoạn thu hoạch lúa mì vụ xuân đang được thực hiện nhanh chóng. Cụ thể, tiến độ thu hoạch trong tuần trước đã đạt 77% sản lượng dự kiến, tăng lên từ mức 58% trong báo cáo trước và con số này cũng vượt xa mức trung bình của 5 năm trước đó là 55%.
Khánh Linh
 
Những cơn mưa ở Brazil trong tuần này có thể gây áp lực lên giá Arabica, giá Robusta có thể tiếp tục tăng mạnh
Kết thúc phiên ngày 23/8, sắc xanh áp đảo trên thị trường Cà phê. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0.2% lên 181.84 cents/pound, đồng thời, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 bứt phá 1.6% lên 1912 USD/tấn. Chênh lêch giữa hai sở vẫn ở mức 53% chiết khấu cho giá Robusta.
Ở thị trường cà phê Arabica, giá tăng nhẹ tuy nhiên vẫn chưa thoát khỏi khu vực đi ngang. Có thể thấy, lực mua và bán trên sở ICE US trong các phiên gần đây khá cân bằng bởi thị trường đang ở trong giai đoạn thiếu vắng tin tức có khả năng đưa giá bứt phá. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng không còn lý do để bán ra triển vọng dài hạn của thị trường vẫn rất sáng sủa. Nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ được phục hồi khi các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, trong bối cảnh sản lượng của niên vụ năm tới được có thể bị ảnh hưởng do các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Brazil. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết từ giữa tuần này, khu vực miền nam Brazil gồm những bang như Sao Paulo, Rio de Janeiro, và Minas Gerais sẽ xuất hiện mưa. Đây có thể là yếu tố Bearish với giá Cà phê trong ngắn hạn.
Tiên Phạm
 
Cơ hội nào cho các nhà đầu tư trong bối cảnh các mặt hàng kim loại đều ở trong xu hướng giảm?
Thị trường kim loại có một phiên giao dịch khởi sắc ngay từ đầu tuần. Giá Bạc tăng 2.35% lên 23.66 USD/ounce, giá Bạch kim cũng đóng cửa với mức tăng 2% lên 1014.1 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD trong phiên hôm qua đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm mạnh 0.6% về 92.96 điểm, bất chấp doanh số bán nhà tăng trưởng tốt trong tháng 7. Trong hôm qua, ngoài Bạc và Bạch kim, giá Vàng cũng tăng 1.4% và lấy lại mốc 1800 USD/ounce. Có thể thấy, dòng tiền đổ vào thị trường trú ẩn an toàn bởi giới đầu tư vẫn lo lắng biến thể Delta sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế trên toàn cầu và FED có thể tiếp tục duy trì gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng.
Tuy vậy, diễn biến của phiên hôm qua mang nhiều yếu tố kỹ thuật, bởi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng nên không tránh khỏi tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường kim loại quý cũng gặp rất nhiều sức ép trước sự hồi phục của thị trường tiền điện tử. Đồng Bitcoin vừa chạm mức 50,000 USD sau một thời gian dài giao dịch ảm đạm. Dòng vốn chảy vào thị trường kim loại quý có thể bị chia sẻ bớt khi rất nhiều quỹ đầu cơ lớn quan tâm tới các trend NFT hay Defi. Do đó, thị trường kim loại quý vẫn cần một chất xúc tác đủ mạnh để đưa giá bứt phá.
Chỉ số đồng bạc xanh đang ở khu vực hỗ trợ cứng, và tích lũy đi ngang. Từ đầu tháng 8 tới nay, chỉ số đang tích lũy trong một “kênh giá” hướng lên trên, do đó, trong những phiên sắp tới, đồng USD có thể phục hồi lên lại mức 93 điểm. Trong kịch bản ngược lại, nếu đường hỗ trợ bị phá vỡ, đây sẽ là tín hiệu mua rất tốt cho các nhà đầu tư kim loại quý.
Tiên Phạm
 
Giá dầu tiếp tục tăng với tình hình cải thiện tại châu Á
Giá dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần nhờ sự khởi sắc trên các thị trường chung. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 5.63% lên 65.64 USD/thùng, giá Brent tăng 5.48% lên 68.75 USD/thùng. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Nhiều phân tích cho thấy đà giảm của tuần trước của thị trường là “quá đà”, đặc biệt khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn diễn ra bất chấp các biện pháp tăng sản lượng của OPEC và việc Ấn Độ, Trung Quốc mở các kho dự trữ để hạ nhiệt giá sản phẩm nội địa. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết ông sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng thỏa thuận hạt nhân với Iran khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Washington vào ngày 26. Như vậy sẽ có thêm rào cản để ngăn nước này quay trở lại xuất khẩu dầu trong năm nay và ngăn nguồn cung tăng quá cao.
Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Mỹ tiếp tục giữ ở mức độ ổn định và tiệm cận với năm 2019 bất chấp dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực phía Nam, và kỳ vọng cho nhu cầu tại khu vực châu Á đang tiến triển dần, với thông lượng dầu tại Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. India Oil Corp, một trong những nhà máy lọc dầu hàng đầu cho biết tỷ lệ vận hành đạt 95.74% và sẽ đạt 100% trong thời gian tới, trong khi BPCL được biết là đã thu mua WTI trong thời điểm giá giảm.
Hồng Hoa
Link gốc