menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường khí gas tháng 10 và 10 tháng 2019

12:49 22/11/2019

Vinanet -Thị trường khí gas tháng 10/2019 chứng kiến giá khí điều chỉnh tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Nhập khẩu khí tăng về lượng nhưng kim ngạch sụt giảm. Dự báo sau năm 2020 nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và việc chậm triển khai các mỏ khí mới, theo như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí thì giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 – 4 tỷ m3 khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm, tăng lên 6 – 10 tỷ m3 mỗi năm sau đó.
Giá cả
Giá khí gas điều chỉnh tăng mạnh lên 24.000 đồng/bình 12 kg kể từ ngày 1/10/2019 - đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng tối đa là 330.000 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân giá gas tháng 10 tăng được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 427,5 USD/ tấn, tăng lên 72,5 USD mỗi tấn so với tháng trước. Vì vậy các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.
Đây là đợt tăng giá trở lại sau 4 tháng liên tiếp giá nhiên liệu này điều chỉnh giảm và đi ngang.
Đây là lần đầu tiên trong năm 2019 giá gas tăng mạnh nhất. Như vậy, kể từ đầu năm đến tháng 10/2019 giá gas đã 6 lần điều chỉnh tăng, tổng cộng tăng 66.000 đồng.
Biến động tăng/giảm giá khí gas trong nước và thế giới thời gian qua

Sản xuất
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên 10 tháng đầu năm 2019 giảm 2,5% (khai thác dầu thô giảm 7,2%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,9%).
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 10/2019 khai thác khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng trên 11% so với tháng 9/2019 đạt 797,4 triệu m3 khí, tăng 1,7% so với tháng 10/2018. Nâng lượng khí 10 năm 2019 lên 8555,1 triệu m3, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2018.
Khai thác khí hóa lỏng (LPG) trong tháng 10/2019 đạt 71,5 nghìn tấn, tăng 17,79% so với tháng 9/2019 nhưng giảm 1,1% so với tháng 10/2018. Nâng lượng khí LPG 10 tháng năm 2019 lên 814,3 nghìn tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, tháng 10/2019 cả nước đã nhập khẩu 151,63 nghìn tấn khí hóa lỏng, trị giá 74,28 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và 19,6% về trị giá so với tháng 9/2019.
Nâng lượng khí hóa lỏng nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2019 lên 1,46 triệu tấn, trị giá 721,48 triệu USD, tăng 19,5% về lượng nhưng giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Để đảm bảo nguồn cung, 55% nhu cầu LPG còn lại được nhập khẩu từ thị trường các nước như: Trung Quốc, Quata, Saudi Arabia và UAE. …
Trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc đại lục, chiếm 35,52% tổng lượng nhóm hàng, đạt 520,21 nghìn tấn, trị giá 272,85 triệu USD, giá nhập bình quân 524,51 USD/tấn, tăng 15,19% về lượng, nhưng giảm 1,49% trị giá, giá bình quân giảm 14,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 10/2019, Việt Nam cũng đã nhập từ Trung Quốc đại lục 49,96 nghìn tấn, trị giá 25,54 triệu USD, giảm 10,63% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá so với tháng 9/2019, nếu so với tháng 10/2018 thì giảm 0,88% về lượng và giảm 28,51% trị giá.
Đứng thứ hai là thị trường Qatar đạt 136,66 nghìn tấn, trị giá 63,98 triệu USD, giảm 25,28% về lượng và giảm 41,56% trị giá so với cùng kỳ 2018, giá nhập bình quân giảm 21,78% tương ứng với 468,15 USD/tấn.
Kế đến là các thị trường Kuwait, Nigeria, Thái Lan… Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm nay nguồn cung khí hóa lỏng cho Việt Nam có thêm các thị trường mới nổi như: Nigeria, Đài Loan (TQ) với lượng đạt lần lượt 129,13 nghìn tấn; 1,6 nghìn tấn.
Nhìn chung 10 tháng đầu năm 2019 lượng khí nhập từ các thị trường hầu hết đều tăng trưởng, trong đó tăng nhiều nhất ở thị trường Co Oét tăng gấp 4,1 lần (tức tăng 307,82%) về lượng và gấp 3,2 lần (tức tăng 222,32%) trị giá so với cùng kỳ, đạt 136,6 nghìn tấn, trị giá 56,19 triệu USD, giá nhập bình quân 411,27 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu khí từ các thị trường như UAE và Thái Lan, giảm lần lượt 56,5% và 40,01% về lượng tương ứng với 44,7 nghìn tấn; 89,7 nghìn tấn.
TOP 5 thị trường chủ lực cung cấp khí hóa lỏng trong 10 tháng năm 2019

Dự báo
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, năm 2019 dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%. Cùng với đó, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Việc dịch chuyển các dòng vốn FDI cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Để phục vụ nhu cầu này, nhiều dự án đầu tư về năng lượng tái tạo đang được triển khai, song vẫn còn một số khó khăn do lệ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch. Do đó, bên cạnh các dự án điện như mặt trời, điện gió thì việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho các nhà máy điện cũng là một hướng đi để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Theo dự báo, sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Thực tế hiện nay, tất cả những dự án khí nằm trong quy hoạch của Việt Nam, như dự án Sơn Mỹ, Cà Mau, Cát Hải, Thái Bình hiện vẫn chưa được xây dựng. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.
Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Hoegh LNG (Na Uy), ông Baptiste Debaene,cho rằng, khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần ủng hộ một khung quy định chính sách cho nhập khẩu LNG. Trong đó, cần chú trọng hài hòa hóa trong quá trình ra quyết định, những yếu tố về thuế, quy định...
Đại diện Hoegh LNG cho biết, LNG được coi là nguồn tin cậy, sạch hơn so với than và việc nhập khẩu cũng đảm bảo hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam, dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 - 4 tỷ m3 khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm, tăng lên 6 -10 tỷ m3 mỗi năm sau đó.

Nguồn: VITIC tổng hợp