Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá gạo FAO (2002-04 = 100) trung bình đạt 227,5 điểm vào tháng 9, giảm nhẹ so với tháng 8 và thấp hơn 1,6% so với cùng kì năm trước.
Tình hình lúa gạo trong nước theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, tính đến hết tháng 9, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3.123,9 nghìn ha, tăng 21,8 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 65,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng toàn vụ đạt 20,5 triệu tấn, giảm 133,1 nghìn tấn.
Về thu hoạch, theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2018, nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2019 ước tính đạt 11 triệu tấn, giảm 197 nghìn tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8,7 triệu tấn, giảm 96,6 nghìn tấn.
Đối với tình hình xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 9, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 586.000 tấn với giá trị đạt 251 triệu USD.
Lũy kế 9 tháng, khối lượng xuất khẩu ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỉ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 giảm 300 đồng xuống còn 4.000 đồng/kg, lúa OM 5451 tăng 100 đồng lên 5.100 đồng/kg; lúa OM4218 ổn định 4.800 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 – 11.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine 14.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông giảm 100 đồng xuống còn 4.200 đồng/kg; gạo IR50404 là 12.000 đồng/kg; gạo jasmine 14.000 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa Hè Thu muộn tăng 300 đồng lên 5.000 – 5.300 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giữ ở mức 5.200 đồng/kg; lúa OM 4218 giảm 100 đồng xuống 5.400 – 5.500 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.400 – 5.600 đồng/kg; lúa Jasmine tăng 100 đồng lên 5.700 – 5.900 đồng/kg.
Dự báo cho giá gạo tháng 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, gạo trong nước có thể giảm nhẹ do thiếu vắng nhu cầu mới, thị trường xuất khẩu gạo bế tắc trong thời gian tới.
Trong tháng 9, chính phủ Phillipines cho biết đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do quy định trong Đạo luật Cộng hòa số 8800 của nước này có đề cập Philippines có thể áp thuế 30-80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350.000 tấn.
Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, trong trường hợp nước này đã nhập khẩu quá 350 nghìn tấn, mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65%.
Theo Bộ NN&PTNT, điều này có thể trở thành một trong những nhân tố sẽ gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này thời gian tới.
Chi tiết về thị trường gạo quí III/2019 tại đây:
Nguồn: Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng