menu search
Đóng menu
Đóng

Tương lai kém tươi sáng của thị trường sắt thép thế giới

00:00 10/05/2020

Vinanet - Giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã mất khoảng 10% từ đầu năm tới nay. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ số giá hàng hóa CRB giảm 40%, trong đó riêng giá đồng giảm 15%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trong những tháng tới, dự báo giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép này sẽ giảm mạnh hơn nữa do Covid-19 khiến nhu cầu thép giảm mạnh hơn so với những mặt hàng khác.
Giá quặng sắt nhập khẩu giao ngay (hàm lượng 62%) tới Trung Quốc bước vào năm 2020 ở mức 93 USD/tấn, ngày 30/4/2020 chỉ còn 84 USD/tấn, dự báo sẽ giảm tiếp xuống 75 USD/tấn trong quý IV/2020.
Trong ngắn hạn, giá có thể sẽ vẫn tương đối ổn định, nhưng việc nhiều lò luyện thép phải đóng cửa và nguồn cung quặng sắt tăng dần sẽ gây áp lực giảm giá loại quặng này.
Colin Hamilton, Giám đốc điều hành của bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc BMO Capital cho biết: "Chúng tôi hy vọng giá quặng sắt mặc dù giảm nhưng sẽ không giảm quá sâu, và sẽ vẫn đủ mang lại lợi nhuận cho các hãng sản xuất lớn".
Bất chấp những chính sách hạn chế do Covid-19, nhu cầu tại Trung Quốc – nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới – vẫn cao do các chính sách kích thích kinh tế đem lại hy vọng nhu cầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, do ở Trung Quốc còn tồn tại nhiều lò cao luyện thép có chi phí đắt đỏ nên sẽ khó duy trì hoạt động trong trường hợp nhu cầu suy yếu kéo dài.
Cho tới thời điểm hiện tại, nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc vẫn cao. Kể cả trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc thì nhiều cơ sở sản xuất thép của nước này vẫn hoạt động ở công suất cao. Do nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc tăng nên lượng tồn trữ quặng ở các cảng biển nước này đã giảm 10% trong năm nay. 
Mặc dù vậy, “Chúng tôi thấy giá quặng sắt sẽ nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 70 USD/tấn, mặc dù hiện nay việc tồn trữ quặng ở Trung Quốc giảm thấp đang giữ cho giá mặt hàng này tương đối vững”, chuyên gia phân tích cấp cao của hãng tư vấn CRU cho biết.
Trong khi sản xuất thép ở Trung Quốc tăng lên, chính sách giãn cách xã hội/phong tỏa ở những nơi khác đã buộc các nhà sản xuất thép phải ngừng hoạt động vì thiếu vắng nhu cầu từ khách hàng, chẳng hạn như từ ngành sản xuất ô tô.
Tháng 3/2020, trong khi sản xuất thép thô của Trung Quốc giảm nhẹ 1,7% thì ở Liên minh Châu Âu giảm 20%, còn ở Nhật Bản giảm 10%.
Trung Quốc đã sản xuất 234,45 triệu tấn thép thô trong quý I/2020, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sử dụng lò cao tại 247 nhà máy thép của Trung Quốc đã tăng liên tiếp trong 6 tuần qua, từ 74% vào giữa tháng 3/2020 lên 80,59% ngày 24/4/2020, khiến cho sản lượng thép hàng tuần hiện đạt mức cao nhất trong vòng khoảng 4 tháng, theo số liệu của Mysteel.
Sản xuất thép cây đã tăng 43% kể từ giữa tháng 3/2020 đến nay, thép dây thanh tăng 31,6%, thép cuộn cán nguội và cán nóng tăng lần lượt 2,6% và 1,7%. Sản xuất thép xây dựng (thép cây và thép dây) tăng chủ yếu do kỳ vọng chính sách thúc đẩy cơ sở hạ tầng của nước này sẽ khiến hoạt động xây dựng tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, Covid-19 đang hủy hoại ngành thép toàn cầu khi ngành ô tô –khách hàng chính của ngành thép – phải dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành ô tô Châu Âu – vốn đã khó khăn từ trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong khi nhiều nhà máy ở Trung Quốc đang dần quay lại hoạt động thì xu hướng đóng cửa sản xuất đang lan rộng khắp thế giới, bao gồm cả tập đoàn ô tô số 1 toàn cầu là Volkswagen.
Doanh số bán ô tô ở Mỹ dự báo giảm trên 80% do các bang đều thực hiện cách ly.
Thị trường thép thanh Singapore chắc chắn sẽ tiếp tục trì trệ ít nhất tới quý 4/2020 do Covid-19.
Ngành thép Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn do chính sách giãn cách xã hội. Doanh số bán ô tô tháng 4/2020 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, chỉ đạt 270.393 chiếc (giảm 29% so với cùng tháng năm trước), sau khi đã giảm 34% trong tháng 3/2020.
Thị trường Châu Âu vốn đã bị suy yếu từ mấy năm nay, nay càng khó khăn hơn do Covid-19. Lợi nhuận ngành thép khắp châu lục đều thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Nhà phân tích hàng hóa Kieran Clancy thuộc Capital Economics nhận định: “Trong tương lai gần, ngành thép ở khắp các nơi trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ còn tiếp tục khó khăn; sản lượng thép toàn cầu chắc chắn sẽ giảm trong năm 2020 – lần giảm đầu tiên kể từ kể từ 2015.
Theo CRU, tại Châu Âu, 9 lò cao với công suất tổng cộng khoảng 19 triệu tấn thép/năm đã ngừng hoạt động, trong khi những lò khác có công suất tổng cộng khoảng 6 triệu tấn ở Mỹ cũng đã tạm đóng cửa.
Giá thép tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau kỳ nghỉ kéo dài sau Tết, và giá thép ở Châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung dư thừa.
Tại Trung Quốc, sản lượng thép toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong tháng 1 và 2/2020, khi các doanh nghiệp quốc doanh vẫn duy trì sản xuất dù Covid-19, dẫn đến lượng tồn kho lớn. Tồn trữ thép tại Trung Quốc ở thời điểm 27/3/2020 là 24,72 triệu tấn, gần gấp 3 mức 8,88 triệu tấn đầu tháng 1/2020, theo số liệu của SteelHome.
Giá thép tại Trung Quốc đã giảm xuống sau khi Covid-19 buộc nước này phải phong tỏa toàn quốc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Giá ở Châu Âu và Mỹ cũng chịu áp lực giảm do nhu cầu yếu và sản xuất dư thừa.
Giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ giảm gần 7% xuống 548 USD/tấn vào nửa cuối tháng 4/2020, và dự báo sẽ chỉ còn 525 USD/tấn trong nửa cuối năm 2020, theo chuyên gia David Gagliano của BMO Capital.
“Nguy cơ có thể tới 70-75 triệu tấn quặng sắt dư thừa cần tìm nơi dự trữ trong thời gian tới. Điều đó sẽ gây áp lực lên thị trường”, ông Hamilton cho biết.
Hiện có khoảng 85 triệu tấn công suất sản xuất thép nhàn rỗi ở EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Nếu hoạt động, số công suất này tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn quặng sắt mỗi tháng, theo nhà phân tích Myles Allsop của UBS.
Giá quặng sắt hiện đang ổn định một phần do ở Australia xảy ra các cơn lốc xoáy trong thời gian gần đây, còn ở Brazil bị mưa lớn, làm giảm lượng cung quặng từ hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, dòng chảy quặng sắt từ Australia nhìn chung đã trở lại bình thường, và các chuyến hàng từ Brazil cũng đang tăng dần, mặc dù hãng Vale (Brazil) dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng trong năm nay do nhu cầu yếu đi.
Các nhà phân tích có những dự báo khác nhau về mức độ giảm giá quặng sắt. Trong khi Morgan Stanlay dự báo giá sẽ giảm từ 83 USD/tấn trong quý II/2020 xuống 78 USD/tấn vào quý IV/2020, còn Liberum thì cho rằng giá sẽ xuống mức chỉ 50 USD/tấn trong năm nay.
Mặc dù vậy, lợi nhuận các hãng sản xuất quặng sắt chủ chốt trên thế giới như Vale, BHP và Rio được bù đắp bởi giá cước phí vận tải quặng sắt giảm mạnh do Covid-19.
Giá tham chiếu quặng sắt, bao gồm cả cước phí vận tải, và chỉ số tàu biển capesize (tàu chở hàng khô kích cỡ lớn, quặng sắt được chở bằng loại tàu này) năm nay đã xuống mức thấp nhất trong mọi thời đại.
 

Nguồn:VITIC/Reuters