menu search
Đóng menu
Đóng

Algeria thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Châu Phi

08:00 11/06/2018

Vinanet - Algeria là đối tác truyền thống của Việt Nam ở châu Phi với lịch sử hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có bước phát triển mới.

Với gần 39 triệu dân, nhu cầu của Algeria về cà phê, gạo, nông sản… là tương đối lớn. Algeria hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Phi

Theo số thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Algeria trong tháng 4 đạt 18,4 triệu USD, giảm 16,7% so với tháng 3, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, kim ngạch xuất sang thị trường này đạt 72,5 triệu USD, giảm 37,09% so với cùng kỳ 2017.
Việt Nam xuất sang thị trường Algeria chủ yếu mặt hàng cà phê và gạo, trong đó cà phê có kim ngạch xuất đạt cao nhất 10,9 triệu USD với lượng xuất trên 6 nghìn tấn, giá xuất bình quân ở mức 1825,52 USD/tấn, giảm 24,41% về lượng, 16,19% về giá và 18,22% kim ngạch so với tháng 3/2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 28,1 nghìn tấn cà phê sang thị trường Algeria, giá bình quân 1846,37 USD/tấn, đạt 51,9 triệu USD, tăng 26,78% về lượng và 7,53% về trị giá, mặc dù giá xuất bình quân giảm 15,19% so với cùng kỳ 2017.
Đối với mặt hàng gạo, lượng xuất trong tháng đạt 5,9 nghìn tấn, giá bình quân 435 USD/tấn đạt 2,5 triệu USD, tăng 70% về lượng, 5,66% về giá và 79,61% kim ngạch, nâng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này 4 tháng đầu năm 2018 lên trên 7 nghìn tấn, giá xuất bình quân 431,88 USD/tấn, đạt trên 3 triệu USD, giảm 60,28% về lượng và 56,28% về kim ngạch, tuy nhiên giá xuất bình quân tăng 10,08%.
Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, Algeria mở rộng danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu từ 851 mặt hàng lên 877 mặt hàng.
Nhằm tăng cường các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước và giảm gánh nặng nhập khẩu trên cán cân thương mại, ngày 25/5/2018, Chính phủ Algeria đã ban hành danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu mở rộng từ 851 mặt hàng lên 877 mặt hàng. Những mặt hàng mới chủ yếu bao gồm hàng thành phẩm của ngành công nghiệp thủy tinh và nhôm.
Trước đó, kể từ tháng 1/2018, Bộ Thương mại đã ban hành lệnh tạm ngừng nhập khẩu đối với 45 nhóm thành phẩm (liên quan đến 851 mặt hàng) gồm phô mai, sữa chua và các sản phẩm sữa, trái cây khô, trái cây tươi (trừ chuối), rau tươi (trừ tỏi), thịt (trừ thịt bò), sản phẩm làm từ ngô, sản phẩm làm từ thịt, sản phẩm làm từ cá, xi rô glucoza, kẹo cao su và kẹo, sô-cô-la, sản phẩm kiểu thành Viên (gồm bánh sừng bò, bánh sô-cô-la, bánh xốp), các loại mì ống, sản phẩm từ ngũ cốc, rau đóng hộp, cà chua chế biến và đóng hộp, mứt và thạch, trái cây đóng hộp hoặc chế biến, nước ép, thức ăn, nguyên liệu làm canh, cháo, nước khoáng, ớt, hương liệu, giấy vệ sinh, dextran và các loại tinh bột khác, sản phẩm nhựa thành phẩm và bán thành phẩm, các loại thùng bằng gỗ, thảm, các sản phẩm làm từ asphalt, đá hoa cương và granit thành phẩm, gốm thành phẩm, kính và thủy tinh, máy gặt đập, vòi bơm nước, sợi và cáp, máy kéo nông nghiệp, bàn ghế, đèn chùm, chất tẩy, xi măng, đồ gia dụng và điện thoại di động.
Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể tham khảo danh mục hàng cấm nhập khẩu theo các đường link gửi kèm:
https://www.joradp.dz/FTP/jo-francais/2018/F2018029.pdf
https://www.algerie-eco.com/2018/05/25/la-nouvelle-liste-des-marchandises-interdites-a-limportation-elargie-a-877-produits/

Nguồn:Vinanet