Sau thời gian gặp khó, xuất khẩu cá tra cả năm 2023 có thể đạt 1,77 tỷ USDXuất khẩu cá tra tìm đường vượt khó
Đây là kết quả tích cực sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013-2023)
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, thị trường Hoa Kỳ đứng Top 1 thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm 2015, 2016. Thời điểm này là sau 2 năm Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013. Kể từ năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 2, sau Trung Quốc và Hong Kong, chiếm tỷ trọng khoảng 22%.
Tính tới ngày 15/8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ là thị trường không mấy lạc quan của cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm nay do lạm phát, kinh tế suy giảm, đặc biệt là tồn kho cao do thị trường này nhập khẩu nhiều vào nửa đầu năm 2022. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ nhập khẩu cá tra của cường quốc này chậm lại trong những tháng đầu năm nay.
Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ dao động ở mức 2,97 – 3,45 USD/kg trong 6 tháng đầu năm nay. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Hoa Kỳ.
Top 3 doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ bao gồm: Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông, Vạn Đức Tiền Giang chiếm tỷ trọng giá trị lần lượt là 51%, 18%, và 11%.
Cũng theo thông tin từ VASEP, cùng với cá tra, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ đều có doanh số tăng đột phá sau 10 năm. Năm 2022, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đạt kỷ lục 2,1 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Riêng xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD năm 2022; cá ngừ tăng gấp đôi từ 244 triệu USD lên 489 triệu USD. 3 ngành hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ. Còn lại là hải sản khác (cá biển, cua ghẹ và giáp xác khác, mực bạch tuộc, nhuyễn thể…) đạt 547 triệu USD.
8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022, do khó khăn chung của thị trường thế giới như lạm phát, giá trung bình xuất khẩu giảm. Riêng với thủy sản, vấn đề tồn kho của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ từ nửa cuối năm 2022 cũng là một nguyên nhân chính khiến cho nhập khẩu của thị trường chậm lại, nhất là 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Do vậy, tới hết tháng 8/2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 30%, xuất khẩu cá tra giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Hoa Kỳ đồng thời cũng là đối tác cung cấp một số mặt hàng hải sản quan trọng cho thị trường Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Hoa Kỳ sang Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD mỗi năm, với những mặt hàng chính gồm cá hồi, cá trích, cá bơn, cá minh thái, cá tuyết…
Phần lớn các hải sản đó được các đối tác Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam để gia công, chế biến và xuất khẩu trở lại thị trường này. Hoạt động này cũng mang thêm doanh thu cho doanh nghiệp Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.
Ngày 7/9/2023, Văn phòng Đăng ký liên bang Hoa Kỳ (Federal Register) đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn (1/8/2021 - 31/7/2022).
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam: Vĩnh Hoàn Corp và Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) là bị đơn bắt buộc. Vĩnh Hoàn Corp có thuế là 0, Caseamex là 0,14 USD/kg. Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty Cổ phần Hùng Vương. Mức thuế sơ bộ POR19 giảm so với kết quả cuối cùng của POR18 trước đó.
Nguồn:Bảo Ngọc/congthuong.vn/