menu search
Đóng menu
Đóng

Dự phòng rủi ro trong hoạt động xuất khẩu

11:00 23/10/2024

Xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường tiềm năng trên thế giới, đưa nước ta trở thành điểm sáng trong nền kinh tế quốc tế.
 
Chính phủ Việt Nam đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt được đẩy mạnh nhằm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu và tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế. Song, khi "giao thương" càng lớn thì rủi ro trong hoạt động xuất khẩu đi kèm càng nhiều. 
Các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu hàng hoá
Thứ nhất là, các rủi ro về yếu tố vĩ mô, chính trị, tỷ giá ngoại hối
- Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe doạ sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đi kèm theo đó là các cuộc chiến tranh thương mại, sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia. Những yếu tố này tác động đến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
- Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế. Các nước theo đuổi các mục tiêu chính sách tiền tệ khác nhau, làm tăng rủi ro trên thị trường tài chính, gia tăng sự biến động trong tỷ giá ngoại hối, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.
Thứ hai là, các rủi ro về lừa đảo trong vận tải, thanh toán
Hiện trong thương mại quốc tế, có 3 phương thức thanh toán phổ biến là thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới; thanh toán bằng nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và phương thức thư tín dụng (L/C) sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn. Thực tế thời gian qua cho thấy có những vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng hoá thông qua việc áp dụng phương thức nhờ thu.
Một số vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua:
- Vụ việc lô hàng gần 100 container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam với trị giá hàng chục triệu USD được xuất khẩu sang Ý tháng 3 năm 2022 thông qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt "suýt" bị mất trắng.
Ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu lô hàng hạt điều thông qua một công ty môi giới, sau khi hàng đã xuất đi, các doanh nghiệp này mới bắt đầu phát hiện số container kia đã bị mất kiểm soát và có dấu hiệu bị người mua lừa đảo khi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam lại bị gửi đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Kiểm tra thấy hàng đã đến Italia, dù chưa nhận được tiền nhưng người mua đã lấy được toàn bộ chứng từ gốc của số hàng hóa nêu trên. May mắn trong sự việc này các doanh nghiệp Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo vì kiên trì đấu tranh cùng sự can thiệp kịp thời, vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại.
- Vụ việc lô hàng 5 container gồm hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi trị giá gần nửa triệu đô la Mỹ gặp sự cố thanh toán tại UAE năm 2023.
Thứ ba là, Rủi ro trong giao thương, trao đổi mua bán hàng hoá không có hợp đồng
Trong thời gian qua, thương mại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn nhiều thương nhân chưa xuất khẩu chính ngạch, không có hợp đồng ngoại thương. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp về chất lượng và giá cả, gây khó khăn trong việc xác định đúng nguồn gốc và giá trị thực của hàng hóa. Đồng thời, vì không có hợp đồng, các thương nhân xuất khẩu theo hình thức này thường gặp phải tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu, làm gia tăng chi phí vận chuyển, giảm chất lượng hàng hoá.
2. Cách phòng tránh rủi ro trong hoạt động xuất khẩu
Khi hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Do vậy, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro:
- Thứ nhất, về phương thức thanh toán trong hợp đồng ngoại thương
Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần thận trọng trong giao kết hợp đồng và trong khâu thanh toán, đặc biệt với các thị trường có rủi ro cao. Khi giao kết hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp nên đàm phán, thực thi các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng L/C không huỷ ngang thay cho các phương thức chuyển tiền T/T trả sau, phương thức thanh toán nhờ thu (D/A, D/P).
- Thứ hai, xác minh thông tin người mua hàng nước ngoài
Trong vụ container hạt điều vừa qua, khi thương vụ Việt Nam tại Italia hỗ trợ doanh nghiệp đi kiểm tra, hầu hết công ty nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đều có địa chỉ là nhà dân thường, ở vùng sâu vùng xa, không hoạt động. Như vậy, việc xác minh thông tin người mua hàng ở nước ngoài là cần thiết để giảm rủi ro.
+ Các doanh nghiệp có thể mua thông tin từ các công ty tư vấn doanh nghiệp, công ty đánh giá tín nhiệm. Các công ty này có kho dữ liệu rất lớn về các doanh nghiệp, được cập nhật thường xuyên. Qua đó chúng ta có thể thấy được mức độ nghiêm túc của doanh nghiệp mà ta quan tâm. Ví dụ, một công ty được lập ra gần đây, hoặc lập ra đã lâu mà mức độ đóng thuế rất ít, nay lại đặt mua hàng với số lượng lớn thì đó là điều bất thường.
+ Các doanh nghiệp thông qua các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, v.v...
- Thứ ba, các biện pháp để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu
+ Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể phòng ngừa rủi ro bằng việc mua bảo hiểm hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp.
+ Sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp. Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý.
+ Thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn, ...
+ Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nghiệp vụ hedging.
- Thứ tư, sử dụng dịch vụ của các công ty logistics
Một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Ý và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE là việc công ty chuyển phát chứng từ giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng người mua, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, vào tay người mua trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng.
Một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là sử dụng các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Khi đó, công ty logistics A của Việt Nam sẽ gửi hàng đến công ty logistics B ở nước nhập khẩu (là đối tác tin cậy, đã được kiểm chứng bởi công ty A) với tên của công ty B này là người nhận hàng. Sau khi nhận hàng, công ty B sẽ giao hàng cho người mua. Khi xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua. Chỉ khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua mới nhận được vận đơn thứ cấp, đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó chỉ có trong tay một bộ vận đơn đều không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu.
- Thứ năm, nâng cao năng lực tìm hiểu thị trường, giải quyết tranh chấp
Các doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, trau dồi kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó các lừa đảo và tranh chấp; làm quen với văn hóa kinh doanh của từng nước, đối tác cũng như tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp của nước mà mình có quan hệ kinh tế. Thậm chí, phải sử dụng thường xuyên hơn những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.
Thứ sáu, đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, khuyến nghị doanh nghiệp chuyển sang thương mại chính ngạch, thực hiện nghiêm túc các quy định về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ghi nhãn hàng hóa… cũng như các yêu cầu khác có liên quan; và thực hiện thanh toán qua ngân hàng./.

Nguồn:VITIC tổng hợp