Bà Lê Hằng cho biết, trong tháng 11 xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 367 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, EU, Australia là những thị trường có xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhất, trong khi đó các thị trường khác chững lại hoặc giảm nhẹ, không được cao như năm ngoái.
Tôm hiện chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam và là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất, trừ tháng 8 và tháng 9 có sự giảm mạnh do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 28% tổng giá trị tôm xuất khẩu và đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng tốt với mức gần 22%. Trong nhập khẩu tôm của Mỹ thì Việt Nam mới chiếm 12% thị phần và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ rất cao, nên đây là cơ hội cho tôm Việt Nam.
Thị trường đứng thứ hai nhập khẩu tôm là Nhật Bản, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất và có giá xuất khẩu trung bình cao nhất. Nhật Bản có sự ưu tiên nhập khẩu tôm nước ấm nhiều hơn tôm nước lạnh.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đang có sự hồi phục nhanh chóng từ tháng 10 sau làn sóng dịch COVID-19 ở trong nước. Việt Nam đang là nguồn cung tôm lớn cho Đức, Hà Lan, Bỉ.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc lại liên tục sụt giảm mạnh vì quy định kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 tại các cảng nhập khẩu cả đường hàng không, đường biển và biên giới của Trung Quốc. Đến nay, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm trên 24%, chỉ đạt giá trị trên 375 triệu USD.
Để tận dụng được cơ hội thị trường, bà Lê Hằng cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng là việc rất cần thiết. Song song đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường và nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh. Từ đó, chủ động bước đi phù hợp với hoàn cảnh làm sao thúc đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.
Ngoài tôm chân trắng, Việt Nam cũng cần giữ thế mạnh tôm sú, mở rộng diện tích và tập trung tăng năng suất, giá trị cho tôm sú vì đó là loại nuôi bản địa của Việt nam. Đồng thời, chú trọng mô hình tôm sú quảng canh trong diện tích rừng ngập mặn, tôm - rừng, tôm sinh thái, tôm - lúa...
Ngành hàng tôm Việt Nam có thể mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Tôm Việt có chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu.
Bà Lê Hằng dự báo, nhu cầu tôm của các thị trường như Mỹ, EU, Australia, Canada, Hàn Quốc…; trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chi phối sự tăng trưởng của sản phẩm tôm. Đồng thời hy vọng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ khả quan hơn năm 2021.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và thương mại tôm. Bên cạnh đó, cước vận tải biển và chi phí vận tải tăng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận và sự cạnh tranh của tôm Việt…
Bích Hồng (TTXVN)
Nguồn:Bích Hồng (TTXVN)