Về thương mại, Thụy Sĩ hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu; trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 34 trên toàn cầu của Thụy Sĩ và là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Thụy Sĩ tại khu vực châu Á. Từ năm 1992 đến nay, thông qua Bộ Công thương và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Thụy Sĩ đã hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam khoảng 687 triệu USD. Trong Chương trình hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam giai đoạn 2021-2024, Thụy Sĩ cam kết viện trợ khoảng 76 triệu USD để thực hiện hai mục tiêu lớn là thúc đẩy hình thành điều kiện khung kinh tế lành mạnh, định hướng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân. Phía Thụy Sĩ luôn quan tâm và mong muốn sớm kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA, kỳ vọng hai bên có thể ký kết Hiệp định trong năm 2024.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 7/2024, Thụy Sĩ có 214 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 2,03 tỷ USD, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư nhất ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất hài lòng với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài tại Việt Nam trong thời gian tới. Hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sĩ và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Thụy Sĩ trong 6 tháng đầu năm 2024
ĐVT: %
Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thụy Sĩ đạt 825 triệu USD, tăng nhẹ 2,24% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 199 triệu USD, tăng 7,92% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 626 triệu USD, tăng nhẹ 0,56%.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thụy Sĩ không có nhiều biến động. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm đáng kể so với các năm trước đó, chỉ đạt 864 triệu USD, giảm mạnh 62,13% so với năm 2019 và sau đó kim ngạch không có nhiều biến động trong các năm tiếp theo. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã và đang phát triển tích cực, một số lĩnh vực tại Việt Nam được doanh nghiệp Thụy Sĩ đánh giá có cao là xuất khẩu, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin. Việt Nam luôn coi Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng tại châu Âu và Thụy Sĩ cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thụy Sĩ trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo số liệu từ Trading Economics, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Thụy Sĩ là 1,3% vào tháng 7/2024, không thay đổi so với tháng trước và phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Năm 2023, sau sự tăng trưởng khởi sắc đầu năm, nền kinh tế Thụy Sĩ bị chững lại trong quý II/2023. Chi tiêu tiêu dùng và lĩnh vực dịch vụ chứng kiến sự tăng trưởng toàn diện, trong khi đó lĩnh vực công nghiệp ghi nhận sự sụt giảm cả về đầu tư và giá trị gia tăng.
Đầu năm 2024, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) đưa ra quyết định giảm lãi suất, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Thụy Sĩ là nền kinh tế phát triển đầu tiên trên toàn cầu tiến hành cắt giảm lãi suất sau một thời kỳ dài áp lực lạm phát ở mức cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với thương mại toàn cầu và xung đột Nga-Ukraine.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Năm 2018 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Thụy Sĩ thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 171 triệu USD, giảm 28,9% so với năm 2017; trong khi đó năm 2019 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 1,56 tỷ USD, tăng rất mạnh 811,12% so với năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 65,7%. Trong giai đoạn 10 năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Thụy Sĩ không có nhiều biến động, chủ yếu ghi nhận xu hướng tăng giảm quanh mốc năm 2019 khi toàn cầu phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19 và những biến động của tình hình kinh tế - chính trị.
Trong những năm qua, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ không ngừng mở rộng. Hai nước đã ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ... đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh doanh.
Trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt 13,63 triệu USD, giảm 5,45% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 24,28% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức giảm so với 7 tháng đầu năm 2023 là 23,65%, đạt 103,04 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 22,29%); Hàng thủy sản (chiếm tỷ trọng 15,82%) và Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 10,83%).
Việt Nam luôn là một trong những nguồn cung thuỷ sản lớn nhất của thị trường Thụy Sĩ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong tốp 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, xếp sau Na Uy, Pháp và Hà Lan. Còn với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu hàng đầu. Mỗi năm thị trường Thụy Sĩ tiêu thụ khoảng 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại, kể cả tươi sống, đông lạnh và chế biến. Bình quân tiêu thụ thủy sản khoảng 8,5-9 kg/người/năm. Trong đó, Thuỵ Sĩ chỉ nuôi trồng và chế biến khoảng trên 3.000 tấn thủy sản các loại, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, tập trung vào nhóm sản phẩm chính gồm: thuỷ sản, cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản. Dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thuỵ Sĩ sẽ tăng 4,6% trong những năm tới và xu hướng tiêu thụ tăng dần với sản phẩm hữu cơ. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho thuỷ sản chế biến và sản phẩm hữu cơ nhằm nắm bắt cơ hội tiêu dùng này của Thuỵ Sĩ, đồng thời đẩy mạnh liên kết xuất khẩu để duy trì đối tác kinh doanh.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Thụy Sĩ trong tháng 7/2024 và 7 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 7/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Thụy Sĩ đạt 52,22 triệu USD, giảm nhẹ 2,76% so với tháng trước đó và giảm 5,23% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm là 4,0% so với 7 tháng đầu năm 2023, đạt 339,12 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 22,59%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 17,14%) và Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 13,44%).
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Thụy Sĩ trong tháng 7/2024 và 7 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Thụy Sĩ luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Ngày 30/6/2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Thụy Sĩ Martin Candinas đang thăm chính thức Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ thời gian qua phát triển tích cực trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển; đề nghị Ngài Chủ tịch và Hạ viện Thụy Sĩ thúc đẩy, ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch; đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Về phía Thụy Sĩ, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas khẳng định Việt Nam có vai trò chiến lược trong quan hệ của Thụy Sĩ với khu vực Đông Nam Á; Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ưu tiên Việt Nam về hỗ trợ phát triển, thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực với Việt Nam và bày tỏ mong muốn hai bên sẽ sớm kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA trong năm 2024.
Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến giao thương, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Tháng 3/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Châu Âu, tại thành phố Zurich (Thụy Sĩ), UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG) và Phòng Thương mại Thụy Sĩ – Châu Á (SACC) tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư với chủ đề “Khu Kinh tế Thái Bình – Vệ tinh kinh tế đang lên tại miền Bắc Việt Nam” để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong vai trò cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ sẽ tiếp tục phối hợp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng đầu tư của Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đến với các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các công tư vấn đầu tư và các tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Thụy Sĩ và Châu Âu, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng 6/2024, tại Trường Đại học Zurich, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam - Thụy Sĩ 2024. Theo đó, Diễn đàn đã tập trung thảo luận 04 chủ đề, gồm: (1) Chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển; (2) Vai trò và tiềm năng hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ trong các lĩnh vực trọng tâm; (3) Cơ hội và tiềm hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính và (4) Đầu tư khởi nghiệp.
Việt Nam và Thụy Sĩ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu, khẳng định quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, tạo bước phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.
Nguồn:VITIC tổng hợp