Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đã thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường này, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ khác. Điều này cũng góp phần quan trọng giúp giảm nhẹ các tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây lên nền kinh tế trong nước. Hiện Việt Nam là nguồn cung hàng hóa ngoại khối lớn thứ 7 của Thụy Điển trên thế giới và lớn nhất của Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thuỵ Điển đạt 1,29 tỷ USD, giảm 20,38% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 946 triệu USD, giảm 25,17% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 342 triệu USD, giảm 3,24%.
Giai đoạn 2019 – 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thuỵ Điển chủ yếu ghi nhận đà tăng trưởng đều đặn qua các năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, kim ngạch giảm đáng kể 20,38% so với năm 2022, là mức thấp nhất được ghi nhận trong giai đoạn 5 năm. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nền kinh tế Thuỵ Điển rơi vào tình trạng suy thoái.
Năm 2024, nền kinh tế Thuỵ Điển bắt đầu hồi phục trở lại. Số liệu từ Trading Economics cho thấy, trong quý III/2024, nền kinh tế Thuỵ Điển tăng trưởng mạnh 0,3% so với cùng kỳ năm trước, sau một đợt trì trệ vào quý trước đó. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Thụy Điển đạt 1,6% vào tháng 11/2024, không đổi so với hai tháng trước, vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Diễn biến này đã tác động tích cực đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển trong năm 2024.
Xem chi tiết tại đây
Nguồn:VITIC tổng hợp