menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo sang Pháp: Còn nhiều dư địa

08:52 15/12/2021

 
Cho dù được hưởng ưu đãi thuế quan, việc gia tăng xuất khẩu (XK) gạo vào Pháp - thị trường "siêu khó tính" - đòi hỏi doanh nghiệp (DN) trong nước phải có kế hoạch bài bản và dài hạn.
Có cơ hội nhưng khó khai thác
Tại phiên tư vấn XK sang thị trường Pháp, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Pháp phối hợp tổ chức mới đây, bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - chỉ dẫn: Pháp là quốc gia NK gạo lớn nhất (chiếm 35%) khu vực EU với nhu cầu hàng năm khoảng 600.000 tấn, đây cũng là thị trường XK lớn của gạo Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng gạo Việt vào được thị trường Pháp mới chiếm khoảng 2,1% thị phần, còn rất nhiều dư địa cho mặt hàng này gia tăng thị phần.
Gia tăng xuất khẩu gạo vào Pháp cần có kế hoạch bài bản và dài hạn
Ông Vũ Anh Sơn - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp - cho hay: Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Tuy nhiên, gạo Việt Nam chưa tận dụng được ưu thế do EVFTA mang lại. Nguyên nhân lớn nhất do DN trong nước chưa tìm ra phương thức tiếp cận hiệu quả với đối tác tiềm năng để giới thiệu sản phẩm. Gạo Việt Nam mới hiện diện tại các cửa hàng và chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ, giá thành rẻ, chưa có tại hệ thống đại siêu thị tại Pháp.
Hiện nay, mới chỉ có 6 DN trong nước XK trực tiếp được gạo qua Pháp, cho 16 đối tác. Thực tế, DN XK gạo trong nước đang gặp rào cản lớn về ngôn ngữ; cạnh tranh của các đối thủ trên thị trường. Gạo Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, thói quen tiêu dùng tại EU, cũng như Pháp. Bên cạnh đó, giá gạo XK của Việt Nam có xu hướng cao hơn các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, các quy định khắt khe của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định kiểm dịch thực vật, bao bì đóng gói cũng là thách thức lớn với DN trong nước.
Xây dựng đội ngũ tư vấnxuất khẩu
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, do giảm sút đơn hàng ở thị trường XK truyền thống, DN có làn sóng ồ ạt sang EU để bán hàng. Nếu tiếp cận thị trường EU, Pháp theo cách này sẽ không thể tìm được đối tác mà cần xây dựng kế hoạch bài bản và dài hạn. Trước hết, DN dành thời gian nghiên cứu và phát triển thị trường, chi phí tài chính để đạt chứng chỉ tiêu chuẩn của EU… Những khó khăn về ngôn ngữ, tiếp cận nhà NK giới thiệu sản phẩm, DN có thể khắc phục thông qua đội ngũ tư vấn ngay tại thị trường sở tại.
Với kinh nghiệm thực tế đang hỗ trợ DN Việt Nam đưa sản phẩm sang thị trường Pháp, đồng thời ở vai trò tư vấn viên XK, bà Đinh Thị Tuyết Nhung - Quản lý mở rộng mạng lưới và kinh doanh, Source of Asia - chia sẻ, việc đánh giá và đặt mục tiêu rất quan trọng để xác định rõ sản phẩm, quy mô sản xuất, kinh phí và phân bổ, nhân sự cho dự án, chuyên môn, kinh nghiệm. Tư vấn viên phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tại nước ngoài. DN nên có sự chuẩn bị trước tìm hiểu luật thương mại, điều khoản thanh toán phù hợp, có người phiên dịch, chuyên viên hỗ trợ đàm phán nếu yếu về luật...
Về xây dựng thương hiệu tại thị trường nước ngoài, việc nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu là bước ko thể thiếu, sau đó mới tìm kiếm đối tác. Sau khi có khách hàng, tiếp tục xây dựng kế hoạch dài hạn hơn về thành lập chi nhánh hoặc có đại diện thương mại tại nước sở tại.
DN trong nước cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường XK, có thể định vị gạo ST 24, ST 25 thành thương hiệu gạo đặc sản, phân khúc cao tại Pháp.
Việt Nga

Nguồn:Việt Nga/congthuong.vn

Link gốc