Sau thông báo cấm xuất khẩu gạo mà Ấn Độ đưa ra gây xáo trộn thị trường gạo thế giới, Nga và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng thông báo về việc dừng xuất khẩu gạo nhằm bình ổn thị trường nội địa. Những động thái của các nước kể trên đã ngay lập tức khiến nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới tăng cao và giá cả cũng theo đó tăng lên nhanh chóng.
Trước những biến động kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, đây cũng là cơ hội ngành gạo xúc tiến thương mại tìm những thị trường mới, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, trước những cơ hội được mở ra cũng có không ít những thách thức cần đối mặt.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này
Phóng viên (PV): Ông có thể đưa ra những nét khái quát về tình hình sản xuất, tiêu thụ gạo của nước ta từ đầu năm đến nay?
Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa: Thời gian qua, Cục Trồng trọt đã có nhiều báo cáo dự báo về diện tích và sản lượng lúa có thể đạt được trong năm 2023. Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, hiện Việt Nam có khoảng 7,1 triệu ha sẽ được gieo cấy trong năm nay với năng suất trung bình hơn 6,7 tấn/ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt được khoảng 43,4 triệu tấn thóc. Với sản lượng này, Việt Nam vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu.
Vụ lúa Đông Xuân đã hoàn tất thu hoạch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những địa phương có sản lượng lúa lớn phục vụ xuất khẩu đang xuống giống vụ Thu Đông, trong khi vụ Hè Thu cơ bản đi vào giai đoạn thu hoạch. Vì vậy, lượng thóc lúa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cơ bản được đảm bảo. Vụ lúa Thu Đông sắp tới dự kiến sẽ xuống giống khoảng 700 nghìn ha nhưng với mức giá hiện nay, diện tích có thể tăng lên khoảng 50 nghìn ha. Bởi khi được giá, bà con sẽ xuống giống cho vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, có một số vấn đề nảy sinh trong thời gian qua. Nhu cầu gạo trắng xuất khẩu tăng cao, đặc biệt là với nhiều giống gạo thường trước đây xuất khẩu dạng gạo trắng có mức giá tăng mạnh kéo theo giá lúa đi lên. Trong khi đó, giá một số giống lúa chất lượng cao lại không tăng. Các nhà nhập khẩu vẫn đang cân nhắc mức giá chào trong tháng 8, trong khi đó, với mức giá chào trong tháng 7 giao tháng 8, nhiều nước nhập khẩu gạo như Philippines đã có sự hỗ trợ về giá cho nhà xuất khẩu bởi hiện giá thóc gạo trong nước so với giá xuất khẩu đang có sự chênh lệch.
Chính vì vậy, mặc dù hiều doanh nghiệp đã xây dựng các vùng nguyên liệu cũng như liên kết để thu mua gạo nhưng do nhu cầu cao nên họ cũng phải thu mua thêm lúa gạo từ các nơi khác. Bên cạnh đó, các thương lái cũng đẩy giá lên khiến giá thóc gạo trong thời gian qua có sự khác biệt nhiều tại các địa phương ĐBSCL với mức chênh lệch từ 100-300 đồng/kg, có những nơi đến 500 đồng/kg tùy theo từng thời điểm thu mua. Hiện nay, thị trường dường như trầm lắng trở lại. Nhu cầu sử dụng gạo trong nước hàng năm chỉ trên dưới 30 triệu tấn thóc, vẫn còn dư hơn 13 triệu tấn thóc để phục vụ xuất khẩu.
Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
PV: Ông có nhận định thế nào về tác động của lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng gạo của một số nước đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu?
Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa: Trong những năm qua, giá lúa gạo trên thế giới có nhiều sự biến động. Hồi cuối tháng 7 năm nay, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (trừ gạo trắng basmati) khiến giá gạo bị đẩy lên một nền giá mới. Tuy vậy, trong tháng 8, Việt Nam chưa có nhiều hợp đồng ký kết nhưng nếu có, các doanh nghiệp hiện cũng chưa thông báo cụ thể về giá, nên chưa thể chắc chắn lượng gạo cụ thể được xuất khẩu trong tháng 8 này. Trước đó, kết thúc tháng 7 lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu tấn. Với xu thế hiện nay, trong tháng 8, thị trường sẽ còn có nhiều biến động bởi người mua do dự giá cao trong khi đó người bán có mối lo về nguồn nguyên liệu cho vụ mùa mới đang gặp khó khăn.
Thêm vào đó, thị trường vẫn là yếu tố quyết định và nhiều nước trong giai đoạn COVID cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lúa gạo dự trữ. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2023, thế giới sẽ thiếu hụt trên 3 triệu tấn gạo. Về phía các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan và Pakistan đang đối mặt với các vấn đề về biến đổi khí hậu nên các nước này có xu hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu.
Cùng với đó, thỏa thuận ngũ cốc biển đen của Nga và Ukraine bị dừng đã tác động không nhỏ đến giá lương thực thế giới. Mặc dù vậy, Nga cũng đã có cam kết với các nước châu Phi hỗ trợ về lương thực do vậy cũng sẽ làm giảm bớt áp lực về gạo đối với các nước này.
Trước tình hình trên, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục khai thác tốt các thị trường hiện có như Philippines, Indonesia, Malaysia, các thị trường khó tính đã ký Hiệp định hương mại tự do (FTA) như EU, Anh, Australia, New Zealand, Mỹ La tinh, Canada…
Với những thị trường này, Việt Nam sẽ phải xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao theo Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ gạo thường xuống 40% và tăng tỷ lệ gạo chất lượng cao lên 40%, lượng gạo nếp lên 20%.
Theo tôi, Quyết định 583 cũng sẽ tác động lên diễn biến lương thực toàn cầu bởi Việt Nam hiện đang xuất khẩu với mức 6,5 đến 7 triệu tấn, trong 5-7 năm nữa, sản lượng sẽ giảm còn 4 triệu tấn, vì vậy việc này có thể sẽ tác động nhiều đến giá gạo thế giới.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh đó, vấn đề an ninh lương thực của nước ta hiện nay ra sao, có đủ nguồn cung ổn định cho nhu cầu nội địa trong trường hợp biến động thị trường quốc tế?
Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn, năm 2023, diện tích trồng lúa của nước ta sẽ đạt hơn 7 triệu ha, đảm bảo được nguồn lương thực lúa gạo cho tiêu dùng trong nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đảm bảo được các vấn đề về an ninh lương thực, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19.
Năm nay, Chính phủ, các bộ ngành đã có sự chỉ đạo sát sao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã rút kinh nghiệm từ giai đoạn bị ảnh hưởng COVID-19, làm tốt các khâu trong sản xuất như giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị hạt gạo cũng như lợi nhuận cho bà con. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có chiến lược tốt hơn về mặt thị trường để đảm bảo được an ninh lương thực.
Về dự trữ quốc gia, trong tháng 6 vừa qua, Tổng cục Dự trữ Quốc gia cũng đã giao các chỉ tiêu về 22 Cục Dự trữ Quốc gia nhằm thu mua 220 nghìn tấn gạo, tương đương với năm 2022 và tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2021. Với giá lúa gạo tại thị trường Việt Nam, để thực hiện được đấu thầu hạn ngạch cho dự trữ quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn thực hiện được tốt công tác dự trữ đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh, thiên tai… cũng như vẫn đảm bảo được các cam kết với quốc tế trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực và toàn cầu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: BNEWS/TTXVN
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động thế nào để tận dụng cơ hội vàng này?
Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa: Trong vòng hơn 30 năm qua, hạt gạo Việt Nam đã có một vị thế trên thế giới đặc biệt ở những thị trường tiêu thụ chính như Philippines, Indonesia, Malaysia, các nước châu Phi…. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đưa ra thị trường những loại gạo gắn với thương hiệu doanh nghiệp để đi vào các thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản cũng như một số thị trường khác. Thêm vào đó, Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, điều này giúp nhiều sản phẩm xuất khẩu có cơ hội được miễn giảm thuế.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đưa các thương hiệu gắn với sản phẩm gạo Việt Nam vào các thị trường. Đây là thế mạnh của hạt gạo Việt Nam cũng như các nông sản khác. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đi theo hướng đầu tư chế biến công nghệ cao cho ra các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu để cạnh tranh với các nước khác cũng có mặt hàng tương đồng.
Trong thời gian tới, hạt gạo Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế cũng như doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội hơn khai thác sâu vào các thị trường đã có. Cùng với chương trình OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cải tiến rất nhiều trong khâu chế biến để giám sát chất lượng của sản phẩm từ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đến chế biến, chất lượng, bao bì mẫu mã…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công thương đưa gạo cũng như các sản phẩm nông sản có chất lượng cao vào hệ thống siêu thị nước ngoài có phân phối tại Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tăng cường kết nối với các kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn:Đức Minh - Thùy Linh/BNEWS/TTXVN