Trong quý đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch lớn đứng thứ hai sau Mỹ chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 33,12% so với cùng kỳ năm 2017. Tính riêng tháng 3/2018, xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,6 tỷ USD, tăng 30,06% so với tháng 2/2018.
Máy vi tính sản phẩm điện tử, điện thoại, hàng rau quả, máy quay phim và linh kiện là ba nhóm hàng chủ lực xuất sang thị trường Trung Quốc quý 1/2018, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD và đều có tốc độ tăng trưởng, trong đó máy vi tính sản phẩm điện tử đạt 1,7 tỷ tăng 26,93%, điện thoại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD tăng 477,51% và hàng rau quả đạt 726,6 triệu USD tăng 41,93%.
Ngoài ba nhóm hàng chính kể trên, Việt Nam còn xuất sang Trung Quốc như sắt thép, mây tre, giấy, hàng thủy sản, gạo, cao su…. Nhìn chung, quý 1/2018 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng số nhóm hàng này chiếm 73,1%, trong đó phải kể đến giấy và các sản phẩm từ giấy có tốc độ tăng mạnh nhất gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ 2017, tuy kim ngạch chỉ đạt 37,4 triệu USD. Ngoài ra, nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo xuất sang Trung Quốc cũng có tốc độ tăng khá trên 100% tương ứng với 184,13% và 137,08%.
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng với kim ngạch suy giảm chỉ chiếm 26,8%, trong đó dầu thô và thủy tinh sản phẩm từ thủy tinh giảm mạnh trên 50%, giảm lần lượt 56,59% và 55,71%.
Đối với nhóm hàng rau quả, theo Bộ Công Thương, gần đây, qua phản ánh của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương nhận được thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu nhập khẩu hoa quả thuộc địa bàn Quảng Tây, Trung Quốc.
Theo đó, kể từ ngày 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Trước thông tin này, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu của Trung Quốc.
TOP 10 nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý 1/2018
Nguồn:Vinanet