menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu vải thiều: Từng bước chinh phục thị trường Trung Quốc

06:20 07/06/2019

Vinanet -Trung Quốc không chỉ là thị trường mang lại kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, mà còn chiếm một thị phần ngày càng tăng trong cơ cấu xuất khẩu của ngành hàng rau quả.
Xác định Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của vải thiều, nên các địa phương có diện tích vải lớn đã chủ động khai mở thị trường sớm và nắm bắt các quy định mới trong giao thương khi xuất khẩu.
Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều mùa thứ 3 tại Bằng Tường, Trung Quốc và cập nhật thêm những quy định mới về bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu.
Theo yêu cầu của Trung Quốc, để xuất khẩu chính ngạch, từ tháng 5/2019, bắt buộc trên một số hoa quả, trong đó có vải thiều khi nhập khẩu vào thị trường nước này phải có bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Với riêng trái vải, từ niên vụ 2019, Trung Quốc yêu cầu phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.
Diện tích trồng vải thiều tại Bắc Giang gần 28,5 nghìn ha, trong đó hơn 14 nghìn ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGap, sản lượng niên vụ 2019 ước đạt 150 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 25/5; vải thiều chính vụ từ ngày 5/6 đến 5/7/2019.
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, cùng với thị trường nội địa, công tác xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc đã được địa phương triển khai sớm bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính yếu của trái vải thiều. Việc thị trường Trung Quốc nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhập khẩu vải thiều thì đây là cơ hội để người dân thay đổi phần phương thức hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập và hướng tới các thị trường khó tính.
Sau hội nghị xúc tiến xuất khẩu tại Bằng Tường, tỉnh Bắc Giang đã đăng ký và được cơ quan chức năng Trung Quốc chấp nhận 149 mã vùng trồng với diện tích trên 16.000 ha (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn tỉnh) và 86 cơ sở đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đến thu mua vải thiều theo hợp đồng thương mại chính thức, gia tăng giá trị nông sản qua xuất khẩu chính ngạch.
Theo Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế Bằng Tường ông Thang Thành Vỹ, đề nghị phía Việt Nam chú ý thực hiện đúng những yêu cầu, tiêu chuẩn mà Trung Quốc đặt ra về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, tem nhãn, quy chuẩn cụ thể của quả vải…
Ông Thanh Thành Vỹ khẳng định, Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân, là thị trường có quy mô lớn nhất thế giới. Với trái vải tươi đã được cấp mã vùng trồng, chỉ cần phù hợp điều kiện kiểm dịch của hải quan Trung Quốc và giải quyết tốt bảo quản sau thu hoạch, hơn 100 thành viên của Thương hội sẽ hỗ trợ việc thông quan, đưa sâu vào trong nội địa tiêu thụ.
Là thị trường xuất khẩu quan trọng, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc có diện tích trồng và sản lượng quả vải hàng năm lớn nhất thế giới. Vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.
Vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7 hàng năm, sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giống vải phong phú hơn.
Năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hàng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam.
Do mùa đông 2018 ấm, khô và ít mưa, khả năng ra hoa của cây vải trong vụ mùa năm 2019 tại các địa phương có diện tích trồng và sản lượng lớn đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc giảm (sản lượng vải tại Quảng Đông – địa phương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải Trung Quốc giảm khoảng 40% so với năm 2018).
Theo số liệu ghi nhận được từ Kho dữ liệu giá cả nông sản, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây, giá vải bán buôn (ngày 27/5/2019) tại các chợ đầu mối một số địa phương của Trung Quốc dao động từ 12 Nhân dân tệ (CNY)/kg đến 31 CNY/kg. Trong đó, giá vải tại Chiết Giang vào khoảng 12 CNY/kg; Quảng Đông, Giang Tô và Bắc Kinh lần lượt là 17 CNY/kg, 20 CNY/kg và 25 CNY/kg; tỉnh An Huy ghi nhận mức giá cao nhất trong ngày, đạt 31 CNY/kg (01 CNY hiện tương đương với khoảng 3.380 VNĐ).
Thông lệ các năm trước, thời điểm cuối vụ (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7), giá vải nội địa thị trường Trung Quốc thường sẽ giảm so với các thời điểm trước đó do quả vải cuối vụ có chất lượng không bằng. Tuy nhiên, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá quả vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018.
Theo Tổng cục Hải quan, trong niên vụ năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 92.000 tấn vải, trị giá đạt hơn 40,8 triệu USD, tăng 172% về lượng và tăng mạnh 126% về trị giá so với niên vụ 2017.
Trong đó, lượng xuất khẩu vải trong niên vụ 2018 sang Trung Quốc đạt hơn 83.500 tấn, trị giá hơn 33,9 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng và tăng 91% về trị giá so với niên vụ 2017. Riêng lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 90,7% tổng lượng xuất khẩu vải của cả nước trong niên vụ này.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Trung Quốc không chỉ là thị trường mang lại kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, mà còn chiếm một thị phần ngày càng tăng trong cơ cấu xuất khẩu của ngành hàng rau quả.
Nếu năm 2013, Trung Quốc mới chiếm 28% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam, thì sang năm 2014 đạt 30%. Đến năm 2015, Trung Quốc đã nhảy vọt lên trở thành thị trường chiếm 65% thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam, đến 2016-2017 lần lượt chiếm 70,8% và 75,7% thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Hết năm 2018, xuất khẩu quả xuất sang Trung Quốc đã mang về cho Việt Nam một khoảng ngoại tệ lên đến 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng liên tục được ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số và điều đó đã góp phần giúp ngành hàng này đạt mức tăng trưởng bình quân trên 32% trong giai đoạn từ năm 2011-2017.
Nguồn: VITIC/thuongtruong

Nguồn:Vinanet