PHỦ TÂY HỒ, HÀ NỘI
Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, cách trung tâm thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Phủ Tây Hồ thờ Bà chúa Liễu Hạnh, đây là một trong những địa điểm nổi tiếng linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội. Đến Phủ Tây Hồ những ngày đầu năm, bạn vừa có thể cầu phúc, cầu tài lộc kết hợp tham quan, du lịch. Từ Phủ Tây Hồ trông ra bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình của non nước mênh mông. Trước cổng Phủ là sân lộng gió, cây cổ thụ rợp bóng mát càng khiến cho không gian tại đây thêm thanh tịnh.
CHÙA HƯƠNG, HÀ NỘI
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Những ngày đầu xuân, du khách hành hương đến chùa Hương sẽ có dịp được lênh đênh trên những con đò thưởng ngoạn cảnh sắc dòng suối Yến hiền hòa, thơ mộng. Sau đó là trải nghiệm cáp treo hoặc lựa chọn leo bộ lên theo đường núi. Những thắng cảnh chùa chiền cổ kính, u tịch sẽ dần hiện ra, hòa hợp giữa thiên nhiên núi rừng, mây trời tạo nên cảnh tượng hết sức ngoạn mục.
Hội chùa Hương diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm và kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.
ĐỀN TRẦN, NAM ĐỊNH
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15. Nơi đây bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là Đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa.
Ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thành phố Nam Định lại tổ chức lễ khai ấn đền Trần. Theo quan niệm, nếu bạn may mắn xin được dấu ấn của đền thì năm mới sẽ gặp nhiều thành công và thăng tiến trong sự nghiệp. Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Ngoài xin ấn, dâng hương, khách đến đền ngày khai hội còn được trải nghiệm các hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo như chọi gà, diễn võ, hát văn…
ĐỀN BÀ CHÚA KHO, BẮC NINH
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.
Tương truyền, ngôi đền để tưởng niệm người phụ nữ đã có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã mất trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Theo niềm tin của người dân, những người đi lễ đầu năm thường đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới. Họ sẽ có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi. Chính vì vậy mà những ngày đầu năm mới, du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về đây vừa cầu tài lộc vừa vãn cảnh chùa.
DANH THẮNG YÊN TỬ, QUẢNG NINH
Ngọn núi Yên Tử, độ cao 1.068m, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Núi Yên Tử hiện còn lưu giữ một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dưới thời vua Trần Nhân Tông vào khoảng thế kỷ XIII nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên, với pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Không chỉ nổi tiếng là một vùng đất linh thiêng, Yên Tử còn là một danh thắng đẹp được các du khách trong và ngoài nước yêu thích. Hàng năm, Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng âm lịch và kéo dài tới tháng 3. Đây cũng là thời điểm du khách đổ về đây đông đúc nhất để cầu tài lộc.
CHÙA BÁI ĐÍNH, NINH BÌNH
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An.
Bên cạnh thăm quan, vãn cảnh chùa đầy ấn tượng, du khách cũng đổ về đây dịp đầu năm để cầu bình an và tài lộc.
ĐỀN BẮC LỆ, LẠNG SƠN
Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi linh thiêng có tiếng thờ bà chúa Thượng Ngàn. Đây là một trong hai ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng nhất tại miền Bắc. Cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10km, đền nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Cũng giống như bất cứ ngôi đền thờ Mẫu nào, đền Bắc Lệ thờ Công đồng tứ phủ và các Chư Linh ở bốn miền vũ trụ. Tuy nhiên, đền Bắc Lệ này gần gũi với tín ngưỡng dân gian từ xa xưa, thân thiện với người dân bản địa bởi gắn liền với văn hóa địa phương.
Ngồi đền không thể bỏ qua với những người còn độc thân hay muốn cầu hạnh phúc gia đình. Người dân xứ Lạng luôn tin rằng đây là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất để cầu tình duyên ở Việt Nam.
CHÙA HÀ, HÀ NỘI
Cũng là một ngôi chùa rất linh thiêng trong chuyện cầu duyên, chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến để cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn.
Đến với chùa Hà, bên cạnh việc khấn cầu tâm linh, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp truyền thống của một ngôi chùa cổ kính mang nhiều những giá trị lịch sử dân tộc. Chùa có công viên rộng với ghế đá để khách ghé thăm dừng chân nghỉ ngơi, nhắm mắt lại bạn sẽ tìm được cảm giác thanh tịnh tuyệt đối, đối lập hẳn với mọi sự ồn áo của phố xá Hà Nội phía bên ngoài.
VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM, HÀ NỘI
Quần thể di tích này nằm ở khu vực quận Đống Đa của thành phố Hà Nội, giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Vào những ngày đầu xuân, du khách tới thăm nơi đây rất đông để xin chữ đầu năm, mong mọi sự học hành thành tài, đỗ đạt cao trên con đường công danh.
ĐỀN CHỬ ĐỒNG TỬ, HƯNG YÊN
Tại huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 25km theo đê sông Hồng, có hai ngôi đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử: một ngôi đền nằm ở địa phận thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự Nhiên nơi nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, con gái vua Hùng thứ 18 kỳ ngộ và nên duyên với chàng Chử nghèo khó; ngôi đền thứ hai thuộc địa phận thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, nơi chàng Chử cùng nhị vị phu nhân hoá về trời.
Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch hàng năm ở cả hai ngôi đền này, thu hút du khách gần xa và người dân địa phương nô nức tham dự.
Nguồn: http://wanderlusttips.com