Tại hội thảo đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN diễn ra ngày 13/7 ở TPHCM, ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) cho rằng việc bảo hộ nhãn hiệu cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Đừng để khi "mất bò mới lo làm chuồng"
Kết quả thống kê cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-ASEAN trong quý I/2016 đạt 9,74 tỷ USD. Hiện nay hàng hóa của các nước trong khu vực xâm nhập ngày càng nhiều vào Việt Nam, không chỉ hàng hóa của Thái Lan, Malaysia mà hàng hóa của các nước Lào, Campuchia cũng đã bắt đầu “len lỏi” vào Việt Nam. Để hợp thức hóa, tránh kiểm tra, các hàng hóa này còn thay đổi tên và mẫu mã cho phù hợp.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hàng hóa chất lượng cao của các DN Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái do thiếu bảo hộ nhãn hiệu.
“Trong bối cảnh hiện nay, để hàng hóa trong nước cạnh tranh được với các hàng ngoại nhập cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác thì việc bảo hộ nhãn hiệu là một khâu rất quan trọng”, ông Tuấn nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, thực tế hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước chưa được các DN quan tâm, chỉ đến khi “mất bò... mới lo làm chuồng”. Bên cạnh đó, việc công nhận bảo hộ nhãn hiệu cho các DN trong nước hiện nay đang còn kéo dài.
Trong khi đó, đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế còn gặp nhiều khó khăn do DN thiếu thông tin hướng dẫn về pháp luật của nước sở tại cũng như không nắm được các nghĩa vụ trách nhiệm của chủ sở hữu sau khi được cấp nên dễ dẫn đến việc mất quyền. Một ví dụ điển hình là việc Trung Nguyên đã phải... mua lại thương hiệu của chính mình trên đất Mỹ.
Kinh nghiệm nước ngoài
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi đăng ký nhãn hiệu tại ASEAN, đại diện Công ty CP thực phẩm NutiFoood cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thị trường và đánh giá khả năng đáp ứng của DN về sản phẩm, các DN cần nhanh chóng tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm tại thị trường mục tiêu.
Việc thực hiện đăng ký ở nước ngoài theo 3 cách, tùy theo thực tế mà DN có thể chọn lựa gồm: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại từng nước riêng biệt; nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có tính khu vực theo điều ước quốc tế giữa các nước trong khu vực (đơn khu vực) và nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid (đơn quốc tế)
Theo đại diện NutiFood, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không chỉ phức tạp mà còn tốn kém kinh phí, tùy theo nước yêu cầu bảo hộ. Chính vì vậy, DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lựa chọn thị trường mục tiêu cũng như cơ quan đại diện sở hữu công nghiệp tại quốc gia mục tiêu đó nhằm giúp việc nộp đơn dễ dàng hơn và tránh được rủi ro.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM cho rằng bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN. Việt Nam là thành viên WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy trong tương lai, DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Do đó, tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng.
Các DN cũng kiến nghị các cơ quan chức năng và Bộ KH&CN đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ cho DN; đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ thông qua các hội thảo, chương trình dành cho DN; tư vấn pháp lý từng nước, khu vực cũng như hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ ở các nước khác nhau.
Đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, cần rà soát, đơn giản hóa giấy tờ, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ; công khai minh bạch thông tin trên internet, bởi theo các DN, thời gian được công nhận bảo hộ nhãn hiệu khoảng một năm hiện nay là quá dài.
Nguồn: chinhphu.vn