menu search
Đóng menu
Đóng

Bốn kỳ vọng khi Việt Nam là chủ nhà APEC 2017

09:36 12/12/2016

Việt Nam kỳ vọng đóng góp thiết thực vào tiến trình APEC, làm cho hợp tác trong APEC thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Chiều 12/9, cuộc họp báo quốc tế về Năm APEC Việt Nam đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Chủ trì buổi họp báo có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái; Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard; Thứ trưởng Ngoại giao Peru Luis Quesada-Chủ tịch SOM APEC Peru; Chủ tịch ABAC Hoàng Văn Dũng.

Mở đầu họp báo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã thông báo 5 kết quả của Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) diễn ra cùng ngày. Theo đó, kết quả lớn đầu tiên của Hội nghị là sự tham gia đông đảo của các đại biểu là các chuyên gia, học giả hàng đầu quốc tế và khu vực, lãnh đạo các bộ, cơ quan và tỉnh, thành phố của Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách nước chủ nhà APEC 2017.

Các đại biểu ủng hộ chủ đề và những ưu tiên cho năm APEC, bao gồm đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, nhất là đẩy mạnh triển khai Mục tiêu Bogor về tự do hóa, thuận lợi thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và sáng tạo, bao trùm trong đó ưu tiên cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số, nhất là doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách; và tăng cường an ninh lương thực, thúc đẩy cộng đồng tự cường để tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thống nhất về lịch hoạt động của Năm APEC 2017 với khoảng 200 sự kiện, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao với sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên diễn ra tại Đà Nẵng tháng 11/2017; 8 Hội nghị cấp Bộ trưởng và các sự kiện khác được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, khẳng định mong muốn của Việt Nam tham gia vào việc xây dựng và định hình các cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có APEC.

Bốn kỳ vọng của Việt Nam

Là chủ nhà của Năm APEC 2017, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trước hết, Việt Nam kỳ vọng đóng góp thiết thực vào tiến trình APEC, làm cho hợp tác trong APEC thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Đây là một kỳ vọng rất lớn của các nền kinh tế.

Hai là, nâng cao vị thế của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong trong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Ba là, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ đối tác với các thành viên của APEC, các doanh nghiệp của Việt Nam có thêm điều kiện để thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu ở khu vực.

Bốn là, quảng bá một Việt Nam đổi mới năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập quốc tế, mang lại cơ hội phát triển, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Thông qua Năm APEC 2017, Việt Nam cũng có thêm điều kiện để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nền kinh tế thành viên trong APEC, nâng cao nhận thức về diễn đàn cũng như lợi ích của việc tham gia diễn đàn.

Năm APEC 2017 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận các thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, kết nối với các đối tác chiến lược tiềm năng với điều kiện đi lại thuận lợi hơn, đồng thời thúc đẩy các vấn đề quan tâm thông qua hợp tác, đối thoại.

Người dân cũng có thêm cơ hội để lựa chọn các dịch vụ, y tế, giáo dục, việc làm và các chương trình mà APEC đang triển khai.

Đồng thời, thông qua việc chuẩn bị cho APEC, chúng ta cũng có cơ hội nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nghiệp và cán bộ tại địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Biểu trưng Năm APEC thể hiện sự năng động của APEC

Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, Biểu trưng của Năm APEC Việt Nam 2017 thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của APEC với 21 tia mặt trời tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên.

Biểu trưng với ba màu chủ đạo là xanh nước biển, đỏ và vàng thể hiện ba trụ cột hợp tác của APEC. Với bố cục chuyển động tròn, biểu trưng cho hình ảnh động cơ phản lực, thể hiện sự năng động của APEC.

Họa tiết đàn chim lạc bay, một biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam, thể hiện tinh hoa văn hóa Việt Nam, một đất nước giàu truyền thống và luôn hướng về cội nguồn.

Biểu trưng đã phác họa hình ảnh đàn chim lạc một cách sáng tạo và hiện đại bằng 21 nét vẽ mạnh, đơn giản nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng, độc đáo của họa tiết trống đồng Đông Sơn vừa tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn

 

Tags: APEC 2017