menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội để doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh hội nhập

08:39 15/06/2016

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã ban hành. Theo đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao tính cạnh tranh trong doanh nghiệp… đã được khẩn trương thực hiện.
Ngày 16/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 35 về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bên cạnh đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, nước ta sẽ có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp trong nước có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, để thực hiện đồng bộ các chính sách mà Nghị quyết 35 ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ như: Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao; lao động ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản...; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động; rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc ban hành Nghị quyết số 35 của Chính phủ sẽ góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước bứt phá trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với toàn cầu.
Với hệ thống các điều khoản mà Nghị quyết 35 ban hành, thời gian tới, doanh nghiệp nội địa sẽ khắc phục các khó khăn, thách thức như: Hạn chế về công nghệ và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, bất cập về vấn đề tiếp cận nguồn vốn, công nghệ… để doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết 35 cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tăng cường tính gắn kết, tạo ra sức mạnh tập thể, đủ năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là “cú hích” để tiếp thêm động lực, thời cơ nhằm giúp doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững, hiệu quả.
Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công thương tỉnh, việc ban hành Nghị quyết 35 của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp trong nước quan tâm, ủng hộ.
Mặt khác, Nghị quyết 35 sẽ tạo sự bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Nếu như Nghị quyết 35 được thực hiện đồng bộ thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính từ cấp Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ có nhiều ưu đãi về thuế và các thủ tục hành chính liên quan.
Tại Nghệ An, trong thời gian qua, tỉnh đã không ngừng quan tâm đẩy mạnh cải cách chính sách thu hút đầu tư. Điều này thể hiện rõ sau kết quả của 8 năm liên tục tổ chức “Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư” nhân dịp đầu xuân năm mới.
Chỉ tính qua 7 lần tổ chức Hội nghị này, Nghệ An đã thu hút được 663 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 230.000 tỉ đồng. Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng bắt đầu triển khai tại Nghệ An một cách có hiệu quả, góp phần cùng với doanh nghiệp nội địa tăng giá trị sản xuất kinh doanh, tạo nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Các tập đoàn lớn như TH, Tôn Hoa Sen, Sabeco, MDF… cũng bắt đầu triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều này có thể khẳng định, trước khi có chủ trương lớn của Chính phủ thông qua Nghị quyết 35 đã được ban hành, Nghệ An đã chủ động cải cách hành chính, tăng hiệu quả thu hút đầu tư để phát triển số lượng doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh nhà.
Chiều 31/5, trong cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân của UBND tỉnh do đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cũng đã khẳng định Nghị quyết 35 của Chính phủ mang tính kịp thời, là cơ sở pháp lý đầy đủ để xây dựng doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với các nước.
Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp thì để doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững, việc cải cách hành chính cần phải thực hiện đồng bộ, nghiêm túc hơn nữa. Mặt khác, hệ thống các cơ quan, ban, ngành quản lý Nhà nước cần phải có cơ chế thông thoáng, thủ tục nhanh gọn, tránh gây phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp.
Nguồn: Ngọc Thái/congannghean.vn