Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được thực thi đối với Việt Nam, điều này mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nhiều lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam; trong đó có nông nghiệp.
Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tham gia Hiệp định CPTPP, những cơ hội có thể nhìn thấy ngay dựa trên dữ liệu thương mại là mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.
Bên cạnh đó là tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Nông, lâm sản Việt Nam có cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành gỗ được cho sẽ có nhiều cơ hội hơn là thách thức từ CPTPP. Ngành gỗ Việt sẽ được hưởng lợi nhiều từ thuế quan.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), CPTPP sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…
Đây là lợi thế để giảm thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đánh giá, thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này.
Với cơ hội lớn như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, trình độ của doanh nghiệp Việt Nam so với 10 nước còn lại vẫn hơi thấp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm mọi cách đầu tư nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp.
Đó là, quy trình kỹ thuật, cách quản lý, các tiếp cận, quảng bá, marketing… Doanh nghiệp phải bắt tay ngay vào đào tạo, học tập… để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp.
Với các nông sản khác, theo ông Trần Văn Công, các nhóm mặt hàng nông sản chế biến Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng cạnh tranh cao như rau quả chế biến, sản phẩm chăn nuôi chế biến, bơ sữa...
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế về sản xuất nông thủy sản nhiệt đới với lợi thế sản xuất có khả năng cạnh tranh cao, giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, năng suất cao, nguồn nhân lực rẻ hơn các thành viên khác…
Bên cạnh cơ hội cũng luôn luôn đi kèm với thách thức. Theo ông Trần Văn Công, việc xác định rõ các thách thức là cần thiết để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.
Đó là sự hạn chế về năng lực cạnh tranh, đặc biệt nền nông nghiệp nước ta dựa trên số lượng nông hộ với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán. Công nghiệp chế biến nông sản chưa được phát triển như các thành viên khác.
Để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ông Trần Văn Công cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam.
Ngành sẽ phải đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Đặc biệt, chú trọng đến triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu ngành theo tiểu ngành, các vùng nhằm thức đẩy phát triển nông sản hàng hóa theo 3 trục sản phẩm: Trục sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm cấp tỉnh và trục sản phẩm cấp địa phương gắn với chỉ dãn dịa lý và theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Nguồn: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN