menu search
Đóng menu
Đóng

CPTPP và tác động kép

08:00 06/05/2019

Vinanet -Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại cơ hội và không ít thách thức cho doanh nghiệp. Để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức, doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) cần chung sức, đồng lòng.
Yêu cầu mới
CPTPP yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong pháp luật, thể chế và thông lệ. Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại.
Trên thực tế, nước ta đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch. Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định.
Đặc biệt, trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép NLĐ được quyền thành lập tổ chức của NLĐ tại cơ sở, doanh nghiệp, hoạt động song song với tổ chức công đoàn.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam, đây thực sự là thách thức nhưng cũng là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ. "Việc tham gia CPTPP đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, trong đó có các quy định về điều kiện làm việc, sự minh bạch về tiền lương và những vấn đề khác. Doanh nghiệp khi hội nhập sẽ phải đảm bảo phân chia thu nhập của NLĐ hài hòa" - ông Quảng phân tích.
Phân cấp lao động
Với hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư tốt hơn, NLĐ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp; điều kiện lao động, thu nhập, đời sống được nâng cao hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mà CPTPP đem lại, lực lượng lao động của Việt Nam cần được đào tạo để có kỹ năng nghề, đặc biệt trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, nguy cơ không có việc làm, thất nghiệp của NLĐ rất lớn.
Tiến sĩ Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - nhận định: Việc làm, chất lượng và năng suất lao động tăng khi CPTPP hiệu lực. Nhưng bên cạnh đó, sẽ có phân hóa về tiền lương giữa các khu vực doanh nghiệp, giữa lao động có trình độ cao với trình độ thấp.
Ông Vinh khẳng định, tác động kép từ CPTPP sẽ khiến cơ cấu việc làm, hình thái tổ chức thay đổi nhanh. Vì thế, để tận dụng cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp và chính NLĐ phải nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ không chỉ trong chuyên môn mà còn trong nhận thức văn hóa, pháp luật để từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông TrầnQuang Huy Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam: Mỗi NLĐ phải ý thức, trau dồi trí lực, sẵn sàng về năng lực, nâng cao thể lực để đối mặt với thách thức và tạo sự bứt phá.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử