menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực tận dụng ưu đãi từ các FTA

09:11 03/08/2017

Vinanet - Để đạt các mục tiêu xuất khẩu dệt may trong năm 2017, Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) cần phải nỗ lực tìm kiếm, phát triển thị trường hơn nữa và áp dụng triệt để các điều khoản về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Chia sẻ tại hội thảo “Tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đối với ngành dệt may” do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/8, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay: Từ nay đến cuối năm ngành dệt may tiếp tục ổn định nhưng hiệu quả và lợi nhuận của DN lại không nhiều.
Phân tích cụ thể, ông Hồng nói, hiện nhu cầu dệt may ở các thị trường xuất khẩu đều giảm vì kinh tế thế giới chưa thật sự ổn định. Thêm vào đó DN dệt may trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước Campuchia, Malaysia… Ở Việt Nam, năng suất lao động của ngành dệt may cao hơn so các nước nhưng lại bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu các nước.
Ông Hồng cho rằng, sau một thời gian dài trông đợi vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bây giờ là thời điểm DN phải tự mở rộng thị trường thông qua nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương khác.
Đơn cử, từ khi Tổng thống Hoa Kỳ ký sắc lệnh rút khỏi TPP thì Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang trở thành hy vọng lớn nhờ tính khả thi cao. Khi hiệp định này có hiệu lực (năm 2018), 71% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được miễn thuế. Các dòng thuế còn lại tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó. Đến năm 2025, 99% hàng hóa của Việt Nam vào EU được miễn thuế. Hiện nay sản phẩm dệt may vào thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhất là vest nam với 48%, trang phục nam 32%, áo đầm nữ 28%,…
Do đó, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Việt Nam có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng của mặt hàng này.
Liên quan đến các ưu đãi thuế quan, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, 50% hàng dệt may đã tận dụng được ưu đãi thuế quan và có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi FTA. Số còn lại chưa thể tận dụng được vì không đáp ứng được xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, áo khoác có mũ thuế suất nhập khẩu thông thường là 45% nhưng thuế suất nhập khẩu WTO là 30%; với hiệp định thương mại tự do ASEAN - New Zealand chỉ ở mức 10%, ở thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu thuế mặt hàng này là 0%.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là việc tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường phụ thuộc chủ yếu vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật thương mại,... Trong đó, yêu cầu về quy tắc xuất xứ đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các DN vì cung ứng nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế.
Bà Hiền cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đang thí điểm cho DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và DN sữa đã thực hiện được. Hy vọng ngành dệt may cũng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử