menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp được lợi gì từ CISG?

08:51 31/10/2016

Đại diện Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định, sắp tới, khi Công ước Vienna năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa (CISG) có hiệu lực tại Việt Nam, những tranh chấp “kiểu” Gia Hân với Global Home sẽ… dễ giải quyết hơn nhiều.

Nói điều này là không quá, vì trường hợp tranh chấp hợp đồng giữa các DN gỗ Việt với Cty Global Home vừa qua. Cụ thể, trong hợp đồng xuất khẩu gỗ giữa Cty Gia Hân (cũng như gần 20 DN gỗ khác) và Cty Global Home đều được phía Global Home thỏa thuận bằng việc giải quyết tranh chấp bằng tài phán Hồng Kông.

Lợi thế khi áp dụng CISG

Nếu như tới ngày 1/1/2017, tranh chấp này vẫn chưa được giải quyết thì các DN gỗ Việt hoàn toàn được quyền điều chỉnh luật bằng việc áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp, sẽ có những lợi thế cho Gia Hân và các DN gỗ khác.

Điều đó cho thấy, việc áp dụng CISG trong mua bán hàng hóa quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các DN Việt. Đó cũng là nhận định chung của các chuyên gia luật tại buổi hội thảo “CISG – nắm bắt cơ hội từ hội nhập” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với ITPC, Trường Đại học Ngoại thương vừa diễn ra tại TP HCM.

Ông Vũ Xuân Phong – Phó Chủ tịch VIAC khẳng định: “Việc gia nhập CISG đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia các điều ước quốc tế đa phương về thương mại và tăng cường mức độ hội nhập của VN. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của VN về mua bán hàng hóa quốc tế và cho các DN VN một khung pháp lý hiện đại, công bằng, an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mình”.

 CISG sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ 1/1/2017. CISG được áp dụng trên 85 quốc gia thành viên tham gia, điều chỉnh khoảng 3/4 giao dịch thương mại hàng hóa quốc tế.

 CISG ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh VN đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường mua bán quốc tế và thực trạng nhiều DN Việt gặp rủi ro trong giao thương với đối tác nước ngoài.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 cho rằng: Đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, DN Việt được phép lựa chọn các nguồn luật để điều chỉnh hợp đồng của mình. Hiện nhiều DN VN vẫn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nguồn luật đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với luật pháp trong nước để áp dụng.

“Chính vì thế, VN gia nhập CISG là điều kiện rất thuận lợi để DN có thể khai thác cơ hội từ quá trình hội nhập. Tuy nhiên, DN Việt chỉ có thể khai thác tốt cơ hội khi nhận thức, hiểu biết đầy đủ và nắm bắt sâu sắc để vận dụng”, ông Minh nói.

Những khác biệt từ CISG

Theo ông Châu Việt Bắc- Phó Tổng Thư ký VIAC, so với luật pháp VN, CISG có một số những điểm khác biệt mà các DN cần biết. CISG là những quyền nghĩa vụ chung giữa người bán – người mua trong hợp đồng mua bán quốc tế. Các hiệp hội có thể vận dụng CISG để soạn thảo ra một hợp đồng mẫu hay một điều khoản hướng dẫn cho các hội viên của mình.

Cũng theo ông Bắc, việc làm hợp đồng mẫu có nhiều ý nghĩa với DN: Thứ nhất, đây là sự cần thiết giúp DN chủ động hơn vì bên soạn thảo hợp đồng mẫu chắc chắn sẽ biết được ý nghĩa của điều khoản đó như thế nào; Thứ hai, khi các hiệp hội soạn thảo hợp đồng mẫu thường sẽ theo hướng bảo vệ cho DN hội viên, tránh những điều khoản thiên về DN nước ngoài, giúp cho các DN VN phòng ngừa được rủi ro, tranh chấp.

Ông Bắc cũng cho biết, thông thường, khi giải quyết tranh chấp tại VIAC, DN VN thường muốn sử dụng luật VN. Do vậy, để sử dụng luật VN thì trong hợp đồng ban đầu phải thỏa thuận là áp dụng luật VN. Còn nếu không có trong thỏa thuận hợp đồng thì hãy để cho cơ quan xét xử quyết định. Hầu hết các trường hợp này, họ sẽ căn cứ vào CISG. Bởi vì, nếu các bên đều là thành viên của CISG thì đương nhiên phải áp dụng CISG. Lúc đó, DN đã chủ động tham gia vào CISG thì sẽ biết được những quy định như thế nào, giúp phòng ngừa rủi ro tốt hơn.

Một số trường hợp tranh chấp, DN có thể đưa ra nguồn luật để điều chỉnh, mà theo như kinh nghiệm của ông Bắc thì, “nếu DN nước ngoài không muốn áp dụng luật VN, cũng không muốn sử dụng CISG mà lại đưa ra luật của nước họ, chứng tỏ rằng DN đó không chuyên nghiệp. Nguyên tắc công bằng, thiện chí trong việc xác lập hợp đồng là dùng CISG luôn luôn được tuân thủ”.

Liên quan tới vấn đề bồi thường, việc bồi thường thiệt hại của CISG rất khác với luật VN. Theo luật VN, việc bồi thường thiệt hại thực tế được cấu thành bởi lỗi cộng với mối quan hệ nhân quả. DN VN khi khởi kiện thiệt hại thực tế theo luật VN cần phải kiện tất cả những thiệt hại do hành vi vi phạm của đối tác. Chẳng bạn như phải bán hàng cho người khác, lỗ như thế nào, chi phí lưu kho, bãi…

“Tuy nhiên, đối với CISG lại giới hạn là những thiệt hại nào bên vi phạm phải tiên liệu được trước thì mới được chấp nhận bồi thường thiệt hại. Cho nên, riêng về khái niệm về bồi thường thiệt hại (rất phổ biến) trong các vụ kiện đã có sự khác biệt giữa CISG và pháp luật VN.

Nguồn:N.Thành/Báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử