menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp định AHKFTA: Sẽ cắt giảm sâu thuế quan vào năm 2021

09:52 12/12/2018

Vinanet - Dự kiến, trong giai đoạn 2019 - 2022, mức thay đổi thuế suất trung bình lớn nhất tại Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA) sẽ diễn ra trong năm 2021 (với mức giảm từ 6,52% năm 2020 xuống 4,98% trong năm 2021), tương ứng với mức giảm 63,8 tỷ đồng số thu thuế nhập khẩu (NK) của Việt Nam, theo tính toán của Bộ Tài chính.

72% dòng thuế NK sẽ về 0%

Để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế NK trong AHKFTA, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện AHKFTA giai đoạn 2019 - 2022.

Dự thảo nghị định AHKFTA quy định về thuế suất trong và ngoài hạn ngạch NK. Mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hoá NK trong hạn ngạch thuế quan, được chi tiết tại Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định. Mức thuế suất ngoài hạn ngạch, áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm NK. Số lượng hạn ngạch thuế quan NK hàng năm thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Thuế suất AHKFTA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc). Về tổng thể, Biểu thuế AHKFTA theo Danh mục thuế quan hài hoà ASEAN năm 2017 (AHTN 2017) giai đoạn 2018 - 2022 gồm 10.856 dòng thuế, trong đó gồm 10.775 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 81 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số (từ 38 dòng cấp độ 8 số). Lộ trình cắt giảm thuế quan trong biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn theo từng năm, từ 2019 - 2022.

Theo kết cấu mới của Biểu thuế AHKFTA, số dòng thuế thuộc các danh mục cam kết theo danh mục AHTN 2017 đều tăng hơn so với AHTN 2012. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ của từng danh mục trên tổng biểu thuế thì hầu như không thay đổi. Tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong AHKFTA giai đoạn 2019 – 2022 vào khoảng 72% số dòng thuế của Biểu thuế AHKFTA (tương ứng 7.819 dòng thuế). Danh mục cam kết theo kết cấu Biểu thuế AHKFTA giai đoạn 2019 -2022, ngoài 7.819 dòng thuế xoá bỏ, có 457 dòng thuế nhạy cảm (chiếm 4,2% số dòng thuế); 536 dòng thuế nhạy cảm cao (chiếm 4,94%); 1.814 dòng thuế không cam kết (chiếm 6,71%)...

Nguồn thu thuế NK giảm

Theo Bộ Tài chính, cam kết thuế với Hồng Kông tại AHKFTA có nhiều điểm tương đồng với cam kết đang thực hiện cùng Trung Quốc tại Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), giúp giảm bớt các trường hợp vận dụng ACFTA trước đây khi hàng hóa từ Hồng Kông không đáp ứng đủ điều kiện về thuế NK. Việc ký kết và thực hiện Hiệp định ASEAN – Hồng Kông giúp việc quản lý hàng hóa NK theo nguồn gốc xuất xứ của hải quan diễn ra được thuận lợi.

Về tổng thể, Việt Nam dành cho Hồng Kông mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 72% số dòng thuế, tương đương kim ngạch NK giá trị khoảng 658,7 triệu USD. Thống kê cho thấy, NK từ thị trường Hồng Kông có sự tăng trưởng tương đối cao trong giá trị NK trong 2 năm gần đây (năm 2016 và 2017). Năm 2017 giá trị NK tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, từ khoảng 1,495 tỷ USD lên 1,660 tỷ USD. Những mặt hàng NK chính từ Hồng Kông (có giá trị từ 30 triệu USD trở lên) tập trung vào các nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da giày (khoảng 400 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phế liệu sắt thép; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và hàng hóa khác.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, mức thuế suất trung bình tại AHKFTA giảm từ 6,97% năm 2019 xuống 4,98% vào năm 2022. Trong đó, mức thay đổi thuế suất trung bình lớn nhất diễn ra trong năm 2021 (với mức giảm từ 6,52% năm 2020 xuống 4,98% trong năm 2021), tương ứng với mức  giảm 63,8 tỷ đồng số thu thuế NK.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định về biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Nhiều dòng thuế đã được xoá bỏ từ 1/1/2018. Dự kiến từ năm 2019 thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN – Hồng Kông tiếp tục mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.

Những ưu đãi thuế quan sẽ khiến tình hình nhập siêu và xuất siêu biến đổi bất thường. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tất Thắng, nếu có nhập siêu cũng không đáng lo ngại, bởi việc nhập siêu từ một số thị trường lớn sẽ mang đến cơ hội cho Việt Nam khi tiếp cận những công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải biết tận dụng cơ hội này.

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn